Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Nhất trí trình Quốc hội xem xét việc thí điểm đấu giá biển số ô tô

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra.

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 22/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.

Dự thảo Nghị quyết quy định thí điểm việc cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, bao gồm: xác định biển số ô tô thực hiện thí điểm đấu giá; giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá; trường hợp bán cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân duy nhất tham gia đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá; sử dụng nguồn thu từ đấu giá biển số.

Quy định biển số đưa ra đấu giá là biển số ô tô nền màu trắng, chữ và số màu đen trong kho biển số chưa được đăng ký. Các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu đấu giá được lựa chọn bất kỳ biển số nào trong kho số đấu giá của tất cả các địa phương trên toàn quốc để tham gia đấu giá. Quy định không đưa ra đấu giá đối với một số biển số xe như: biển số cấp cho xe mua sắm từ ngân sách nhà nước, xe của quân đội, xe của tổ chức doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế và người nước ngoài làm việc trong cơ quan, tổ chức đó hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Giá khởi điểm ở Hà Nội, TPHCM là 40 triệu đồng; vùng 2 gồm các địa phương còn lại có giá khởi điểm 20 triệu đồng. Người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác, nhưng không được phép chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá. Trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày trúng đấu giá, biển số phải được gắn với phương tiện, nếu không sẽ bị thu hồi. Người trúng đấu giá biển được quyền chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe có gắn biển số. Nhưng người được chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế xe có gắn biển số trúng đấu giá không được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác hoặc chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá cho người khác…

Thẩm tra dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, việc đấu giá biển số ô tô là chính sách mới, khác với quy định của một số luật hiện hành nên việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thực hiện thí điểm. Về phạm vi thí điểm, ông Hoàng Thanh Tùng thông tin, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật nhất trí với đề xuất của Chính phủ về thực hiện thí điểm trên phạm vi toàn quốc việc cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, vì vấn đề này đã chín, đã rõ và đạt sự đồng thuận cao. Đồng thời, cũng là để khai thác hiệu quả tài sản công là kho số đăng ký ô tô, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ đấu giá, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của một bộ phận người dân.

Về thời gian thí điểm, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật nhất trí với thời gian thí điểm là 3 năm như đề xuất của Chính phủ, phù hợp để các cơ quan có đủ thời gian triển khai thực hiện, kiểm nghiệm, tổng kết, đánh giá việc thí điểm. Một số ý kiến đề nghị thời gian thí điểm là 2 năm để kịp thời tổng kết, đánh giá, kiến nghị luật hóa nội dung này đồng bộ với việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ.

Các Ủy viên UBTVQH nhấn mạnh, việc bổ sung nội dung này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 là phù hợp với thẩm quyền quyết định của Quốc hội.

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long cho biết, theo dự kiến ban đầu, Bộ Công an định đấu giá biển số ô tô ở công an cấp tỉnh, nhưng qua nghiên cứu, đánh giá thấy rằng đấu giá như vậy sẽ không đảm bảo, tính thống nhất không cao. Do đó, các điểm đấu giá biển số ô tô sẽ tập trung ở Bộ Công an. Một trong những nguyên tắc xuyên suốt khi xây dựng dự thảo nghị quyết là công dân Việt Nam có quyền đấu giá biển số ô tô của bất cứ tỉnh nào. Hiện nay với cơ sở dữ liệu công dân, hạ tầng của Bộ Công an có thể thực hiện tốt việc này.

Toàn cảnh phiên họp. Toàn cảnh phiên họp.

Trên cơ sở xem xét cụ thể, UBTVQH đã nhất trí bổ sung dự thảo Nghị quyết vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua dự thảo Nghị quyết tại kỳ họp thứ tư (tháng 10/2022) theo quy trình tại một kỳ họp.

Cũng trong chiều 22/9, UBTVQH cho ý kiến (lần 2) với dự án Luật Phòng thủ dân sự. Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang nêu rõ, việc xây dựng dự án Luật Phòng thủ dân sự là nhằm tạo khung pháp lý chung nhất cho việc phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh nhằm bảo vệ cao nhất tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân, nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự. Cơ quan chỉ đạo quốc gia phòng thủ dân sự được thành lập trên cơ sở hợp nhất Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Thẩm tra sơ bộ tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Thường trực Ủy ban tán thành sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự. Cho ý kiến về dự án luật này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc xây dựng Luật Phòng thủ dân sự sẽ góp phần thống nhất các quy định của pháp luật liên quan đến các tình trạng khẩn cấp, phòng thủ dân sự, đảm bảo không mâu thuẫn với các luật chuyên ngành trong ứng phó thiên tai, phòng chống cháy nổ, phòng chống dịch bệnh, sự cố an ninh… Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần đầu tư nghiên cứu nội dung quy định về thiết chế, cơ cấu, tổ chức, chỉ đạo, chỉ huy trong công tác phòng thủ dân sự. Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia cần tạo lập ra một thiết chế chỉ huy chung, vẫn giữ các nhánh về phòng chống thiên tai; ứng phó sự cố, thiên tai; tìm kiếm cứu nạn, phòng chống dịch bệnh; phòng cháy chữa cháy. Các bộ ngành có trách nhiệm quản lý nhà nước về các nhánh này cần tiếp tục thực hiện tốt trách nhiệm của mình.

Qua thảo luận, UBTVQH đề nghị, cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của UBTVQH nhằm tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, chỉnh lý dự thảo luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ tư.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo