Thứ Bảy, ngày 10 tháng 5 năm 2025

Nhiễm bệnh lúc thực hiện nhiệm vụ, nhiều y bác sĩ vẫn dấn thân khi người bệnh cần

Ảnh minh hoạ

(Thanhuytphcm.vn) - Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, đã có nhiều y bác sĩ Bệnh viện Da Liễu (BVDL) TPHCM không may nhiễm Covid-19 khi đang thực hiện nhiệm vụ. Dù dịch bệnh nguy hiểm, bị lây nhiễm khi thực hiện nhiệm vụ, phải đứng giữa lằn sinh tử… nhưng nhiều y bác sĩ vẫn tiếp tục ở lại chăm sóc bệnh nhân nặng hơn vì trong họ vẫn vẹn nguyên tình yêu nghề và sẵn sàng dấn thân khi người bệnh cần…

Kết thúc 5 tuần thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 1, bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung – Khoa Ngoại BVDL TPHCM trở về tiếp tục nhận nhiệm vụ tiêm chủng cộng đồng. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chị không may nhiễm Covid-19. Đã từng là bác sĩ có nhiều kinh nghiệm trong điều trị Covid-19 nên bác sĩ Hồng Nhung xin cách ly và điều trị tại nhà. Tuy nhiên sức khỏe diễn biến bất ngờ, SPO2 tụt giảm khiến chị phải thở oxy tại nhà và chuyển lên bệnh viện dã chiến điều trị.

Nhắc lại quảng thời gian đó, bác sĩ Hồng Nhung vẫn rất xúc động: “Tôi biết công việc của mình là tiếp xúc trực tiếp với F0 nên nguy cơ lây nhiễm rất cao. Cũng may khi mình nhiễm bệnh, được đồng nghiệp hỗ trợ kịp thời…" – bác sĩ Nhung kể.

Là một trong những người viết đơn xung phong lên tuyến đầu, điều dưỡng Nguyễn Duy Sơn – Khoa Lâm sàng 3 BVDL TPHCM đã nhiễm Covid-19 trong những ngày thực hiện nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến số 12 (đơn vị do BVDL TPHCM phụ trách).

Thấy mình nhiễm bệnh nhưng vẫn khỏe, điều dưỡng Sơn xin lãnh đạo bệnh viện được ở phòng với những bệnh nhân khác để tiện hỗ trợ đồng nghiệp chăm sóc, cấp cứu những ca trở nặng. Ngày thứ chín mắc bệnh, anh suy hô hấp, thở oxy. “Như có một tảng đá lớn đè trên ngực, dù cố gắng đến mấy cũng rất khó để thở. Mình vẫn tỉnh táo, nhận diện được mọi điều xung quanh, chỉ không có cách nào để thở” - anh Sơn nhớ lại.

Cũng chính lúc này, mẹ và em gái anh cũng nhiễm bệnh và được chuyển đến Bệnh viện Dã chiến số 12. Bốn tháng đi chống dịch, chưa một lần về nhà, anh không ngờ lại đoàn tụ mẹ và em trong tình huống này. “Tôi giấu cả nhà mình là F0, nhưng khi thấy tôi không mặc đồ bảo hộ khi ra thăm, mẹ tôi liền biết. Bà ôm tôi, khóc rất nhiều” – anh Sơn kể. 

Anh rơi vào trận suy kiệt sau đó. Các đồng nghiệp của anh lao vào cấp cứu anh may mắn qua cơn nguy kịch và phục hồi. Mấy ngày sau, mẹ và em gái anh có kết quả âm tính. “Đó là món quà lớn nhất trong cuộc đời tôi” - anh Sơn xúc động cho biết.

Là nữ điều dưỡng đầu tiên trong lực lượng nhân viên y tế của BVDL TPHCM lên tiếp quản Bệnh viện Dã chiến số 12 bị nhiễm Covid-19, điều dưỡng Nguyễn Huỳnh Ái Trân – Khoa Ngoại chia sẻ: “Khi dịch đang đến đỉnh điểm tôi phát hiện mình nhiễm. Tôi không sợ nhưng lo. Lo vì lúc này bệnh nhân nhập viện rất nhiều mà mình lại nhiễm như vậy đồng nghiệp lại phải “choàng” thêm việc của mình trong khi họ đang vất vả lo cho hàng trăm bệnh nhân khác. May mắn, một tuần sau tôi âm tính, tiếp tục ở lại chiến đấu cùng đồng nghiệp”

Bác sĩ Hồng Nhung, điều dưỡng Nguyễn Duy Sơn, điều dưỡng Ái Trân là 3 trong số rất nhiều y bác sĩ của BVDL TPHCM tình nguyện lên tuyến đầu chống dịch và không may bị nhiễm bệnh lúc thực hiện nhiệm vụ. Dù đã từng đứng giữa ranh giới sinh tử nhưng những bác sĩ, điều dưỡng vẫn yêu nghề, tận tụy với người bệnh. Họ không chỉ là bác sĩ, họ còn là chiến sĩ, là những người anh hùng của cuộc chiến chống dịch bệnh, xứng đáng với câu “Lương y như từ mẫu”.

Lan Anh

 

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo