Thứ Bảy, ngày 14 tháng 12 năm 2024

Nghề làm nhang ở Bình Chánh - Gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống

Nhân công chia nhang thành phẩm thành các bó đều nhau, mỗi bó 1.000 cây

(Thanhuytphcm.vn) - Trên bàn thờ gia tiên của người Việt, nhang (hương) là thứ không thể thiếu trong những dịp lễ, tết, hiếu, hỉ.... Nhang được xem như chiếc cầu nối giữa thế giới thực tại và tâm linh, là “chiếc xe” chuyên chở những lời thỉnh cầu hay ước mong của con người đến với tổ tiên, trời, Phật. Vì thế, những làng nghề làm nhang ở Việt Nam nói chung và làng nghề làm nhang ở xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, TPHCM) nói riêng đã và đang góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống đó.

Công phu làm nên một nén hương trầm…

Được công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2012, làng nghề làm nhang ở xã Lê Minh Xuân trong những ngày giáp Tết càng trở nên rực rỡ, nhộn nhịp bởi sắc màu của nhang và của những chuyến xe đang hối hả đưa hàng đi các tỉnh. Dưới cái nắng trong veo óng ả, cả con đường Mai Bá Hương đượm mùi thơm của nhang, cảm giác như trời đất đang chuyển giao để đón chào một năm mới sắp bắt đầu.

Nhang được sản xuất theo quy trình công nghiệp tại một cơ sở Nhang được sản xuất theo quy trình công nghiệp tại một cơ sở

Những ngày này, không khí làm việc của làng nghề trong những ngày cuối năm thật rộn rã. Đây là giai đoạn cao điểm chuẩn bị nhang cho dịp Tết và rằm tháng Giêng. Vì vậy, nhiều hộ sản xuất phải huy động thêm người thân trong gia đình để làm việc, có hộ ít người, phải thuê mướn nhân công. Tất cả đều làm việc hăng say để giao nhang cho các đại lý thu mua theo đúng hẹn.

Ghé vào cơ sở của bà Trần Thị Tư (60 tuổi), bà cho biết gia đình đã có hơn 25 năm làm nhang, nên hằng năm vào dịp Tết, có nhiều đơn hàng, bà cùng các con phải làm ngày, làm đêm mới kịp. Theo bà Tư, trước đây, người dân làm nhang bằng cách se nhang bằng tay, nên năng suất thấp và nhang làm ra cũng không đều, mỗi ngày chỉ khoảng 8 đến 10 thiên (mỗi thiên 1.000 cây). Nhưng trong mấy năm trở lại đây, khi máy làm nhang ra đời, đã giúp cho công việc của người dân bớt vất vả, cực nhọc, năng suất tăng cao từ 50 đến 60 thiên một ngày, giảm công lao động và cây nhang làm ra cũng rất đều, đẹp.

Tăm nhang được mang đi nhúng màu là công đoạn đầu tiên trong quy trình làm nhang Tăm nhang được mang đi nhúng màu là công đoạn đầu tiên trong quy trình làm nhang

Để làm ra một nén nhang thành phẩm, đó là sự miệt mài, công phu của những người thợ, là sự hòa trộn của nhiều nguyên liệu khác nhau. Ở làng nghề Lê Minh Xuân, bột nhang chủ yếu được làm từ mùn cưa của thân cây bầu dó hoặc cây lồng mức. Khi trộn, người thợ sẽ cho keo vào để kết dính bột nhang, còn mùi hương thì tùy vào mỗi hộ sản xuất hoặc nhu cầu của khách hàng mà nhào trộn cho phù hợp, có hương trầm, hương quế, hương tùng…

Theo những người thợ, trong các công đoạn làm nhang, trộn bột là khó nhất. Bột phải mịn, độ ẩm phải đạt yêu cầu để có thể bám chặt vào thân nhang, nếu pha trộn không đúng cách thì nhang sẽ không thơm, cháy không đều hoặc tắt nửa chừng. Nếu như trước đây, trộn bột phải dùng tay để nhồi, dung chân để dậm thì giờ đây đã có máy nên tiết kiệm được thời gian hơn. Sau khi nguyên liệu đã chuẩn bị xong, bột và tăm nhang sẽ cho vào từng bộ phận của “máy lười” vận hành. Người làm chỉ việc ngồi đợi nhang phóng ra rồi đem đi phơi.

Sau khi tăm nhang được nhúng màu sẽ mang phơi nắng Sau khi tăm nhang được nhúng màu sẽ mang phơi nắng

“Nếu như người thợ trộn bột cần phải có kinh nghiệm, thì người vận hành máy đòi hỏi phải có sự khéo léo. Mặc dù đây là công việc không nặng nhọc, nhưng nó mất khá nhiều thời gian nếu tăm bị nghẽn, lúc đó phải nhanh chóng xử lý để cho máy hoạt động liên tục mới đạt năng suất cao”, một người thợ cho biết.

Giúp xóa đói giảm nghèo

Đến cơ sở của chị Nguyễn Cát Bụi Thúy, đây được xem là nơi sản xuất có quy mô lớn nhất làng nghề với gần 100 nhân công. Chị Thúy cho biết, làm nhang là nghề truyền thống của gia đình. Chị theo làm đến nay đã hơn 20 năm, từ đời mẹ truyền lại. Ngoài việc mướn nhân công, chị còn giao nguyên liệu đến các gia đình làm nhỏ lẻ. “Đối với nhân công, họ làm ăn lương theo sản phẩm, trung bình mỗi người nhận từ 170.000 đồng đến 250.000 đồng/ngày. Còn với những hộ gia đình nhỏ lẻ khó khăn, mình cho họ mua máy trả góp, nhận nguyên liệu về làm. Với nhiều hộ gia đình, đây là công việc chính, nhưng cũng có không ít hộ xem đây là việc làm thêm, tranh thủ lúc nhàn, rỗi. Tuy công việc này thu nhập không cao, nhưng ổn định, lúc nào cũng có hàng để làm”, chị Thúy chia sẻ.

Nhang được xem như chiếc cầu nối giữa thế giới thực tại và thế giới tâm linh. Ảnh chụp tại di tích Hội quán Tuệ Thành, TPHCM Nhang được xem như chiếc cầu nối giữa thế giới thực tại và thế giới tâm linh. Ảnh chụp tại di tích Hội quán Tuệ Thành, TPHCM

Một nhân công khá lớn tuổi tại cơ sở của chị Thúy có thâm niên làm nhang được 3 năm, cho hay, gia đình cô thuộc diện hộ nghèo, nhờ nghề làm nhang tại cơ sở này mỗi tháng thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng nên đủ trang trải cuộc sống. “Trong xưởng này, nhân công như chúng tôi đa số là hộ nghèo nhưng nay cuộc sống ổn định hơn nhờ thu nhập từ công việc làm nhang”, cô nhân công cho hay. Trong hơn 20 năm qua, đã có hàng trăm người đến cơ sở chị Thúy vừa học nghề vừa lao động để có thu nhập ổn định. Một số người thành thạo và có điều kiện thì tách ra làm riêng, mở các cơ sở sản xuất hoặc làm nhỏ tại nhà. Chị Thúy tâm sự: “Cũng mừng khi thấy họ có công ăn việc làm, chứ ở vùng đất vốn khô cằn, lắm phèn này khó mà canh tác, trồng trọt được. Nhưng quan trọng nhất là họ chịu gắn bó với nghề, nhờ đó mà xưởng mới có được lao động duy trì sản xuất, làng nghề mới có thể phát triển được”.

Cẩn thận ngồi tìm để loại bỏ những cây nhang không đạt yêu cầu, chị Thúy thông tin thêm, tăm nhang ở cơ sở chị được nhập từ Hà Nội, sau khi nhuộm đỏ một phần, tăm nhang sẽ đem phơi cho khô, còn bột nhang được đặt mua từ các xưởng gỗ. Do hàng ngày cần phải làm ra một lượng nhang rất lớn, nên ngoài những máy móc như máy phóng tăm, máy se nhang, máy trộn bột, cơ sở của chị còn đầu tư hẳn một dàn máy sấy nhang để dự phòng cho những lúc thời tiết không thuận lợi.

Dẫn chúng tôi ra khu vực sân phơi, chị cho biết, những dàn tre này dùng để phơi nhang sau khi se, còn khoảng sân đằng kia là nơi phơi tăm nhang đã nhúng màu. Phơi nhang nhìn thì dễ nhưng cũng rất vất vả vì phải thường xuyên theo dõi, quan sát. Nếu trời mưa mà không thu kịp, bột nhang sẽ bị rã, mẻ nhang đó coi như bỏ đi. Còn nếu nắng không to, không đủ khô thì màu của nhang cũng sẽ thiếu đi ánh vàng, nhợt nhạt...

Theo bà Phạm Thị Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lê Minh Xuân, làng nghề làm nhanh tại xã hiện đã thành lập được 4 tổ hợp tác se nhang với sự tham gia của 124 hộ. Trong 5 năm qua, Hội Nông dân đã giới thiệu cho người dân vay vốn làm nhang với tổng số tiền gần 3,4 tỉ đồng từ các nguồn vốn hỗ trợ. Nhờ vậy mà hằng năm, lượng nhang sản xuất ở đây khá lớn và được thương lái tin tưởng, thu mua và phân phối đến nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Nhờ có nghề làm nhang, đời sống người dân ở đây cũng dần khá lên, thoát nghèo. Tuy nhiên, tình hình sản xuất nhang trong nước hiện vẫn còn khó khăn ở đầu ra do nhang xuất khẩu không bán được, các hộ chuyển sang sản xuất nhang trong nước nên cạnh tranh giá cả, trong khi đó giá nguyên liệu đầu vào lại cao, đây là thách thức không nhỏ đối với làng nghề nhang, chỉ có những người yêu nghề thì mới bám trụ.

Rời khỏi làng nhang khi trời đã ngã bóng, hai bên đường, những bó tăm nhang nhúng màu xòe ra như những bông hoa rực rỡ khoe sắc. Một mùa nhang mới lại bắt đầu, hi vọng sẽ bội thu để cái Tết của bà con nơi đây luôn ấm no, hạnh phúc.

Tùng Thư - Anh Huy


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo