Thứ Tư, ngày 25 tháng 12 năm 2024

 

Kỷ niệm 145 năm ngày sinh của quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng (1/10/1876 – 1/10/2021): Một gương dũng cảm, một chí quật cường

Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Huỳnh Thúc Kháng (1876 - 1947). (Ảnh tư liệu)

(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Nhân cách cao đẹp, cùng tài năng, đức độ, ý chí quật cường của cụ Huỳnh Thúc Kháng, quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mãi mãi là tấm gương sáng để các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau học tập, noi theo.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng sinh ngày 1/10/1876, người làng Thạnh Bình, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Cụ đỗ tiến sĩ năm Giáp Thìn (1904). Là người cùng các cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp lãnh đạo của phong trào Duy Tân, năm 1908, cụ Huỳnh Thúc Kháng bị thực dân Pháp bắt và đày đi Côn Đảo suốt 13 năm mới được trả tự do.

Những năm 1926 - 1928, cụ làm Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ. Khi thấy Viện này không thực sự đại diện cho tiếng nói và nguyện vọng của nhân dân, cụ đã từ chức và sáng lập báo Tiếng Dân, làm chủ nhiệm, kiêm chủ bút báo này tại Huế từ năm 1927 đến 1943. Qua báo Tiếng Dân, cụ đã công bố nhiều nguồn tư liệu quý về lịch sử nước nhà, trong đó có những chứng cứ về chủ quyền lãnh thổ đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, trân trọng tài năng, đức độ của cụ Huỳnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh điện cho Ủy ban nhân dân lâm thời Trung bộ mời cụ ra Hà Nội, tham gia Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Dù tuổi cao, nhưng với lòng yêu nước nhiệt thành, cụ đã nhận lời gánh vác việc nước, sát cánh cùng các chiến sĩ cộng sản và đồng bào cả nước vượt qua khó khăn, giữ vững nền dân chủ cộng hòa non trẻ.

Bắt đầu làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cụ Huỳnh Thúc Kháng dự phiên họp đầu tiên của Chính phủ vào ngày 4/3/1946 và sau đó đảm nhiệm vị trí quyền Chủ tịch Chính phủ, theo Sắc lệnh số 82 ngày 29/5/1946, do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, khi Người đi thăm Pháp, cho đến ngày 21/10/1946, khi Hồ Chí Minh về nước. Sau đó, cụ lại tiếp tục được tái nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ mới thành lập vào tháng 11/1946. Điều đó thể hiện sự tin tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng trong lúc cuộc kháng chiến hết sức cam go.

Tượng bán thân chí sĩ - nhà báo Huỳnh Thúc Kháng đặt tại Trung tâm Báo chí tỉnh Quảng Nam, số 11 Hùng Vương, TP. Tam Kỳ. (Ảnh: thanhnien.vn) Tượng bán thân chí sĩ - nhà báo Huỳnh Thúc Kháng đặt tại Trung tâm Báo chí tỉnh Quảng Nam, số 11 Hùng Vương, TP. Tam Kỳ. (Ảnh: thanhnien.vn)

Ngay sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, cách mạng Việt Nam đứng trước hoàn cảnh hết sức khó khăn, phức tạp. Trong bối cảnh ấy, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã tham gia điều hành các công việc của Chính phủ, lãnh đạo và tổ chức thành công việc ổn định tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, tiến hành đấu tranh với quân đội Trung Hoa Dân quốc (quân Tưởng) và đối phó với hành động bạo lực lấn lướt của thực dân Pháp khi chúng thay thế quân Tưởng ở Bắc vĩ tuyến 16.

Dù ở cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, hay quyền Chủ tịch nước, cụ Huỳnh đã làm hết sức mình phụng sự cho đất nước. Đặc biệt trong thời gian giữ chức vụ quyền Chủ tịch nước, cụ đã ký 160 sắc lệnh (từ Sắc lệnh số 92 đến 251) và quyết định nhiều vấn đề quan trọng khi chủ trì các phiên họp của Hội đồng Chính phủ và đã thể hiện rất thành công trong thực hiện phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn trong việc đối phó với kẻ thù và chuẩn bị lâu dài mọi mặt cho cuộc kháng chiến sắp tới chống lại thực dân Pháp.  

Những đóng góp của cụ Huỳnh Thúc Kháng trong công cuộc điều hành đất nước, phối hợp chặt chẽ với những người cộng sản và tất cả các lực lượng yêu nước trong Chính phủ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao. Trong Lời tuyên bố với quốc dân sau khi đi Pháp về, ngày 23/10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chia sẻ niềm tin tưởng và cảm ơn tới cụ Huỳnh Thúc Kháng: “Trong lúc tôi đi vắng, nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của cụ Huỳnh quyền Chủ tịch, sự săn sóc giúp đỡ của Quốc hội, sự ra sức gánh vác của Chính phủ, sự đồng tâm hợp lực của quốc dân, mà giải quyết được nhiều việc khó khăn, công việc kiến thiết cũng tiến bộ” .

Cụ mất ngày 21/4/1947, hưởng thọ 71 tuổi. Thương tiếc người đã hiến trọn đời mình cho dân tộc độc lập, tự do và hạnh phúc của đồng bào, trong thư gửi toàn thể quốc dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Cụ Huỳnh là người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước mà trước đây cụ bị bọn thực dân làm tội đày ra Côn Đảo mười mấy năm trường gian nan cực khổ. Nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của cụ Huỳnh chẳng những không sờn lại thêm cương quyết. Cụ Huỳnh là người giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”.

Kỷ niệm 145 năm ngày sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng, chúng ta nhớ đến tấm gương sáng của một chí sĩ cách mạng, cả cuộc đời không màng danh vị, không vì giàu sang, luôn phấn đấu, hy sinh cho hạnh phúc của nhân dân và sự phát triển của đất nước. Noi gương cụ, thế hệ cán bộ và nhân dân Việt Nam hôm nay nguyện phấn đấu không mệt mỏi cho một đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, phát triển dựa trên ý chí tự chủ, tự cường, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Nguyễn Văn Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo