Thứ Sáu, ngày 13 tháng 12 năm 2024

Huỳnh Tấn Phát - Bùi Thị Nga: Sắt son tình đồng chí, thủy chung nghĩa vợ chồng

Ông bà Huỳnh Tấn Phát - Bùi Thị Nga trong kháng chiến chống Mỹ. (Ảnh tư liệu)

(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Cán bộ nhân viên cơ quan MTTQ TPHCM quen gọi bà Bùi Thị Nga, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, theo tên chồng: Cô Tám Chí. Tám Chí là tên thường gọi của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Đoàn Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ông là đại biểu Quốc hội khóa I, II, III, VI, VII, VIII.

Là người thực hiện chính sách cán bộ ở cơ quan Mặt trận thành phố, tôi đã vài lần đến thăm gia đình bà Tám Chí ở đường Ngô Thời Nhiệm, Quận 3. Khi bà nghỉ hưu để ra thủ đô Hà Nội chăm sóc cho chồng, tôi cũng đến thăm. Gặp bà ở thủ đô Hà Nội, tôi nói: “Chú Tám đã có người phục vụ, cô Tám lo làm chi?”. Bà trả lời: “Tôi sợ anh ấy ăn uống không hợp khẩu vị, nên ra để chăm sóc cho ảnh”…

Sau này, tôi còn có nhiều dịp gặp bà nữa. Biết tôi từng theo học Khoa Lịch sử Trường Đại học Tổng hợp TPHCM, bà đã tặng tôi cuốn sách Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, con người và sự nghiệp do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành năm 1995.

Bà còn cho biết về sự hy sinh anh dũng của người con gái Huỳnh Lan Khanh, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và được đặt tên một con đường ở Phường 2, quận Tân Bình. Liệt sĩ Huỳnh Lan Khanh sinh năm 1948, là nữ sinh Trường Gia Long, Sài Gòn. Chị được gia đình và tổ chức chọn đưa ra miền Bắc học để đào tạo “hạt giống đỏ” cho miền Nam nhưng đã xin ở lại tham gia chống Mỹ. Chị là người chịu thương, chịu khó, tính tình hiền dịu và có phần hơi nhút nhát, vậy mà khi chiến đấu đã vô cùng dũng cảm và hy sinh oanh liệt... Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, gia đình và đồng đội đã tổ chức hơn chục lần đi mới tìm được hài cốt chị và đưa về Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố. Ngày 25/4/2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho các cá nhân, trong đó có liệt sĩ Huỳnh Lan Khanh.

Câu chuyện về chị Lan Khanh rất anh dũng và cảm động. Ngày 4/1/1968, chị được cử tham gia đoàn công tác gồm 6 người làm nhiệm vụ tải gạo vào căn cứ. Mới đi được một giờ, đoàn công tác bị lọt vào ổ phục kích của địch. Đoàn đã kiên cường chiến đấu, sau đó các cơ quan gần đó kịp thời ứng cứu. Trận đọ súng diễn ra quyết liệt, địch điều cả máy bay trực thăng đến yểm trợ. Lan Khanh mất tích trong trận đọ súng này, mãi 3 ngày sau, đồng đội mới tìm thấy xác chị trong rừng Tây Ninh, cách nơi xảy ra trận quyết chiến 500m, thi thể không còn nguyên vẹn. Mấy ngày sau đó, đài địch đưa tin nói về sự chống cự ngoan cường của một nữ Việt cộng bị bắt… Đó là chị Lan Khanh, người đã anh dũng lao khỏi máy bay, để không bị rơi vào tay kẻ thù. Chị được truy tặng Huân chương Quyết thắng hạng Ba…

Trong hồi ký về người chồng yêu thương, bà Tám Chí cho biết, ông bà tổ chức đám cưới ngày 15/6/1945 rất đơn giản, đàng trai bưng qua mấy quả trầu cau, rượu bánh, trái cây, nhà gái chỉ có mình bà ở nhà ra tiếp nhận lễ cưới, đến trưa mẹ và em mới mướn được xe thổ mộ từ Quán Tre (nay thuộc Quận 12) về Sài Gòn cùng với mấy nồi thức ăn nấu sẵn. Năm giờ chiều, nhà trai sang rước dâu, một bàn tiệc được dọn giữa nhà, bà con đông đủ hơn, bà đứng vái trước bàn thờ Phật và bàn thờ tổ tiên. Cuộc sống hạnh phúc vợ chồng chưa được bao lâu, ngày 26/9/1945, ông bà lại phải xa nhau, bà cùng mẹ và em sơ tán về Quán Tre, xuống Thủ Thừa rồi về Mỹ Tho. Ngày 6/1/1946, bà đi bầu cử đại biểu Quốc hội ở Phú An Hòa (nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre). Còn chồng bà, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát trúng cử đại biểu Quốc hội đầu tiên ở Mỹ Tho... Cũng trong năm này, ông Huỳnh Tấn Phát bị thực dân Pháp bắt và kết án 2 năm tù, trong khi đó người con trai đầu lòng là Huỳnh Thiện Hùng (sau này là Đại tá, công tác tại Quân khu 7) ra đời vào cuối năm 1946…

Trước Tết Kỷ Hợi (năm 1959), bà vẫn ở lại Sài Gòn hoạt động trong Ban Trí vận, còn chồng rời Sài Gòn vào căn cứ. Ngày 5/5/1960, bà bị địch bắt giam cầm ở bót Bà Hòa - Biệt kích I, đề lao Gia Định, trại giam Phú Lợi, bót Hàng Keo - Gia Định, khám Chí Hòa, bị địch tra khảo đánh đập rất dã man nhằm tìm bắt chồng bà. Sau gần 5 năm bị địch giam cầm trong các lao tù, ngày 3/10/1964, bà được trả tự do, ở nhà với con được 3 đêm, bà lại lên đường vào R, nhận công tác tại cơ quan Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Năm 1965, vợ chồng bà thống nhất đón các con Huỳnh Minh Tuấn (10 tuổi), Huỳnh Xuân Thảo (8 tuổi) đang ở với nội và Huỳnh Lan Khanh, 16 tuổi đang ở với ngoại cùng ra chiến khu, còn vợ chồng bà lại vào nội thành Sài Gòn hoạt động cách mạng.

Ông Huỳnh Tấn Phát còn gọi là Sáu Phát, thời chống Pháp và Tám Chí thời chống Mỹ, sinh ngày 15/2/1913 tại xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, trong một gia đình địa chủ phá sản. Năm 1933 - 1938, ông học kiến trúc trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Hà Nội. Năm 1943 - 1945, ông là Chủ nhiệm tờ báo Thanh niên. Năm 1946, bị địch bắt giam ở Khám Lớn Sài Gòn 2 năm, sau khi được ra tù, được tổ chức phân công công tác Trí vận và báo chí của thành phố, Bí thư Đảng đoàn Đảng Dân chủ Việt Nam. Năm 1949 - 1954, ông ra khu giải phóng, được cử làm Ủy viên Ủy ban Kháng chiến Nam bộ kiêm Giám đốc sở Thông tin Nam bộ. Năm 1954 - 1959, ông được phân công trở về Sài Gòn và bổ sung vào Thành ủy, phụ trách Trí vận và Chính quyền vận. Năm 1959 - 1967, ông ra vùng giải phóng, được Đảng, Nhà nước và nhân dân tín nhiệm bầu giữ nhiều trọng trách trong Chính phủ và Mặt trận. Ông mất năm 1989 do bệnh nặng, hưởng thọ 76 tuổi.

Với ông bà Huỳnh Tấn Phát – Bùi Thị Nga, chỉ có tình yêu cách mạng đã tạo nên tình đồng chí sắt son và nghĩa vợ chồng chung thủy, làm cho cuộc sống hôn nhân của người thanh niên quê Bến Tre với cô gái gốc Hà Nội mới thật bền lâu và thật đẹp. 

Bùi Hiển


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo