Thứ Năm, ngày 15 tháng 5 năm 2025

Ngày đầu tiên triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại chương trình.

(Thanhuytphcm.vn) – Ngày 8/3, Bộ Y tế đã triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM. Đến dự có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM là đơn vị đầu tiên ở khu vực phía Nam được ưu tiên tiêm vắc xin AstraZeneca ngừa COVID-19. Trong quá trình triển khai tiêm chủng lần này, ngoài đảm bảo an toàn tiêm chủng, các địa phương phải tuân thủ nghiêm các quy chuẩn kỹ thuật phòng lây nhiễm SARS-COV-2.

Hơn 900 nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM được tiêm vắc xin đợt đầu

Theo Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Bệnh viện có 900 nhân viên y tế của bệnh viện được tiêm vắc xin trong đợt này. Ngày đầu tiên có 100 nhân viên là các bác sĩ, điều dưỡng của các khoa đang trực tiếp chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 dương tính (Khoa Nhiễm D, Khoa Hồi sức cấp cứu người lớn, Khoa Cấp cứu). Sau đó, tùy thuộc vào nguồn cung ứng, Bệnh viện sẽ tiếp tục thực hiện và dự kiến hoàn tất trong tuần sau. 

Bộ Y tế cho biết, cùng với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, sáng 8/3, Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia phối hợp với hệ thống tiêm chủng Công ty Cổ phần Vắc xin Việt Nam (VNVC) bắt đầu thực hiện tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại Hải Dương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương dưới sự giám sát của các đoàn công tác của Bộ Y tế.

Vận chuyển vaccine để bàn giao đến điểm tiêm Vận chuyển vaccine để bàn giao đến điểm tiêm

Đối tượng được ưu tiên trong đợt tiêm đầu tiên này là lực lượng chủ chốt ở tuyến đầu thường xuyên phải tiếp xúc với nguồn bệnh, bao gồm nhân viên y tế đang điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên làm công tác truy vết, xét nghiệm, người làm việc tại khu cách ly, tổ COVID-19 cộng đồng, Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, lực lượng công an, quốc phòng tại các địa phương trên.

Đợt tiêm vắc xin phòng COVID-19 lần này là khởi đầu cho chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với hơn 100 triệu mũi tiêm được thực hiện trên toàn quốc, với nguồn lực đầu tư rất lớn của Chính phủ để phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân trên cả nước.

Khám sàng lọc trước khi tiêm Khám sàng lọc trước khi tiêm

Vắc xin phòng COVID-19 sử dụng trong đợt tiêm đầu tiên này là vắc xin của AstraZeneca, một trong ba vắc xin đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp và được sử dụng tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số lượng 117.600 liều vắc xin COVID-19 của AstraZeneca được Bộ Y tế phối hợp với VNVC (đơn vị cung ứng, tiếp nhận lô vắc xin này) khẩn trương vận chuyển từ đơn vị cung ứng đến các địa phương ngay sau khi vắc xin được rà soát hồ sơ và kiểm định tính an toàn. Vắc xin được bảo quản trong dây chuyền lạnh từ 2-8 độ C và được giám sát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng tốt nhất từ khâu tiếp nhận, vận chuyển cho đến tận bàn tiêm, sẵn sàng đưa vào sử dụng.

Đảm bảo an toàn tiêm chủng

Với vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca sử dụng lần này, mỗi người trên 18 tuổi sẽ được tiêm 2 mũi vắc xin, mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 12 tuần với liều lượng 0,5ml, tiêm bắp.

Theo Bộ Y tế, vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca sử dụng lần này là vắc xin mới, vì vậy ngành y tế các cấp cũng đã chuẩn bị tốt nhất cho tình huống có thể xảy ra. Tại tất cả các điểm tiêm, công tác chuẩn bị đã được thực hiện chu đáo, hộp chống sốc được trang bị đầy đủ để xử trí tại chỗ kịp thời. Các bệnh viện cũng đã sẵn sàng tổ chức các đội cấp cứu lưu động hỗ trợ các điểm tiêm. Do yêu cầu của công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong quá trình triển khai tiêm chủng lần này, ngoài đảm bảo an toàn tiêm chủng, các địa phương phải tuân thủ nghiêm các quy chuẩn kỹ thuật phòng lây nhiễm SARS-COV-2.

Tiêm vaccine AstraZeneca ngừa COVID-19 cho nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM Tiêm vaccine AstraZeneca ngừa COVID-19 cho nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM

Cũng như bất kỳ một loại thuốc hay vắc xin nào khác, vắc xin COVID-19 có thể gây nên một số phản ứng không mong muốn sau khi tiêm, từ mức độ nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi, bồn chồn đến nghiêm trọng như sốc phản vệ. Sau khi tiêm vắc xin, người được tiêm chủng cần ở lại cơ sở y tế 30 phút để được nhân viên y tế theo dõi tình trạng sức khỏe; và tiếp tục tự theo dõi sức khỏe bản thân trong vòng 1-2 ngày tiếp theo. Khi gặp các dấu hiệu bất thường, hãy đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Bộ Y tế cho biết, vắc xin là biện pháp phòng dịch thiết yếu, chủ động, hiệu quả, song không có vắc xin nào đạt hiệu quả phòng bệnh 100%, nhưng chắc chắn 100% người được tiêm vắc xin sẽ giảm nhẹ tình trạng bệnh nếu mắc phải. Theo các dữ liệu đến tháng 2/2021, vắc xin của AstraZeneca có hiệu quả phòng lây nhiễm SARS-COV-2 là 76% sau mũi tiêm thứ nhất và 81% sau mũi tiêm thứ hai, chưa ghi nhận trường hợp mắc phải nhập viện do COVID-19 trong nhóm những người đã tiêm chủng. Khi đến lượt mình, hãy đi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 để bảo vệ cho cá nhân, người thân và vì một cộng đồng khỏe mạnh. 

Phát biểu trong chương trình triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID – 19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, những liều vắc xin đầu tiên được tiêm cho người dân Việt Nam theo đúng tinh thần Nghị quyết 21 của Chính phủ. Trong đó, phạm vi triển khai sẽ tiêm trước cho các nhóm đối tượng ưu tiên tại 13 tỉnh, TP đang có dịch; một trong những nhóm đối tượng ưu tiên là người đang trực tiếp tham gia quá trình điều trị bệnh nhân tại các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19. Để tiếp tục duy trì, đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch trong đó tiêm vắc xin phòng COVID-19 là vô cùng cần thiết, là một trong những ưu tiên hàng đầu. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế từ rất sớm đã chủ động, tích cực đàm phán, làm việc với các đối tác quốc tế để được cung cấp vắc xin COVID-19 và trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á nhận được vắc xin này. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trong nước đẩy nhanh việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin COVID-19 để sớm tự chủ về nguồn vắc xin COVID-19 đồng thời tích cực đàm phán, làm việc với các đối tác quốc tế để tiếp tục có vắc xin về Việt Nam dồi dào hơn để người dân sớm được tiếp cận với vắc xin COVID-19. Thời gian qua, Bộ Y tế đã tích cực chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tổ chức điểm tiêm chủng, buổi tiêm và chiến dịch tiêm chủng bảo đảm an toàn cao nhất.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, bên cạnh việc tiêm vắc xin phòng COVID-19, Bộ Y tế đề nghị người dân tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, trong đó thực hiện tốt hướng dẫn "5K" của Bộ Y tế, đặc biệt là đeo khẩu trang, không tụ tập đông người và thực hiện nghiêm các hướng dẫn phòng, chống dịch tại công sở, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, trường học… bảo đảm an toàn khi làm việc.

Nguyễn Nam


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo