Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Đồng chí Võ Văn Kiệt với Thanh niên Xung phong TPHCM

Đồng chí Võ Văn Kiệt thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động (lần 1) cho Lực lượng TNXP TPHCM.

(Thanhuytphcm.vn) - “Chú Sáu Dân”, “bác Sáu Dân” – đó là cách gọi thân thương mà các thế hệ Thanh niên xung phong (TNXP) TPHCM dành cho người đội viên danh dự của Lực lượng TNXP Thành phố - cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Và khi nhắc đến ông, hầu hết cán bộ, đội viên TNXP Thành phố đều nhớ câu nói: “Thanh niên xung phong, đó là sức mạnh đi lên làm đẹp cuộc đời, làm đẹp lòng người của thành phố mới[1]. Từ những câu nói của bác Sáu Dân, các thế hệ cán bộ, đội viên TNXP luôn nhớ những lời căn dặn đó; và đã cụ thể hóa các chỉ đạo bằng những chương trình, phần việc phù hợp, hiệu quả với tinh thần “vượt khó, xung kích, năng động, sáng tạo”.

Phát biểu tại buổi lễ ra quân của TNXP Thành phố - sáng ngày 28/3/1976, đồng chí Võ Văn Kiệt đã dặn dò: “Có bạn trẻ nào không xúc động với câu hát: “Nếu là người tôi sẽ chết cho quê hương”? Quê hương hôm nay không đòi hỏi mỗi người trẻ tuổi phải chết cho quê hương sống nữa. Đất nước vĩnh viễn độc lập, tự do rồi. Quê hương đòi hỏi anh phải sống và sống cho ra sống… Sống là chia bùi xẻ ngọt với nhân dân. Sống không phải là ăn bám, mà là lao động[2].

Từ những lời dặn đó, các lớp TNXP Thành phố đã đến dấn thân, lao động quên mình. Ở các huyện ngoại thành Thành phố, sau những ngày làm việc miệt mài, những đêm đào kênh dưới ánh đuốc của TNXP, những con kênh tháo phèn, chống úng, tưới tiêu, đắp đê, gia cố hệ thống thủy lợi, đắp bờ đê ngăn mặn… đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Sau khi hoàn thành công trình kênh tưới, TNXP tiến hành đào đắp, lên liếp và khai thác những vùng đất đã được khai hoang thành nông trường trồng hoa màu, lương thực. Tại một số nơi thuộc tỉnh Lâm Đồng, Nam Tây nguyên, Đông và Tây Nam bộ, TNXP bao giờ cũng là những người đến trước để khai hoang, san đất, đắp đất làm nền và xây nên những ngôi nhà mới, vận động và giúp đỡ các gia đình, tiếp đón các hộ di dân, là lực lượng gần gũi các hộ dân nghèo đi lập nghiệp, làm chỗ dựa đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào đi kinh tế mới. TNXP thích nghi mau với hoàn cảnh sống để bắt tay vào lao động, quen với sình lầy, chịu đựng được với muỗi và đỉa U Minh, với vắt và muỗi, sốt rét rừng miền Đông và Nam Tây nguyên…

Đồng chí Võ Văn Kiệt đến thăm và lao động với TNXP tại Kiên Giang, năm 1979. Đồng chí Võ Văn Kiệt đến thăm và lao động với TNXP tại Kiên Giang, năm 1979.

Đối với việc giáo dục thanh niên lầm đường lạc lối, bác Sáu Dân gởi gắm niềm tin: “Tôi mong tất cả các em là những người thanh niên xung phong đi trước hãy đem tinh thần “Tình thương lứa tuổi” mở những chiến dịch “Trách nhiệm và tình thương” đến những bạn trẻ chưa nhận ra con đường phải sống, hoặc chưa đủ nghị lực để sửa lại nếp sống của mình, nay đã nhận thấy ra rồi mà còn có những khó khăn tư riêng cụ thể[3]. Tham gia xây dựng con người mới, giúp đỡ thanh niên chậm tiến, những người từng lầm lỡ thành những người có ích là nhiệm vụ TNXP Thành phố làm từ những năm đầu thành lập cho đến nay.

Hoàn cảnh, thành phần xã hội của đội viên TNXP lúc ban đầu không giống nhau – có những người là thanh niên đang khao khát cống hiến, làm việc; đội viên TNXP cũng có thể là những thanh niên thị dân ở các khu dân cư ở các quận, huyện ngoại thành, là những học sinh, sinh viên, những thanh niên bị “địch bắt lính”, nhưng, thực hiện thông điệp của bác Sáu Dân: “Hòa hợp dân tộc và không phân biệt đối xử với những ai có lý lịch xấu[4], vì “không ai chọn cửa mà sinh ra[5], tất cả những người trẻ ấy được tập hợp trong một tổ chức đoàn kết và thống nhất về ý chí, hành động, có lý tưởng, lối sống đẹp. Họ đã trở thành những thanh niên mới, trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hăng hái nhận lấy những nhiệm vụ khó khăn, gian khổ. Họ đã chiến thắng trên tất cả các mặt trận, từ khai hoang, sản xuất đến các hoạt động kinh tế.

Đồng chí Võ Văn Kiệt thăm gia đình đội viên TNXP tại Đắk Nông.      Đồng chí Võ Văn Kiệt thăm gia đình đội viên TNXP tại Đắk Nông.

Tại Hội nghị Thanh niên tiên tiến xây dựng vùng kinh tế mới, ngày 03 tháng 03 năm 1977, đồng chí Võ Văn Kiệt đã nhận xét: “Nhiều đồng chí lúc mới ra đi chưa xác định rõ nhiệm vụ, nay đã nhận thức sâu sắc vai trò và nhiệm vụ, thấy được tiền đồ tương lai của mình nằm trong tiền đồ tương lai của đất nước, dân tộc… Quan hệ giữa người và người, tình bạn và tình đồng chí rất đẹp và rất cao quý đã thể hiện và chi phối trong tư tưởng và tình cảm của các đồng chí[6].

Không chỉ giáo dục cho những người cùng chung đội ngũ, TNXP còn giáo dục những thanh niên bị xem là tệ nạn xã hội, khiếm khuyết nhân cách, giúp đỡ để họ trở thành công dân lương thiện, thành người có ích. Trường Thanh niên xây dựng cuộc sống mới là mô hình đầu tiên của TPHCM về quản lý, giáo dục thanh niên tệ nạn xã hội. Qua mô hình này, Lực lượng TNXP là “trường học làm lại con người”, thực hiện nhiệm vụ là vừa cải tạo, giáo dục đối tượng quản lý vừa tự cải tạo, rèn luyện mình để làm gương cho học viên noi theo. Học viên của các đơn vị do Lực lượng TNXP quản lý tham gia xây dựng đường giao thông, nhà ở, thủy điện, làm mương dẫn nước, trồng cà phê, trồng rau, chăn nuôi gia súc, gia cầm phục vụ nhu cầu của đơn vị; tham gia xây dựng nhiều công trình công cộng tại địa phương. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Lực lượng TNXP đã chủ động kiến nghị, tham mưu đối với những nhiệm vụ chưa có tiền lệ, chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý. Các đơn vị làm công tác cai nghiện ma túy thuộc Lực lượng TNXP hiện đang thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Người nghiện ma túy được cắt cơn, điều trị bệnh, tham gia học tập văn hóa, học nghề, được trang bị các kỹ năng để phòng chống tái nghiện, tái hòa nhập cộng đồng.

Trật tự viên giao thông tham gia thực hiện nhiệm vụ Trật tự viên giao thông tham gia thực hiện nhiệm vụ

Từ những ngày đầu mới thành lập, TNXP đã phát động phong trào thi đua và tổ chức học văn hóa sôi nổi ở các đơn vị. Nhờ có phong trào văn hóa văn nghệ, học tập văn hóa lan rộng trong các đơn vị TNXP mà từng bước hình thành nên những dòng nhạc, lời ca, bài thơ, vở kịch, bộ phim mang sắc thái riêng phản ánh đời sống hiện thực của TNXP. Nhiều tác phẩm văn hóa, nghệ thuật viết về TNXP đã ra đời như: bài hát Là Thanh niên xung phong (Phan Huỳnh Điểu); Một thời đẹp nhất (Trương Quang Lục); Khúc hát người đi khai hoang (Lê Giang - Lư Nhất Vũ); Em ở nông trường, em ra biên giới (Trịnh Công Sơn); Đêm rừng ĐắkMin (Nguyễn Đức Trung); truyện Ngọc trong đá (Nguyễn Đông Thức)… Các tác phẩm đã phản ánh một cách sinh động các mặt hoạt động của Lực lượng TNXP. Cũng theo sáng kiến và đề xuất của Lực lượng TNXP, Bộ Nội vụ và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã đồng ý cho Lực lượng TNXP thực hiện đồng phục mới TNXP. Các đơn vị cơ sở đều có sân bóng đá, bóng chuyền, hệ thống phát thanh nội bộ… tạo môi trường văn hóa lành mạnh ở cơ sở.

Nhân viên Đội Bảo vệ rừng phòng hộ Cần Giờ tuần tra bảo vệ rừng Nhân viên Đội Bảo vệ rừng phòng hộ Cần Giờ tuần tra bảo vệ rừng

Những hoạt động trên là một cách hiện thực hóa mong muốn của bác Sáu Dân: “Tôi rất muốn các em có một kiểu đồng phục đẹp hơn và tiện hơn, huy hiệu đội và hình thức đội, vừa có thẩm mỹ, vui mắt, ưa nhìn… mong những nhà nhạc soạn được tuổi trẻ yêu mến sáng tạo cho một bài ca “thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh” ngắn, dễ hát, nổi gió lên được, mang tâm tình sâu nhất của thanh niên và hơi thở lớn của phong trào. Một bài hát mà tuổi trẻ thành phố này đời đời sẽ hát[7].

Năm 1986, Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ IV khẳng định nhiệm vụ: “…duy trì và phát triển mạnh phong trào TNXP, vì TNXP vừa là lực lượng xung kích của thanh niên Thành phố, vừa là mô hình tốt để giáo dục, đào tạo thanh niên”[8]. Để thực hiện nhiệm vụ đó, và căn cứ vào các quy định hiện hành, Lực lượng TNXP đã có nhiều điều chỉnh và hoàn thành các nhiệm vụ do Thành ủy, Ủy ban Nhân dân Thành phố giao với chất lượng ngày một tốt hơn, như lời khẳng định của bác Sáu Dân: “Thanh niên xung phong là một lực lượng lao động tập thể có tổ chức mạnh, một lực lượng xung kích trên mặt trận lao động sản xuất, do đó có khả năng sẽ hoàn thành một số công trình lớn về kinh tế và văn hóa của Nhà nước, đi đầu trong sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa[9]. Các phần việc Lực lượng TNXP thực hiện không chỉ phù hợp với giai đoạn đầu sau đổi mới, thực tế đã chứng minh, hoạt động của Lực lượng TNXP Thành phố đến nay vẫn còn phù hợp với thời điểm hiện tại và tương lai.

Đó còn là các hoạt động công ích nội thị, nhằm giải quyết những vấn đề về sinh hoạt, đời sống hàng ngày của cư dân đô thị, nhất là loại dịch vụ khó hoặc không thể giao cho tư nhân thực hiện, như: quản lý, bảo vệ 7.507,12 hecta đất rừng và rừng phòng hộ thuộc huyện Cần Giờ, góp phần bảo vệ Rừng Sác, lá phổi xanh của Thành phố và là một trong những Khu dự trữ sinh quyển của thế giới do UNESCO xác lập; phân luồng giao thông tại hơn 170 chốt, giao lộ trên địa bàn Thành phố, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người tham gia giao thông tại Thành phố, giảm nạn ùn tắt xe; thực hiện giữ xe 2 bánh, 4 bánh đúng giá quy định, góp phần ổn định giá giữ xe; hệ thống nhà vệ sinh công cộng tiếp tục được đầu tư mới, cải tạo nâng cấp đã và đang phát huy tác dụng, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn môi trường sạch đẹp; có 5 trạm cung cấp nước ngọt cho nhân dân vùng xa, vùng sâu tại huyện Cần Giờ; quản lý, vận hành phà Bình Khánh - Nhà Bè, phà Cát Lái - Nhơn Trạch (Đồng Nai). Đội Bảo vệ khách du lịch thực hiện việc hướng dẫn, giúp đỡ khách du lịch; tuần tra, ngăn chặn các hành vi cướp giật, móc túi, ăn xin… tạo sự an tâm, thoải mái cho du khách khi tham quan TPHCM, góp phần xây dựng hình ảnh Thành phố thân thiện, hiếu khách và là điểm đến an toàn cho du khách trong và ngoài nước…

Tự hào về người sáng lập ra Lực lượng TNXP Thành phố, tự hào về người đội viên danh dự Võ Văn Kiệt với phong cách năng động, sáng tạo, với những tư duy mới, với bầu nhiệt huyết rực cháy trong tim người chiến sĩ cách mạng, Lực lượng TNXP luôn chung sức, chung lòng cùng nhau đoàn kết vun đắp cho truyền thống của tổ chức TNXP Thành phố ngày càng có vị thế mới, đặc biệt là làm cho tất cả những ai đã từng khoác trên người đồng phục luôn tự hào vì đã có một thời được sống, học tập rèn luyện, trưởng thành trong môi trường TNXP, bởi lẽ, như lời đồng chí Võ Văn Kiệt: “Thanh niên xung phong, đó là sức mạnh đi lên làm đẹp cuộc đời, làm đẹp lòng người của thành phố mới!”.

Linh Phụng

___________________

[1] Trích phát biểu của đồng chí Võ Văn Kiệt, Bí thư Thành ủy, trong buổi lễ kỷ niệm thứ 46 ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, ngày 26/3/1977, sách Phát huy truyền thống anh hùng, xung kích, năng động, sáng tạo, vượt khó, hoàn thành mọi nhiệm vụ, 2006, lưu hành nội bộ Lực lượng TNXP, tr 70.

[2] Trích phát biểu của đồng chí Võ Văn Kiệt, Bí thư Thành ủy, trong lễ ra quân TNXP Thành phố, ngày 28/3/1976, sách Phát huy truyền thống anh hùng, xung kích, năng động, sáng tạo, vượt khó, hoàn thành mọi nhiệm vụ, 2006, lưu hành nội bộ Lực lượng TNXP, tr 17.

[3] Trích phát biểu của đồng chí Võ Văn Kiệt, Bí thư Thành ủy, trong buổi lễ kỷ niệm thứ 46 ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, ngày 26/3/1977, sách Phát huy truyền thống anh hùng, xung kích, năng động, sáng tạo, vượt khó, hoàn thành mọi nhiệm vụ, 2006, lưu hành nội bộ Lực lượng TNXP, tr 76.

[4] Bùi Thanh, “Không ai chọn cửa mà sinh ra”, trong sách “ Võ Văn Kiệt - người thắp lửa”, NXB Trẻ, 2010, tr.394

[5] Bùi Thanh, “Không ai chọn cửa mà sinh ra”, trong sách “ Võ Văn Kiệt - người thắp lửa”, NXB Trẻ, 2010, tr393

[6] Sách Phát huy truyền thống anh hùng, xung kích, năng động, sáng tạo, vượt khó, hoàn thành mọi nhiệm vụ, 2006, lưu hành nội bộ Lực lượng TNXP, tr 52-53.

[7] Sách Phát huy truyền thống anh hùng, xung kích, năng động, sáng tạo, vượt khó, hoàn thành mọi nhiệm vụ, 2006, lưu hành nội bộ Lực lượng TNXP, tr72

[8] Lịch sử Lực lượng TNXP Thành phố Hồ Chí Minh, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2011, tr.119

[9] Sách Phát huy truyền thống anh hùng, xung kích, năng động, sáng tạo, vượt khó, hoàn thành mọi nhiệm vụ, 2006, lưu hành nội bộ Lực lượng TNXP, tr 48


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo