Chủ Nhật, ngày 6 tháng 10 năm 2024

Một số điểm mới của quy định về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ

Cán bộ sẽ bị xem xét miễn nhiệm nếu thuộc một trong 6 trường hợp được quy định tại Quy định 41-QĐ/TW do Bộ Chính trị ban hành ngày 3/11/2021. (Ảnh minh họa: Luật nhân dân)

(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Ngày 3/11, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 41-QĐ/TW “về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ”. Quy định này thay thế Quy định số 260-QĐ/TW ngày 2/10/2009 của Bộ Chính trị khóa X “về việc thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ”. Quy định 41 có 4 chương, 12 điều, giảm đáng kể so với Quy định 260 (5 chương và 21 điều), tập trung vào những nội dung ít nhiều mang tính “xử lý” đối với cán bộ chưa hoàn thành nhiệm vụ và việc cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm.

Xét tổng thể, Quy định 41 quan tâm đến các yếu tố “chủ quan” của cán bộ, như năng lực, phẩm chất, mức độ hoàn thành nhiệm vụ, nguyện vọng cá nhân, chứ không bao gồm cả nội dung “khách quan” của cán bộ. Bởi Quy định 260 còn nêu thêm nội dung ''thôi giữ chức vụ'', chỉ việc cấp có thẩm quyền quyết định cho cán bộ chấm dứt chức vụ để nhận nhiệm vụ khác hoặc nghỉ để chữa bệnh; việc thôi giữ chức vụ gắn với yếu tố “khách quan” (như sức khỏe, hoàn cảnh gia đình…).

Ở phần giải thích về “miễn nhiệm”, giữa 2 quy định có sự khác biệt. Quy định 41 nêu: “Miễn nhiệm là việc cấp có thẩm quyền quyết định cho cán bộ thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm do không đáp ứng được yêu cầu công việc, uy tín giảm sút, có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức”. Quy định 260 thì nêu: “Miễn nhiệm là việc cấp có thẩm quyền quyết định chấm dứt chức vụ đối với cán bộ do vi phạm kỷ luật, vi phạm đạo đức, năng lực yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ, mất uy tín nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức hoặc bãi nhiệm. Miễn nhiệm gắn với yếu tố chủ quan do cán bộ gây nên”. Theo đó, Quy định 41 nêu khái quát hơn nhưng mức độ thì “nặng” hơn; đồng thời, không đặt ra vấn đề “gắn với yếu tố chủ quan do cán bộ gây ra”, bởi trên thực tế có những trường hợp không hẳn do cán bộ gây ra mà do trách nhiệm liên đới (nhất là trách nhiệm người đứng đầu) thì cũng có thể áp dụng hình thức miễn nhiệm.

Mức độ “nặng hơn” và tinh thần kiên quyết xử lý của Đảng cũng được thể hiện rõ ở các quan điểm được nêu trong Quy định 41. Khoản 2 Điều 3 nêu: “Cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu, nêu cao trách nhiệm trong việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ”. Tức là, cần thiết phải mạnh dạn hơn trong việc thực hiện miễn nhiệm và cho từ chức đối với cán bộ khi rơi vào các trường hợp theo quy định. Phần nguyên tắc ở Quy định 260 nêu khá cụ thể nhưng chưa thể hiện rõ quan điểm này. Đặc biệt, khoản 3 Điều 3 của Quy định 41 còn quyết liệt hơn: “Kiên quyết, kịp thời xem xét cho miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ khi có đủ căn cứ. Không thực hiện việc cho từ chức đối với cán bộ thuộc trường hợp phải miễn nhiệm”. Điều này có nghĩa là, khi có đủ căn cứ thì cấp có thẩm quyền cần thực hiện ngay việc miễn nhiệm cán bộ hoặc cho từ chức, đồng thời không chấp nhận việc lấy từ chức để thay thế cho hình thức miễn nhiệm, bởi miễn nhiệm có thể xem là một hình thức xử lý, khi đã có căn cứ để xử lý thì phải kiên quyết thực hiện để thể hiện tính nghiêm minh của kỷ luật đảng.

Quy định 41 tách riêng phần thẩm quyền (Điều 4) ra khỏi quan điểm như Quy định 260 và đề cao tính chủ động của các cấp. Đối với cán bộ thuộc thẩm quyền quyết định của cấp trên thì cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo báo cáo cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ đề xuất việc cho miễn nhiệm, từ chức. Tức là, dù cán bộ thuộc quyền quản lý của cấp trên nhưng bản thân cơ quan, đơn vị phải chủ động đề xuất việc cho miễn nhiệm, từ chức. Trong những trường hợp cần thiết, cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, cơ quan, đơn vị cấp trên có quyền yêu cầu cấp dưới xem xét, thực hiện việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ khi có đủ căn cứ. Như vậy, cơ quan, đơn vị phải tự rà soát, đối chiếu quy định, còn cấp trên thì phải kiểm tra, giám sát, nắm bắt để thực hiện việc miễn nhiệm, cho từ chức nhằm đáp ứng quan điểm “kiên quyết, kịp thời” đã nêu ở trên.

Về căn cứ để xét miễn nhiệm, Quy định 41 nêu lên 6 trường hợp và không chia thành các nhóm trường hợp (so với 8 trường hợp của Quy định 260, với 3 nhóm “Cán bộ bị kỷ luật, cán bộ vi phạm pháp luật”, “Cán bộ không đủ năng lực, uy tín để làm việc”, “Cán bộ bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm quy định của Bộ Chính trị về bảo vệ chính trị nội bộ”). Trong 6 trường hợp này, có nhiều điểm mới so với quy định trước đây, như “bị kỷ luật khiển trách hai lần trở lên trong cùng một nhiệm kỳ hoặc trong thời hạn bổ nhiệm” (Quy định 260 nêu: “Trong một nhiệm kỳ hoặc hai nhiệm kỳ giữ chức vụ liên tiếp, bị hai lần xử lý kỷ luật liên quan đến chức trách được giao”); điều này thể hiện rõ yêu cầu nghiêm hơn trong việc xử lý, dù vi phạm nhẹ hơn, trong thời gian ngắn hơn thì đã phải cho miễn nhiệm rồi.

Hay các quy định “có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định”, “bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và cơ quan, đơn vị nơi đang công tác” cũng là những điểm mới và tương thích với các quy định khác của Đảng, của Nhà nước về các vấn đề có liên quan, nhất là gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng.

Tóm tắt nội dung Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, do TTXVN thực hiện. Tóm tắt nội dung Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, do TTXVN thực hiện.

Còn quy định “bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị theo quy định về bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng đến mức phải miễn nhiệm” thì thể hiện rõ hơn tính chất, mức độ phải xử lý, tức là đến một mức độ nhất định mới cho miễn nhiệm chứ không phải bất kỳ trường hợp vi phạm nào, vốn không được nêu trong Quy định 260.

Về căn cứ xem xét từ chức, Quy định 41 nêu 4 trường hợp, trong đó có 3 trường hợp liên quan đến trách nhiệm cá nhân; còn Quy định 260 cũng nêu 4 trường hợp nhưng chỉ có 2 trường hợp liên quan đến trách nhiệm cá nhân, còn 2 trường hợp liên quan đến yếu tố thay đổi vị trí công tác và nguyện vọng cá nhân. Như vậy, theo Quy định 41, trừ trường hợp “vì lý do chính đáng khác của cá nhân”, các trường hợp còn lại đều liên quan đến những hạn chế, khuyết điểm, trách nhiệm cá nhân trong công tác.

Quy định 41 có riêng một mục (Điều 7) về vấn đề “xem xét việc miễn nhiệm, từ chức liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu” mà Quy định 260 không nêu. Điều này cho thấy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu được đề cao, trong đó phải liên đới chịu trách nhiệm, hậu quả về những vi phạm, hạn chế, khuyết điểm của tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi mình quản lý. Quy định này cũng hoàn toàn tương thích với các quy định khác của Đảng về vấn đề nêu gương và trách nhiệm của người đứng đầu.

Nội dung về các trường hợp không được từ chức của Quy định 260 (Điều 7) đã được tích hợp trong phần quan điểm, hàm ý, khi cán bộ thuộc “diện phải từ chức” theo quy định thì đương nhiên phải thực hiện, trên tinh thần kiên quyết, kịp thời và không cần xem xét cụ thể từng trường hợp thế nào.

Về quy trình xem xét miễn nhiệm, từ chức, Điều 8 Quy định 41 tiếp tục thể hiện rõ quan điểm kiên quyết, kịp thời với những mốc thời gian cụ thể và khẳng định tính quyết liệt, nhanh chóng: “Khi có đủ căn cứ miễn nhiệm, từ chức, chậm nhất trong thời gian 10 ngày làm việc thì cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ hoặc cơ quan tham mưu về công tác cán bộ có trách nhiệm trao đổi với cán bộ và đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”. Đồng thời, “cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, cho từ chức trong thời gian 10 ngày làm việc; trường hợp cần thiết vì lý do khách quan thì có thể kéo dài không quá 15 ngày làm việc”. Quy định 260 nêu mốc thời gian 30 ngày cùng quy trình giải quyết khiếu nại, nên ít nhiều không thể hiện được tính kịp thời. Tương tự vậy, hồ sơ và quy trình xử lý theo Quy định 41 cũng gọn hơn nhiều so với Quy định 260.

Điều 10 Quy định 41 nêu khái quát về việc bố trí công tác đối với cán bộ sau khi từ chức, trong đó thể hiện nội dung “bố trí công tác phù hợp” theo điều kiện cụ thể, đồng thời “xem xét để quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử” nếu thể hiện sự tiến bộ. Điều này đáp ứng nhu cầu của cơ quan, đơn vị và nguyện vọng của cá nhân và phản ánh quan điểm phát triển trong công tác đánh giá cán bộ, bởi đã “mở” ra cơ hội cho cán bộ đã bị miễn nhiệm hoặc phải từ chức tiếp tục phấn đấu.

Quy định 41 có dung lượng ít hơn hẳn so với Quy định 260 (chiếm chưa đến 60% số chữ) nhưng đã thể hiện nội dung điều chỉnh rộng hơn, khái quát hơn, có độ “mở” nhiều hơn cho các cơ quan trực thuộc Trung ương trong thực hiện và chỉ đạo cụ thể hóa phù hợp mà không trái với Quy định này. Trên hết, Quy định 41 đã đặt ra yêu cầu cao hơn đối với cán bộ và siết chặt quản lý để thay thế những cán bộ hạn chế năng lực, có vi phạm, không đủ uy tín hoặc liên đới trách nhiệm…

Vân Tâm


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo