Thứ Bảy, ngày 2 tháng 11 năm 2024

Khuyến khích người dân chuyển sang hình thức mua sắm trực tuyến

Người dân nên mua sắm trực tuyến và nhận hàng tại nhà.

(Thanhuytphcm.vn) – Theo báo cáo tình hình thị trường của Sở Công thương ngày 8/7, đến nay, cả 3 chợ đầu mối trên địa bàn TPHCM (Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức) đều đã tạm dừng các hoạt động liên kết trực tiếp tại chợ để thực hiện công việc chống dịch. 

Hàng hóa được cung cấp đầy đủ dồi dào

Kết quả khảo sát thực tế tại 3 chợ đầu mối, tổng lượng hàng về các kho bãi, các điểm tập kết hàng hóa xung quanh chợ khoảng 900 tấn/ngày đêm. Bên cạnh đó, theo Ban Quản lý của 3 chợ đầu mối, lượng hàng các thương lái lớn bán hàng qua kênh điện thoại, Zalo, giao hàng trực tiếp không về điểm tập kết ước khoảng 1.200 tấn/ngày đêm. So với ngày 7/7, trong buổi sáng 8/7, tổng lượng hàng đạt 2.100 tấn/ngày đêm (giảm hơn 34%) (3.188,9 tấn). Trong đó, nhóm mặt hàng thịt gia súc: 300 tấn/ngày đêm; nhóm mặt hàng thủy hải sản: khoảng 50 tấn/ngày đêm; nhóm mặt hàng rau củ quả, trái cây: khoảng 1750 tấn/ngày đêm. Theo thống kê của Chi cục Thú y số lượng heo tiêu thụ trung bình khoảng 4.000 con/đêm (khoảng 75 kg/con) trọng lượng tương đương 300 tấn thịt, trong đó Lò giết mổ Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) cung ứng hàng ra thị trường khoảng 1.916 con/đêm, trọng lượng tương đương 143,7 tấn thịt.

Hiện chợ đầu mối Hóc Môn đã tạm ngưng hoạt động. Với mặt hàng rau củ quả, các tiểu thương lớn vẫn đưa hàng về kinh doanh qua hình thức giao hàng trực tiếp cho các thương lái, mối quen, hàng không vào chợ, tập trung chủ yếu dọc theo 2 bên tuyến đường Nguyễn Thị Sóc, Quốc lộ 22 hướng từ Ngã ba Chợ đầu mối về bến xe An Sương và ngược lại (phương tiện vận chuyển từ các tỉnh giao trực tiếp cho các mối), sản lượng đêm qua khoảng 550 tấn.

Ở chợ đầu mối Thủ Đức, các tiểu thương lớn vẫn đưa hàng về kinh doanh bán hàng trực tiếp trên các tuyến đường xung quanh Chợ đầu mối, khu dân cư sau chợ, đường Ngô Chí Quốc sau chợ, đường Xa lộ Hà Nội gần chợ với sản lượng rau củ quả ước đạt 750 tấn.

Ở chợ Bình Điền, hiện các thương lái lớn chuyển hình thức kinh doanh giao hàng trực tiếp, và một số thương lái tập kết hàng dọc đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) để giao/nhận hàng, sản lượng rau củ quả khoảng 450 tấn, thủy hải sản khoảng 50 tấn.

Người dân mua nhiều hàng hóa dự trữ, chợ thiếu hàng cục bộ

Hầu hết giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm có xu hướng tăng do số lượng chợ tạm dừng hoạt động tăng cao, người dân mua nhiều, chợ thiếu hàng cục bộ. Với mặt hàng thịt heo, giá thịt pha lóc tăng khoảng 10% - 20% so với ngày 7/7; Mặt hàng rau củ quả hầu hết đều tăng khoảng 2% - 5% so với ngày 7/7.

Tình hình mãi lực tại hệ thống chợ ngày 8/7 tăng khoảng 30% so với ngày 7/7, vì có thông tin chính thức Thành phố sẽ áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 nên người dân đổ xô mua sắm để dự trữ hàng hóa. Nhiều chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động do có liên quan đến tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, một số thương nhân đã áp dụng các hình thức bán hàng trực tuyến tại nhà như ở chợ Phùng Hưng, Minh Phụng... Các quận, huyện đã phối hợp hệ thống phân phối hiện đại tổ chức các điểm bán lưu động để bổ sung nguồn cung lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân; chẳng hạn, tại khu vực Hóc Môn, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) tổ chức 3 điểm; tại quận Bình Tân, hệ thống Bách Hóa Xanh tổ chức 2 điểm…

Tại hệ thống siêu thị, mãi lực ngày 7/7 tăng 50% so với ngày 6/7 và tăng gấp 2 lần so với ngày thường; các mặt hàng có mãi lực tăng cao chủ yếu tập trung vào ngành hàng tươi sống (rau củ quả, thịt cá). Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sức mua tăng đột biến là đã có thông tin về việc áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn Thành phố.

Khuyến khích người dân mua sắm trực tuyến

Theo Công văn số 5389/BYT-MT của Bộ Y tế ngày 7/7 về việc tiếp nhận đối với người từ TPHCM về địa phương, tất cả người về từ TPHCM phải thực hiện cách ly y tế tại nhà trong vòng 7 ngày kể từ ngày về địa phương. Nội dung này gây khó khăn cho một số đơn vị có kho nằm ở tỉnh lân cận như Saigon Co.op (kho phân phối hàng đặt tại Bình Dương) và ảnh hưởng chuỗi cung ứng hàng hóa các hệ thống phân phối khác như SATRA, Aeon Mall, Bách Hóa Xanh, Lotte…

Trước tình hình khó khăn trong công tác vận chuyển hàng hóa và việc người dân đổ xô mua sắm do có thông tin Thành phố áp dụng Chỉ thị 16, Sở Công thương đã chủ động trao đổi làm việc với các hệ thống phân phối chủ lực trên địa bàn để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc.

Trong công tác tuyên truyền, thông tin về các điểm bán trên địa bàn Thành phố, Sở Công thương đã phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông công khai 2.833 điểm bán theo từng địa bàn thành phố, quận huyện để người dân được biết và đến mua sắm. Song song đó, Sở tiếp tục chỉ đạo các hệ thống phân phối có các chính sách tăng cường, khuyến khích người dân chuyển sang hình thức mua sắm trực tuyến, đặt hàng qua điện thoại…

Hiện một số hệ thống phân phối đang tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19; trong đó, có 6/106 siêu thị (Siêu thị Bon Grocer (Quận 3); Siêu thị Lotte Nam Sài Gòn (Quận 7); Siêu thị Lotte Phú Thọ (Quận 11); Siêu thị Co.opmart Cao Thắng (Quận 10); Siêu thị Co.opmart Âu Cơ (quận Tân Bình); Siêu thị Co.opmart Rạch Miễu (quận Phú Nhuận), 85/2.616 cửa hàng tiện lợi, 148/234 chợ truyền thống, 3/3 chợ đầu mối tạm đóng cửa…

Minh Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo