Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức phát biểu tại hội nghị (Thanhuytphcm.vn) - Ngày 15/11, tại TPHCM, Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT-DL) đã tổ chức hội nghị - tập huấn ngành Di sản văn hóa năm 2022 và Hội thảo khoa học “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội”.
Tham dự có Thứ trưởng Bộ VHTT-DL Hoàng Đạo Cương - Phó Chủ tịch Ủy ban UNESCO Việt Nam; Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, cùng lãnh đạo các Sở VHTT-DL, Sở VHTT, Sở VHTTTT-DL 63 tỉnh, TP; giám đốc các bảo tàng, trung tâm quản lý di tích, khu di sản thế giới trong cả nước…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị - hội thảo - tập huấn, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh: “Chúng ta nên nhận thức rằng Bảo tồn di sản văn hóa không chỉ là một lĩnh vực và một nghiệp vụ văn hóa. Sự khác biệt với các lĩnh vực hoạt động văn hóa khác là ở chỗ: nó được đặt hoàn toàn trên nền tảng khoa học, cấu thành bởi các bộ môn như lịch sử, khảo cổ học, nhân học, luật học, kiến trúc và mỹ thuật, kỹ thuật chế tác và kỹ thuật xây cất, các bộ môn kỹ thuật và công nghệ khác. Do vậy, làm công tác bảo tồn di sản không thể không đòi hỏi kiến thức đa ngành và liên ngành”.
Theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, trong công tác bảo đảm tồn tại lâu dài và tránh biến đổi của di tích, chúng ta nên tuân thủ phương châm ưu tiên số một là chăm sóc và bảo vệ thường xuyên, ưu tiên thứ hai là tu sửa nhỏ và kịp thời; ưu tiên thứ ba là chấp nhận tu sửa lớn theo khoa học trước sự cám dỗ khôi phục về dạng “hoành tráng hơn”.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh rằng cần nhận thức cho đúng việc tôn tạo di tích. Những ưu tiên trong tôn tạo phải là những giải pháp nhằm cải thiện tình trạng kỹ thuật và môi trường cho di tích tồn tại lâu dài, ở chừng mực thích hợp và hợp lý, tạo những điều kiện thuận lợi cho tiếp cận và thưởng ngoạn di tích.
Theo Cục Di sản văn hóa, hiện nay, cả nước có hơn 4 vạn di tích và gần 7 vạn di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, trong đó có: 29 di sản được UNESCO ghi danh; 123 di tích quốc gia đặc biệt, 3.601 di tích quốc gia, 11.043 di tích cấp tỉnh, 443 di sản văn hóa phi vật thể được ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việt Nam có 238 hiện vật, nhóm hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia. Toàn quốc có 194 bảo tàng gồm 128 bảo tàng công lập và 66 bảo tàng ngoài công lập, lưu giữ và trưng bày gần 4 triệu tài liệu hiện vật. Việc UNESCO ghi danh di sản thế giới cả ở lĩnh vực di sản văn hóa vật thể và phi vật thể thường đi liền với tỷ lệ tăng nhanh về số lượng khách du lịch, vừa giải quyết công ăn, việc làm, nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư địa phương tại nơi có di sản.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho rằng, đây là Hội nghị quan trọng tập huấn chính sách của nhà nước đối với việc bảo vệ và phát huy các giá trị di tích, danh lam thắng cảnh; đồng thời, để lắng nghe ý kiến các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học về những giải pháp để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Toàn cảnh hội nghị - hội thảo - tập huấn tại TPHCM Theo đồng chí Dương Anh Đức, TPHCM có 185 di tích, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 58 di tích quốc gia, 125 di tích cấp thành phố; có 2 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, 3 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thành phố cũng là vùng đất giàu văn hóa lịch sử với các di tích có giá trị mang tính quốc gia và thế giới được các nhà khoa học công bố như di tích khảo cổ quốc gia Giồng Cá Vồ, huyện Cần Giờ, di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Dinh Độc Lập là điểm du lịch thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, và đặc biệt là di tích quốc gia đặc biệt Địa đạo Củ Chi, TPHCM đang trình Bộ VHTT-DL xin ý kiến thẩm định của Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia về việc đưa di tích Địa đạo Củ Chi vào danh mục di sản thế giới.
Trước thực trạng công tác di sản TP đang có những thuận lợi và khó khăn, Giám đốc Sở VHTT TPHCM Trần Thế Thuận kiến nghị, đề xuất với Bộ VHTT-DL ủng hộ cho phép TPHCM thành lập Quỹ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tại TPHCM để huy động nguồn lực xã hội trong công tác tu bổ di tích. Sở cũng kiến nghị Bộ ủng hộ chủ trương của TPHCM về việc thành lập Bảo tàng TPHCM tại Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc ở TP Thủ Đức, để xây dựng công trình đáp ứng quy mô trưng bày lịch sử hình thành và phát triển của một đô thị đặc biệt đồng thời là nơi tổ chức các sự kiện chính trị lớn của Thành phố và cả nước. Bên cạnh đó, Sở VHTT kiến nghị Bộ VHTT-DL xem xét bổ sung quy định chế độ hỗ trợ cho các Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú và điều chỉnh mức quy định hỗ trợ đối với các nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Chương trình hội nghị - hội thảo - tập huấn sẽ diễn ra trong ba ngày, từ ngày 15-17/11/2022, bao gồm các phiên trao đổi, thảo luận chung; hội thảo theo từng lĩnh vực (di sản văn hóa phi vật thể, di tích, lĩnh vực bảo tàng và di sản tư liệu). Các đại biểu cũng sẽ đi thực tế, trao đổi, thảo luận tại Di tích Dinh Độc lập và Địa đạo Củ Chi, đây cũng là hai di tích quốc gia đặc biệt của TP.