Thứ Hai, ngày 7 tháng 10 năm 2024

Kỷ niệm 201 năm ngày sinh Friedrich Engels (28/11/1820 – 28/11/2021)

Những bài học của Engels

Friedrich Engels (1820 - 1895) - người thầy vĩ đại của giai cấp vô sản. (Ảnh tư liệu)

(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Friedrich Engels (1820 – 1895) là nhà tư tưởng, nhà giáo dục, nhà cách mạng, nhà lý luận chính trị, nhà triết học vĩ đại, người cùng với Karl Marx đã sáng tạo và phát triển chủ nghĩa cộng sản, góp phần vào sự thay đổi to lớn của nhân loại trong hơn một thế kỷ qua. Như rất nhiều người vĩ đại khác, Engels cũng có rất nhiều điều giản dị mà chúng ta có thể học tập được, thực hành được.

Trong tác phẩm Friedrich Engels, được viết vào mùa thu năm 1895, ngay sau khi Engels qua đời, vị lãnh tụ kiệt xuất của phong trào cách mạng vô sản thế giới Vladimir Ilych Lenin đã nhận xét: “Sau bạn ông là Karl Marx, Engels là nhà bác học và là người thầy lỗi lạc nhất của giai cấp vô sản hiện đại trong toàn thế giới văn minh. Từ ngày mà vận mệnh đã gắn liền với Karl Marx và Engels thì sự nghiệp suốt đời của hai người bạn ấy trở thành sự nghiệp chung của họ. Cho nên, muốn hiểu Friedrich Engels đã làm gì cho giai cấp vô sản thì phải nhận rõ ý nghĩa của học thuyết và hoạt động của Marx đối với sự phát triển của phong trào công nhân hiện đại”[1]. Ở cuối tác phẩm này, Lenin khẳng định: “Friedrich Engels, người chiến sĩ và người thầy vĩ đại của giai cấp vô sản, đời đời sống mãi!”[2].

Cuộc đời và sự nghiệp của Engels để lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá.

Trước hết, đó là bài học vượt qua hoàn cảnh của bản thân. Với nhiều người, bài học này được vận dụng vào việc vượt lên nghịch cảnh bằng ý chí và nghị lực của bản thân để trở thành một người tiến bộ hơn, xuất sắc hơn. Nhưng với Engels, đó là vượt qua điều kiện của một gia đình tư sản để trở thành một nhà đấu tranh cho giai cấp vô sản. Là con trai trưởng của một nhà sản xuất sợi dệt giàu có người Đức, cha là một chủ tư bản lớn, rất sùng đạo, giỏi kinh doanh, giao du rộng, nhưng về chính kiến thì rất bảo thủ, Engels đã sớm bộc lộ tính cách độc lập, không để những lời dạy bảo nghiêm khắc của cha và những sự đe dọa trừng phạt làm ông phục tùng mù quáng. Ở tuổi thiếu niên, ông luôn suy nghĩ, nêu nghi vấn rồi tự tìm đọc thêm để tự giải đáp cho mình.

Từ năm 1842 – 1844, sống ở Manchester, thành phố công nghiệp dệt, Engels đã đi sâu vào tìm hiểu đời sống của công nhân Anh và phát hiện rằng giai cấp công nhân không chỉ là giai cấp đau khổ trong xã hội tư bản mà còn là giai cấp có sứ mệnh đấu tranh cho sự giải phóng cuối cùng của mình, đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội. Trong một thời gian dài, do bất đồng quan điểm với cha, ông không tham gia các hoạt động kinh doanh của gia đình, nhưng từ năm 1850, để có tiền giúp đỡ bạn và là người đồng chí thân thiết của mình là Marx, ông chấp nhận làm thư ký cho hãng buôn của cha suốt 20 năm.

Karl Marx, Friedrich Engels cùng các con gái của Marx là Jenny, Eleanor và Laura Marx, năm 1864. (Ảnh tư liệu) Karl Marx, Friedrich Engels cùng các con gái của Marx là Jenny, Eleanor và Laura Marx, năm 1864. (Ảnh tư liệu)

Hay Engels nhiều lần viết báo và tham gia các diễn đàn phê phán mạnh mẽ việc bóc lột công nhân của giới chủ tư sản, hoạt động mại dâm… và có nhiều hoạt động ủng hộ tầng lớp lao động nghèo. Về gia đình riêng, Engels lấy bà Mary Burns, sau khi bà mất, ông sống chung với em gái của bà Mary, nhưng đều không có con. Hai bà là nữ công nhân thực sự cha truyền con nối của xứ Ireland và đều là những nhà yêu nước kiên cường[3].

Gắn liền với bài học thứ nhất đó chính là thái độ giữ vững lập trường, trước sau như một của mình đối với các vấn đề mang tính nguyên tắc. Tham gia các hoạt động bảo vệ giai cấp vô sản đã khiến Engels không chỉ bị chính gia đình mình phản đối mà còn tạo ra sự thù hằn với giới tư sản ở cả châu Âu. Không chỉ vậy, Engels cũng phê phán mạnh mẽ các quan điểm thỏa hiệp, cải lương hoặc sai lầm của một số học giả. Chẳng hạn, Engels đã thẳng thắn phê phán nhà nghiên cứu Ricardo (1772 – 1823), “chủ ngân hàng giàu có và nhà kinh tế học xuất sắc”; nhà triết học Hegel (1770 – 1831), “giáo sư bình thường dạy triết học ở trường Đại học Berlin”; bác sĩ Quesnay (1694 – 1774), với “phép siêu hình của khoa kinh tế chính trị”; giáo sư Proudhon (1809 – 1865), người “đã thành công trong việc bóp phép biện chứng của Hegel cho nhỏ đến những kích thước nhỏ hẹp nhất”[4] … Hay trong tác phẩm nổi tiếng bậc nhất của Engels là Chống Duhring, mà Duhring (1833 – 1921) là kẻ “tự xưng là nhà triết học chân chính duy nhất của hiện tại và của một tương lai có thể thấy được", Engels đã mỉa mai: “Kẻ nào xa rời ông, kẻ ấy xa rời chân lý. Trước ông Duhring, đã có nhiều người nghĩ như vậy về bản thân họ, nhưng ngoài Richard Wagner ra, ông ta đúng là người đầu tiên nói như vậy về mình một cách không ngượng ngùng”… Tức là, trong tranh đấu, Engels không hề e ngại và cũng không biết chùn bước!

Và, cuộc đời Engels dù cơ bản sống trong giàu có nhưng cuối cùng đã cống hiến hết mình cho giai cấp vô sản, cho những người cần lao, theo một cách gần nhất có thể. Ngày 5/8/1895, Engels qua đời tại London (Anh); trước lúc mất, ông yêu cầu lễ tang ông chỉ nên tiến hành trong một số ít người, thi hài ông được hỏa táng và tro được rải xuống biển… Lúc qua đời, ông để lại khoản tiền tương đương 2 triệu bảng Anh cho các con của Marx… Có người nhận xét: Engels đã sống một cuộc đời đầy mâu thuẫn: một nhà tư sản hoạt động trong phong trào cộng sản.

Bài học thứ ba là tinh thần học tập không ngừng nghỉ của Engels. Ông có một châm ngôn nổi tiếng là: "Tôi nghi ngờ những gì mà tôi chưa rõ". Để đáp ứng nhu cầu tra cứu, ông đã đọc nhiều ngoại ngữ. Mới 17 tuổi, Engels đã biết 15 ngoại ngữ, nói viết thông thạo tiếng Latin, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Hà Lan, Ý… Sau này, ông có thể sử dụng các thứ tiếng như Bồ Đào Nha, Ba Lan, Nga… Từ trẻ, Engels đã căm ghét sự chuyên chế và độc đoán của giới quan lại, ông kiên trì tự học, nuôi ý chí làm khoa học và hoạt động cải biến xã hội bằng cách mạng.

Nhờ có kiến thức sâu rộng về nhiều lĩnh vực mà Engels đã góp phần kiến giải nhiều vấn đề quan trọng trong đời sống xã hội theo quan điểm duy vật biên chứng và duy vật lịch sử, như kinh tế học, chính trị học, triết học, tôn giáo, gia đình, xã hội… Chẳng hạn, về tôn giáo, đọc các sự tích tôn giáo, trước hết ông thưởng thức cái đẹp sau đó mới tìm đến ý nghĩa, do đó đối với Kinh Thánh, ông thích Cựu ước hơn Tân ước. Ông đã khám phá ra rằng chính con Người đã tạo ra Chúa theo hình ảnh của Người, chứ không phải Chúa đã tạo ra Người theo hình ảnh của Chúa...

Tượng đài Marx và Engels ở Berlin (Đức). (Ảnh tư liệu) Tượng đài Marx và Engels ở Berlin (Đức). (Ảnh tư liệu)

Và một bài học nữa không thể không nhắc đến là tình bạn keo sơn, trước sau như một với người đồng chí vĩ đại Karl Marx. Marx và Engels gặp nhau lần đầu tiên vào tháng 11/1842, khi Engels trên đường sang Anh và ghé thăm ban biên tập tờ Nhật báo tỉnh Rhein. Năm 1844, Engels đến thăm Marx ở Paris và hai ông đã trở thành những người bạn cùng chung lý tưởng và quan điểm trong tất cả mọi vấn đề lý luận và thực tiễn. Hai ông trở thành đôi bạn vĩ đại bậc nhất và hiếm có trong lịch sử: từ mục đích lý tưởng và học thuyết, họ đã sống vì nhau, cho nhau trọn cả cuộc đời. Engels chăm lo cho bạn về mọi mặt, không những về công việc, mà cả sức khỏe và cuộc sống gia đình. Trên bình diện lý luận, ngoài những tác phẩm riêng của mình, Engels còn giúp đỡ Marx rất nhiều về mặt khoa học.

Sau khi Marx qua đời (năm 1883), Engels là người duy nhất có quyền công bố những tác phẩm của Marx nhưng cho đến cuối đời ông vẫn nhắc lại nhiều lần rằng công lao sáng lập ra triết học và khoa kinh tế chính trị học mác xít chủ yếu thuộc về Marx. Trong đó, bộ Tư bản - Chỉ trích về kinh tế chính trị (thường được gọi là bộ Tư bản hoặc Tư bản luận), tác phẩm được Marx dành 20 năm để viết, nhưng ông chỉ hoàn thành cuốn thứ nhất, được xuất bản vào ngày 14/9/1867. Những bản thảo còn lại của Marx được Engels sử dụng để xuất bản cuốn thứ 2 và thứ 3 vào năm 1885 và 1894. Bây giờ, hầu hết các nhà nghiên cứu đều đánh giá cao giá trị của bộ sách này, nhưng thử hỏi nếu không có Engels thì bộ tác phẩm vĩ đại này sẽ ra sao?

Vì vậy, trong phần danh mục tham khảo của cuốn tiểu sử Karl Marx, viết năm 1914, Lenin đánh giá: “Muốn đánh giá đúng đắn những quan điểm của Marx, tuyệt đối phải đọc những tác phẩm của người cùng tư tưởng và người cộng tác gần gũi nhất của Marx là Friedrich Engels. Không thể nào hiểu được chủ nghĩa Marx và trình bày đầy đủ được chủ nghĩa Marx, nếu không chú ý đến toàn bộ những tác
phẩm của Engels”[5].

Từ cuộc đời phong phú và vĩ đại của Engels, mỗi người chúng ta có thể rút ra một số bài học cho riêng mình, để từ đó hiểu hơn về ông, hiểu hơn về con đường tranh đấu mà ông đã chọn. Từ đó, càng hun đúc hơn niềm tin vào sự thắng lợi cuối cùng của cuộc tranh đấu đó ở tương lai, mà bắt đầu từ trong mỗi hành động cách mạng của chính chúng ta hôm nay!

Nguyễn Minh Hải

_______________________________

[1] Lenin toàn tập, tập 2, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2005, tr.3.

[2] Lenin toàn tập, tập 2, sđd, tr.14.

[3] Trần Trọng Tân, Engels, vị lãnh tụ cách mạng vĩ đại, Báo Nhân dân, ngày 27/11/2007.

[4] Các phần được dẫn trong ngoặc kép được trích từ nhận xét của Engels trong cuốn Sự khốn cùng của triết học, do Engels viết năm 1847.

[5] Lenin toàn tập, tập 26, sđd, tr.110.


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo