Thứ Năm, ngày 12 tháng 12 năm 2024

Nâng cao khả năng chống chịu, tăng tính tự cường của nền kinh tế Việt Nam

Phiên toàn thể với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 18/9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 đã diễn ra phiên toàn thể (tọa đàm cấp cao) với chủ đề “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”.

Chủ trì phiên toàn thể gồm các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Cùng tham gia chủ trì còn có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải. Tham gia trao đổi, thảo luận bàn tròn, tọa đàm cấp cao có đại diện các bộ ngành, các tổ chức quốc tế, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, các doanh nghiệp…

Tại diễn đàn, các diễn giả trình bày các nội dung về bối cảnh, thực trạng và triển vọng phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Nhiều gợi ý quan trọng đã được đưa ra không chỉ trong ngắn hạn mà còn vì mục tiêu phát triển bền vững. Các đại biểu cũng góp ý những giải pháp thiết thực trong thời gian tới, giúp cho Việt Nam vượt qua thách thức, nhanh chóng phục hồi nền kinh tế, đạt được các mục tiêu mà Đảng và Quốc hội đã đề ra trong cả giai đoạn.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi

Qua các đánh giá về từng cấu phần và nhóm chỉ số tổng thể đưa ra, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, năng lực chống chịu và tính tự cường của nền kinh tế Việt Nam ở mức trung bình khá trong đó các chỉ tiêu thể chế và quản trị vĩ mô; chỉ tiêu kinh tế - tài chính đạt điểm số ở mức khá và khá cao, song các chỉ tiêu về môi trường - xã hội hầu hết ở mức thấp và trung bình thấp. Ông cho rằng, mức độ ảnh hưởng của các cú sốc đến nền kinh tế Việt Nam không quá lớn và Việt Nam có nhiều lợi thế để tăng trưởng, phát triển bền vững. Tuy nhiên, với những diễn biến phức tạp của bối cảnh hiện nay và sắp tới, cần lưu ý là, rủi ro luôn đan xen; các chỉ tiêu kinh tế - tài chính có sức chịu đựng trung bình luôn tiềm ẩn nguy cơ chuyển sang trạng thái rủi ro cao hơn (khả năng chống chịu giảm xuống) nếu thiếu các biện pháp kịp thời, hiệu quả.

Để nâng cao khả năng chống chịu, tăng tính tự cường của nền kinh tế Việt Nam, phát huy thuận lợi, cơ hội và hạn chế tối đa rủi ro, thách thức trong quá trình phục hồi, phát triển bền vững, TS Cấn Văn Lực khuyến nghị cần tăng cường phối hợp chính sách nhằm ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi và phát triển bền vững. Đồng thời hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.

Đưa ra khuyến nghị, PGS.TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) cho rằng, trong bối cảnh 2022, Việt Nam có một loạt chính sách tài khóa được thực hiện chưa có tiền lệ, trong đó việc hỗ trợ giảm thuế và hỗ trợ tài khóa đã giúp tình hình vĩ mô ổn định; một số gói hỗ trợ liên quan tới việc hỗ trợ doanh nghiệp cũng như hỗ trợ người lao động góp phần cho việc ổn định về kinh tế, xã hội, giải quyết việc làm. Nhưng từ nay đến 2025 sẽ có một loạt các vấn đề cần điều chỉnh. Theo đó, ngoài chính sách hỗ trợ giảm thuế thì các chính sách khác chưa thực sự hiệu quả; việc triển khai gói hỗ trợ về nhà ở còn hạn chế; chương trình đầu tư công còn rất chậm sẽ đặt ra thách thức nhất định trong năm tài khóa từ 2023 – 2025. Từ những phân tích trên, PGS.TS Vũ Sỹ Cường cho rằng, cần tiếp tục xem xét các chính sách đã thiết kế để điều chỉnh khi cần; đẩy mạnh đầu tư công. “Chính sách nào đơn giản, dễ thực hiện và trực tiếp thì hiệu quả rất cao. Một trong những chính sách đã trì hoãn để chia sẻ cùng người dân là việc hoãn tăng lương thì 2023-2024 cần xem xét tăng lương cho cán bộ, viên chức để tạo ra sự kích thích mới”, PGS.TS Vũ Sỹ Cường nêu.

TS Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Việt Nam TS Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Việt Nam

Trong khi đó, GS Andreas Hauskrecht đến từ Đại học Indiana đưa ra cảnh báo, suy thoái kinh tế của Hoa Kỳ diễn ra trong bối cảnh lạm phát còn cao nên có thể áp lực lên đồng tiền Việt Nam. Do đó, chính sách tiền tệ của Việt Nam phải rất thận trọng, chính sách tài khóa phải có sự đồng bộ. TS Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Việt Nam khuyến nghị, trong bối cảnh hiện nay, việc sử dụng lãi suất là điều quan trọng, Việt Nam cố gắng ổn định lãi suất là tốt nhất. Cùng với đó, Việt Nam phải giữ cho bằng được ổn định tỷ giá để kiềm chế lạm phát.

Các ý kiến cũng cho rằng, cần chú ý khía cạnh về tính chu kỳ của nền kinh tế nước ta. Cần phân tích kỹ chu kỳ phát triển, qua đó tận dụng các điều kiện thuận lợi, chọn đúng thời điểm để bứt tốc, bắt nhịp tăng trưởng, tránh mất đà tăng trưởng. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đánh giá nền kinh tế Việt Nam có tiềm năng lớn nhưng còn lãng phí, nhất là lãng phí về thời gian giải phóng mặt bằng trong các dự án xây dựng, nếu xử lý được vấn đề này thì sẽ tận dụng được nhiều nguồn lực, có cơ hội lớn để phát triển. Lãng phí về vật chất, hiệu quả sử dụng vốn cũng cần được sớm khắc phục.

Toàn cảnh diễn đàn chiều 18/9 Toàn cảnh diễn đàn chiều 18/9

Phản hồi về nhiều ý kiến quan ngại trước những áp lực lạm phát gia tăng từ đầu năm 2022 đến nay, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết, năm nay, Ngân hàng nhà nước đã tính toán mức tăng trưởng tín dụng hỗ trợ cho phát triển kinh tế khoảng 14%, là mức cao hơn hai năm trước. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, về điều hành chính sách tiền tệ nói chung, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải giải bài toán với nhiều yếu tố khác nhau, mục tiêu đặt ra là kiểm soát lạm phát, đồng thời đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, đảm bảo thanh khoản cho các thị trường tiền tệ, ngoại hối. Các biến số như lãi suất, tỷ giá đều được đưa vào bài toán tổng thể này. 

Về định hướng chính sách tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, hiện các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong ổn định sản xuất kinh doanh. Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu các chính sách thuế: thuế bảo vệ môi trường, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt để trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới để có công cụ linh hoạt ứng phó với các tình huống giá năng lượng, xăng dầu biến động mạnh mẽ, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Bộ Tài chính đã sẵn sàng nghiên cứu kỹ lưỡng, chủ động trong các giải pháp tài khóa, để có các phương án, kịch bản đa dạng ứng phó với tất cả các tình huống, đúng như phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo