Thứ Tư, ngày 22 tháng 1 năm 2025

Khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ II năm 2020

Quang cảnh Đại hội

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 4/12, Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II năm 2020 đã diễn ra trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Dự Đại hội có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình.

Các đồng chí nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; đại diện các bộ, ngành, địa phương và gần 1.600 đại biểu chính thức tiêu biểu đại diện cho 54 dân tộc về dự Đại hội.

Phát biểu khai mạc, thay mặt Đoàn Chủ tịch, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo Đại hội chào mừng gần 1.600 đại biểu đại diện cho hơn 14,2 triệu đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước về dự Đại hội. 

Theo Phó Thủ tướng, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã quan tâm chỉ đạo; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã tạo điều kiện phối hợp tổ chức thành công Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số ở 363 huyện, 50 tỉnh, thành phố trong cả nước, tạo nên không khí hồ hởi, phấn khởi, góp phần vào thành công của Đại hội Đảng bộ các cấp, vững tin hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Các đại biểu về dự Đại hội Các đại biểu về dự Đại hội

Đại hội cấp tỉnh và các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã chọn cử được 1.592 đại biểu ưu tú về dự Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II đủ đại diện của cả 54 dân tộc, đại diện lãnh đạo các cấp, nhân sỹ trí thức, văn nghệ sỹ, tướng lĩnh quân đội, công an, anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, doanh nhân, nghệ nhân, người có uy tín..., thể hiện tinh thần đại đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, đóng góp vào thành công của Đại hội. 

Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II là diễn đàn giao lưu, trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo sự đồng thuận và niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Phó Thủ tướng cho rằng, niềm tin đó được nhân lên gấp bội khi mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 65-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc; Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88 phê duyệt Đề án và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đây là lần đầu tiên chúng ta có một Chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với tổng mức vốn bố trí cho giai đoạn 2021 – 2025 là hơn 130 nghìn tỷ đồng, đầu tư phát triển toàn diện các lĩnh vực.

Bày tỏ tin tưởng Đại hội sẽ thành công tốt đẹp, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình bày tỏ: Khối đại đoàn kết các dân tộc sẽ mãi mãi trường tồn và phát huy sức mạnh, đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng đất nước phát triển phồn thịnh, hạnh phúc.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo Đại hội phát biểu khai mạc Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo Đại hội phát biểu khai mạc

Trình bày dự thảo Báo cáo chính trị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, sau 10 năm thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ nhất, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo đạt được kết quả nổi bật, nhất là ở địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và bền vững hơn. Niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước không ngừng được củng cố và tăng cường, đồng thuận xã hội được nâng lên, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được xây dựng vững chắc hơn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, giai đoạn 2021 – 2030, phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số đến năm 2025 tăng trên 2 lần so với năm 2020; đến năm 2030, bằng 1/2 bình quân chung của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%; đến năm 2030 giảm hộ nghèo xuống dưới 10% (theo chuẩn nghèo đa chiều hiện nay). Đến năm 2025, hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định 90% số hộ di cư không theo quy hoạch…

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo