Thứ Năm, ngày 12 tháng 9 năm 2024

Kiến nghị cho phép TPHCM và cả vùng Đông Nam bộ là nơi thí điểm các cơ chế mới, đột phá, vượt trội

Đồng chí Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi làm việc

(Thanhuytphcm.vn) - “Trung ương cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho các địa phương, đặc biệt là trong việc phối hợp giữa Trung ương và TPHCM để giải quyết nhanh chóng và hiệu quả các vụ việc… ” - Đó là nội dung đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM đề xuất tại buổi làm việc giữa Đại tướng Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Thành ủy TPHCM vào chiều 17/8.

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, tăng trưởng kinh tế của TPHCM đã giảm dần trong những năm qua do các động lực tăng trưởng đang có vấn đề và cần phải có những cơ chế, giải pháp đột phá để thúc đẩy tăng trưởng. Theo đồng chí Phan Văn Mãi, hệ thống hạ tầng đồng bộ  cả TP và kết nối vùng chưa được đầu tư đúng mức trong thời gian vừa qua và đang trở thành điểm nghẽn rất lớn cho sự phát triển của TP. Bên cạnh đó, thể chế để phát triển đối với TPHCM rất nhiều cản trở; nhiều vụ việc kéo dài chưa được giải quyết…

Để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng đề ra trong năm 2024 và cả nhiệm kỳ này, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM đã tập trung nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng, trong đó UBND TPHCM đã ban hành Chỉ thị số 12 về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp tăng trưởng kinh tế TPHCM đến năm 2025.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, những điểm nghẽn để phát triển TP đó là hệ thống hạ tầng TPHCM và kết nối với các vùng lân cận chưa được đầu tư đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của TP và khu vực Đông Nam bộ. TPHCM là đô thị đặc biệt nhưng vẫn gặp nhiều vướng mắc trong việc khai thác tiềm năng và lợi thế, dẫn đến việc không khơi dậy được sự năng động và sáng tạo cần thiết.

Đồng chí Phan Văn Mãi cho rằng những điểm nghẽn này nếu được tháo gỡ trong nhiệm kỳ này thì nhiệm kỳ tới, TPHCM sẽ có cơ sở để lấy lại đà tăng trưởng 2 con số; tiếp tục giữ vị trí đầu tàu kinh tế, là cực tăng trưởng của cả nước.

Cũng tại buổi làm việc, đồng chí Phan Văn Mãi kiến nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho phép TPHCM được rà soát, đề xuất các cấp có thẩm quyền những vấn đề tồn đọng để giải quyết những vấn đề TP kiến nghị. Cụ thể, một số vấn đề tồn đọng như ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, các vụ việc liên quan vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng cổ phần thương mại Sài Gòn (SCB), dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng... Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, những vấn đề tồn đọng này nếu được tháo gỡ sẽ giải phóng nguồn lực rất lớn cho sự phát triển của TPHCM.

Quang cảnh buổi làm việc. Quang cảnh buổi làm việc.

Về kết cấu hạ tầng, TPHCM kiến nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư và xây dựng kết cấu hạ tầng cấp quốc gia và cấp vùng trên địa bàn. Về nguồn nhân lực, cần có chính sách thu hút nguồn nhân lực từ mọi nơi bằng xây dựng các cụm ngành kinh tế về dịch vụ, thương mại, đổi mới sáng tạo của các vùng. Việc phát triển đô thị và khu công nghiệp tại TPHCM cần đặt trong bối cảnh vùng để có lợi thế cạnh tranh, đó là chất lượng nhân lực, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao và khả năng tiếp cận hạ tầng logistics chiến lược.

Bên cạnh đó, cần sửa đổi luật theo hướng “một luật sửa nhiều luật”. Đồng thời, Trung ương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho các địa phương, đặc biệt là trong việc phối hợp giữa Trung ương và TPHCM để giải quyết nhanh chóng và hiệu quả các vụ việc. Đồng thời, tiếp tục quan tâm, cho phép TPHCM và cả vùng Đông Nam bộ là nơi thí điểm các cơ chế mới, đột phá, vượt trội để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp và khoa học công nghệ để TPHCM là trung tâm kinh tế, là cực tăng trưởng để đóng góp cho kinh tế - xã hội của cả nước.

Theo đồng chí Phan Văn Mãi, năm 2025, TPHCM sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM. Tuy nhiên, qua triển khai, Nghị quyết 131 chưa đủ mạnh để tháo gỡ khó khăn cho TP. Do đó, khi sơ kết 5 năm, đồng chí Phan Văn Mãi kiến nghị cần cho TPHCM một nghị quyết đủ mạnh hơn; về lâu dài, đề xuất Trung ương cho TPHCM nghiên cứu, đề xuất dự án Luật Đô thị đặc biệt TPHCM để có khung pháp lý đủ rộng, đủ mạnh cho TPHCM phát triển bền vững.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo