Thứ Bảy, ngày 9 tháng 11 năm 2024

Giao lưu nhân chứng lịch sử “Đoàn Cải lương Nam bộ - Một thời hoa lửa”

Các đại biểu khách mời chia sẻ tại chương trình

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 8/11, Bảo tàng TPHCM tổ chức tọa đàm giao lưu nhân chứng lịch sử với chủ đề “Đoàn Cải lương Nam bộ - một thời hoa lửa”, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève và chuyến tàu Tập kết (1954 - 2024), ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11/2024.

Buổi tọa đàm nhằm tôn vinh Đoàn Cải lương Nam bộ, biểu tượng của nghệ thuật và tinh thần dân tộc trong kháng chiến chống Mỹ, khi đoàn đã mang lời ca, tiếng hát đậm chất Nam bộ đã động viên và cổ vũ quân dân ta trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ cứu nước.

Sau Hiệp định Genève năm 1954, những chuyến tàu Tập kết đã chở hơn 200.000 đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, thiếu niên từ miền Nam ra miền Bắc trong đó có trên 100 văn nghệ sĩ đã rời miền Nam ra miền Bắc tập kết. Năm 1956, Đoàn Cải lương Nam bộ được thành lập trên cơ sở tách ra từ Đoàn Văn công Nam bộ.

Đoàn Cải lương Nam bộ là nơi tập trung nhiều soạn giả, đạo diễn, họa sĩ, diễn viên giỏi nghề và nhiệt tâm đã tạo nên những tác phẩm gây được tiếng vang như: Phụng Nghi Đình, Kiều Nguyệt Nga, Dệt gấm, Khuất Nguyên, Nàng tiên mẫu đơn, Thạch Sanh, Võ Thị Sáu, Máu thắm đồng Nọc Nạn... Với sức ảnh hưởng của mình, Đoàn Cải lương Nam bộ đã trở thành ngôi sao sáng đem lời ca, tiếng hát đậm chất Nam Bộ phục vụ nhân dân trên đất Bắc.

Thông qua những chia sẻ của các khách mời: Nghệ sĩ ưu tú Ca Lê Hồng, Đạo diễn Thanh Hạp, Nghệ sĩ ưu tú Lê Thiện, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu đã giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về vai trò quan trọng của Đoàn Cải lương Nam bộ trong việc gìn giữ và phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc. Đồng thời, tôn vinh những đóng góp to lớn của các nghệ sĩ đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng. Qua đó khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm của thế hệ tiếp nối trong việc bảo tồn di sản văn hóa.

M.Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo