Thứ Năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024

Nghĩ về bài học “máu chảy ruột mềm” trong công tác phòng, chống dịch Covid-19

Cần đoàn kết, đồng lòng trong công tác phòng, chống dịch. Trong ảnh, các y bác sĩ và các cán bộ, nhân viên đang công tác tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM xếp thành hình ngôi sao hy vọng nhằm truyền đi thông điệp "Chung sức, vững tâm, vượt qua đại dịch". (Ảnh: congan.com.vn)

(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Trước khi xảy ra dịch Covid-19, nhiều người đã nói đến việc các quốc gia đang xóa nhòa dần ranh giới (“biên giới cứng”), do xu hướng toàn cầu hóa, do tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng của các nước, do yếu tố “cần có nhau” giữa các quốc gia… Tuy nhiên, từ khi thế giới bùng phát dịch Covid-19 đến nay, biên giới quốc gia được kiểm soát rất chặt chẽ nhằm ngăn chặn, hạn chế dịch bệnh lây lan từ nước này sang nước khác, cả do nhập cảnh chính ngạch hay vượt biên trái phép…

Ở Việt Nam, giữa các địa phương cấp tỉnh dù có ranh giới hành chính cụ thể và những khác biệt nhất định về chính sách, phương thức quản lý nhưng đều ở cùng một đất nước, cùng chịu sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước… Đồng thời, các tỉnh thành luôn có sự liên hệ, tác động qua lại lẫn nhau một cách trực tiếp, cụ thể, nhất là các địa phương ở gần nhau hoặc giữa các địa phương có nhiều mối liên hệ gần gũi về cung ứng nguồn lao động, hợp tác kinh tế, trao đổi văn hóa, kết nghĩa…

Trong công tác phòng chống dịch Covid-19, yếu tố địa giới hành chính đương nhiên có những tác động nhất định đến nhiều hoạt động thường xuyên của người dân, như việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, lao động… Nhưng các tác động đó phải trên nền tảng của pháp luật cùng chính sách chung của Chính phủ và các bộ ngành. Vừa qua, khi một vài địa phương có những chỉ đạo chưa phù hợp, có thể bị hiểu nhầm rằng gây ra tình trạng “ngăn sông cấm chợ” thì đã được lưu ý và trên thực tế đã được điều chỉnh kịp thời.

Do đó, khi một tỉnh, thành phố có dịch thì công tác phòng, chống dịch không còn là vấn đề của riêng địa phương đó mà là trách nhiệm chung của cả nước, trong đó trực tiếp là các địa phương có liên quan (như giáp ranh, có những liên hệ gần gũi…). Thực hiện trách nhiệm đó là nhằm hạn chế sự lây lan của dịch ra nhiều nơi khác, đồng thời, tạo điều kiện cho sự phát triển ổn định về mọi mặt và bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Chẳng hạn, tỉnh A đang có dịch thì các tỉnh B, C, D không thể xem là không có ảnh hưởng gì bởi tỉnh B có ranh giới kéo dài với tỉnh A, tỉnh C có đông người lao động đang làm việc tại tỉnh A, tỉnh D đang tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hóa cho cả tỉnh A và tỉnh B, hay nhiều mối liên hệ khác về mặt kinh tế, văn hóa, xã hội… Khi đó, dù công tác chống dịch đang được thực hiện một cách tập trung ở tỉnh A nhưng các địa phương khác cũng phải nỗ lực thực hiện công tác phòng dịch và giúp đỡ, phối hợp với tỉnh A trong công tác phòng và chống dịch. Tương tự, các tỉnh khác cũng không thể đứng ngoài cuộc, bởi không ai chắc rằng dịch sẽ không lan đến tỉnh thành của mình hoặc địa phương mình sẽ không chịu tác động hay ảnh hưởng gì.

Những ý kiến lệch lạc, sai trái, gây chia rẽ trong nhân dân... cần được xử lý nghiêm khắc. Những ý kiến lệch lạc, sai trái, gây chia rẽ trong nhân dân... cần được xử lý nghiêm khắc.

Nói cách khác, sự vào cuộc hay giúp đỡ của một tỉnh thành đối với một tỉnh thành khác thực hiện công tác phòng, chống dịch cũng có nghĩa là đang tự thực hiện công tác đó tại địa phương mình, với ý nghĩa là khi địa phương có dịch kiểm soát được tình hình thì địa phương mình sẽ ít có rủi ro hơn, đồng thời, công tác đó cũng giúp cho địa phương có thêm kinh nghiệm để ứng phó với các tình huống tương tự.

Trong lúc đang tập trung cao độ để phòng, chống dịch Covid-19 thì TPHCM đã nhận được sự giúp đỡ, chia sẻ, đồng hành của Chính phủ, của các bộ ngành Trung ương, của các tỉnh thành bạn. Điều đó có ý nghĩa vô cùng to lớn, mang lại sức mạnh vật chất lẫn tinh thần để nhân dân thành phố vượt qua được khó khăn trước mắt này. Sự giúp đỡ đó đôi khi được nhìn nhận giản đơn ở góc độ “có qua có lại” nhưng thực chất tất cả đều xuất phát tinh thần nhân ái, chia sẻ lẫn nhau của người Việt Nam, đúng tinh thần “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng” như cha ông đã truyền lại.

Bên cạnh đó, cha ông ta cũng đã đúc kết những bài học thực tiễn về sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau một cách thiết thực, có trách nhiệm và hiệu quả, đó là “Máu chảy ruột mềm”, “Môi hở răng lạnh”… Bởi một việc khó khăn hay sự rủi ro của một người chắc chắn có tác động đến nhiều người khác; nhìn rộng ra, với một khu vực, một địa phương cũng có ý nghĩa tương tự.

Cũng tinh thần đó, với nhận thức “giúp bạn là giúp mình”, nước ta cũng nhiều lần giúp các nước khác trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 dưới nhiều hình thức, dù bản thân chúng ta cũng phải đang nỗ lực chống dịch.

Vậy mà mới đây, một tài khoản trên Facebook đã có ý kiến so sánh biện pháp phòng chống dịch giữa Hà Nội và TPHCM, qua đó phê phán TPHCM đã có những định hướng, chỉ đạo không phù hợp dẫn đến gặp nhiều khó khăn, phải “ăn cứu trợ từ cả nước”. Sự so sánh khập khiễng về điều kiện thực tế và mang đậm tính phân biệt địa phương, vùng miền của tài khoản này thực sự đã gây phẫn nộ cho nhiều người, bởi không chỉ xúc phạm đến người dân TPHCM mà còn làm tổn thương đến tình cảm, sự sẻ chia của người dân cả nước.

Thời gian qua, đã có một số ý kiến lệch lạc về sự đoàn kết giữa các vùng miền, các địa phương trong cả nước, vô tình tiếp tay cho âm mưu chia rẽ của các thế lực xấu. Trong lúc cả nước đang nỗ lực phòng chống dịch Covid-19, luôn cần sự chung sức, đồng lòng, tập trung ý chí và tư tưởng để hoạt động này có kết quả như mong muốn. Những ý kiến lạc lõng đó ít nhiều gây ra những cách hiểu và hành động chưa phù hợp, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng chống dịch của cả nước, chứ không riêng gì TPHCM.

Vân Tâm

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo