Trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc từ năm 1940 - 1945, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam giữ tại các nhà tù Nam Định, Hỏa Lò (Hà Nội), Sơn La, Khám Lớn (Sài Gòn) và Côn Đảo. Trong bất kỳ nhà tù nào của thực dân, đồng chí vẫn kiên trung giữ vững ý chí cách mạng. Sau Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, từ Côn Đảo về đất liền, đồng chí được Xứ ủy Nam Bộ phân công giữ nhiều chức vụ quan trọng ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ[2] và có nhiều đóng góp cho công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cho đến ngày Hiệp định Genève 1954 được ký kết. Sông nước miền Nam, tính chất khí khái hào sản của người Nam Bộ đã ăn sâu vào tính cách của đồng chí Tám Cao trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh cách mạng trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc vì mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, tiến lên chủ nghĩa xã hội theo con đường mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã chọn.
2. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã sớm nhìn ra âm mưu chiến lược lâu dài của thực dân, đế quốc. Tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 15/7/1954 (5 ngày trước khi Hiệp định ký kết), khi đánh giá tình hình thế giới và thái độ các bên tham gia hội nghị Genève, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Mỹ không những là kẻ thù của nhân dân thế giới, mà Mỹ đang biến thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Việt - Miên - Lào…”[3]. Từ nhận định này, để chuẩn bị cho cuộc đấu tranh lâu dài, nhiều cán bộ chủ chốt hoạt động ở Nam Bộ đã được Đảng bố trí ở lại không tập kết ra Bắc để xây dựng đội ngũ cán bộ, cơ sở cốt cán chuẩn bị cho cuộc đấu tranh trong tình hình mới. Đồng chí Mai Chí Thọ là một trong số cán bộ chủ chốt đó, đồng chí đề nghị với Trung ương Cục được ở lại miền Nam chiến đấu cùng nhân dân, trực tiếp đối đầu với kẻ thù, chia sẻ khó khăn gian khổ ác liệt, đầy thử thách hy sinh ở miền Nam thành đồng Tổ quốc.
Từ năm 1954 đến 1959, đồng chí là Phó Ban và sau đó làm Trưởng Ban Địch tình Xứ ủy Nam Bộ và tham gia Xứ ủy viên dự khuyết năm 1958. Trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc thống nhất Tổ quốc, đặc biệt ở miền Đông Nam Bộ, đây là giai đoạn đặc biệt khó khăn. Chính quyền miền Nam sau khi ổn định tình hình chính trị, từng bước củng cố hệ thống chính quyền từ Trung ương xuống cơ sở, xây dựng quân đội để tiến hành chiến dịch đánh phá cách mạng, đặt Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật bằng Luật 10/59 (tháng 5/1959). Chính quyền Mỹ - Diệm chọn miền Đông là trọng điểm chiến lược thực hiện quốc sách ấp chiến lược, bố trí hàng chục ngàn đồng bào có đạo từ Bắc di cư năm 1954 ở các tỉnh trọng điểm Biên Hòa, Long Khánh, Phước Tuy, Thủ Dầu Một, lợi dụng bọn phản động đội lốt tôn giáo, giáo phái chia rẽ dân tộc, xây dựng các căn cứ quân sự lớn để bảo vệ Sài Gòn, xây dựng Xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa năm 1959, Khu công nghiệp Biên Hòa (Sonadezi) năm 1960. Để có thể tồn tại trong vòng vây của kẻ thù, không chỉ cần có ý chí cách mạng, mà phải có phương pháp cách mạng đúng đắn, đó là tiếp cận hòa mình với nhân dân, nắm chắc thủ đoạn kẻ thù để phân hóa, đồng thời tác động lôi kéo một bộ phận chống đối chính quyền Sài Gòn ngã về với cách mạng. Là người lãnh đạo Ban Địch tình của Xứ ủy Nam Bộ, đồng chí đã cùng với Ban Binh vận Xứ ủy chỉ đạo thực hiện công tác vận động một bộ phận “Bình Xuyên ly khai”, cụ thể Tiểu đoàn 3 do Võ Văn Môn chỉ huy từ Rừng Sác về Chiến khu Đ, để từng bước chuyển hóa lực lượng này thành các lực lượng vũ trang đầu tiên của cách mạng miền Đông và miền Nam, đứng chân ở hai căn cứ lớn Chiến khu Đ và Dương Minh Châu. Sử dụng lực lượng này với danh nghĩa Bình Xuyên với nhiều hoạt động vũ trang tuyên truyền vạch trần bản chất tay sai, phụ thuộc của chế độ Sài Gòn bấy giờ.
Đặc biệt trong vai trò Bí thư Liên Tỉnh ủy Miền Đông, đồng chí Mai Chí Thọ cùng với Ban Quân sự Miền Đông chỉ đạo trận tiến công vào Phái bộ cố vấn quân sự Mỹ (MAAG) ở Văn phòng nhà máy cưa BIF (Tân Mai, nay là khu vực Trường Cao đẳng nghề Đồng Nai phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa tỉnh Đồng Nai). Hai quân nhân Mỹ là thiếu tá Bael Buis và trung sĩ Chester Ovmand bị diệt đầu tiên trong “kỷ nguyên Việt Nam” ở Nhà Xanh, mà tên còn khắc ghi đầu tiên trên bức tường trong Khu tưởng niệm các Cựu chiến binh Mỹ tử trận ở Chiến tranh Việt Nam (The Vietnam Veterans Memorial Wall)[4]. Sự kiện tấn công Phái bộ quân sự Mỹ ngày 7/7/1959 đã tố cáo với dư luận trong nước và quốc tế về sự can thiệp của Hoa Kỳ vào sự nghiệp đấu tranh của nhân dân Việt Nam.
Với trọng trách Bí thư Liên Tỉnh ủy Miền Đông, từ năm 1960 là Bí thư Khu ủy Miền Đông Nam bộ, hoạt động lãnh đạo của đồng chí Mai Chí Thọ gắn liền với những sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng trong cuộc kháng chiến ác liệt, gian khổ của quân dân miền Đông và miền Nam nói chung, nổi bật là:
+ Tập trung khôi phục, củng cố, kiện toàn tổ chức Đảng từ cơ sở, huyện, Tỉnh ủy để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng ở miền Đông Nam bộ. Đặc biệt chỉ đạo đảm bảo công tác bảo vệ an toàn cho Trung ương Cục Miền Nam và các Ban của Trung ương Cục Miền Nam thành lập tại Chiến khu Đ[5], xây dựng căn cứ địa, nối liền chiến khu A mở rộng (Chiến khu D) với chiến Khu Dương Minh Châu (Tây Ninh) tới Nam Tây Nguyên, đón nhận cán bộ chi viện từ Trung ương cho cách mạng miền Nam.
+ Thực hiện chủ trương cực kỳ tàn ác là “tố cộng”, “diệt cộng” và quốc sách ấp chiến lược, chế độ Mỹ Diệm đã gây cho ta những tổn thất đáng kể. Bọn chúng ra sức đàn áp, trả thù những cán bộ kháng chiến, những người yêu nước, đặc biệt là đảng viên. Do đó, nhiều tổ chức Đảng ở các tỉnh miền Đông bị thiệt hại nặng, nhiều xã, ấp trở thành vùng trắng. Sau năm 1954, các tỉnh Miền Đông có 14.365 đảng viên, đến cuối năm 1956 chỉ còn 1.957 đảng viên. Trước tình hình trên, sau khi được thành lập và kiện toàn Khu ủy Miền Đông[6] đã tập trung lãnh đạo các tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương. Đảng bộ và nhân dân các tỉnh miền Đông Nam Bộ anh dũng vượt qua muôn vàn gian lao, thử thách, xoay chuyển tình thế, phát triển lực lượng cách mạng cả lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, tiến hành vũ trang khởi nghĩa với nổi dậy của quần chúng giành nhiều thắng lợi to lớn ở khắp địa bàn nông thôn, đô thị, đồn điền cao su, phá vỡ âm mưu lợi dụng tôn giáo (Cao Đài, Công giáo) chống phá cách mạng trên địa bàn, góp phần đánh thắng kế hoạch Chiến lược “Chiến tranh Cục bộ” của Mỹ, xây dựng phong trào chiến tranh nhân dân rộng khắp miền Đông, tạo thế và lực bước vào cuộc đọ sức quyết liệt với Mỹ - Ngụy.
+ Nối thông đường bộ từ hậu phương miền Bắc vào miền Đông (sau thành đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh):
Đầu năm 1960, Liên Tỉnh ủy Miền Đông chỉ đạo xây dựng Đoàn vũ trang tuyên truyền (Đoàn 200) mở đường từ chiến khu Đ lên phía Bắc[7], vừa hành quân vừa làm nhiệm vụ vận động đồng bào các dân tộc, bắt liên lạc với Đoàn xoi đường do Trung ương thành lập (B90), nối thông hành lang chiến lược từ Trung ương vào miền Đông, một trong cơ sở để hình thành đường chiến lược Trường Sơn, sau này là đường Hồ Chí Minh của đoàn 559 phụ trách[8]. Con đường chiến lược Trường Sơn được nối thông là cơ sở để miền Đông Nam bộ và miền Nam tiếp nhận sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến lớn, đánh Mỹ - Ngụy, giải phóng miền Nam.
+ Đánh căn cứ Nguyễn Thái Học (Tua Hai), mở đầu phong trào Đồng khởi ở miền Đông:
Thực hiện Nghị quyết Trung ương lần thứ 15, và sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam Bộ, chỉ sau Đồng khởi Bến Tre một tuần lễ, trận tiến công căn cứ Nguyễn Thái Học của Trung đoàn 32, Sư đoàn 21 quân đội Sài Gòn nằm trên Quốc lộ 22, phía Tây Bắc thị xã Tây Ninh đã diễn ra. Trận tiến công do Nguyễn Hữu Xuyến, Trưởng Ban quân sự miền Chỉ huy trưởng, đồng chí Mai Chí Thọ Chính ủy[9]. Trận đánh thắng lợi hoàn toàn, ta thu hơn 1.000 khẩu súng, trang bị cho các đơn vị vũ trang Miền và Quân khu. Mở đầu cho thời kỳ kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang ở miền Đông Nam Bộ và toàn miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
+ Chiến thắng Phước Thành (19/8/1961)
Tiểu đoàn 800 chủ lực đầu tiên của Quân khu miền Đông thành lập tháng 2/1961. Theo chỉ đạo của Trung ương Cục Miền Nam xây dựng và mở rộng căn cứ Chiến khu Đ, trong cương vị Bí thư Khu ủy, đồng chí Mai Chí Thọ cùng Bộ Tư lệnh Quân Khu chỉ đạo mở trận đánh tiểu khu Phước Thành do chính quyền Sài Gòn thành lập từ năm 1957 để chia cắt đánh phá chiến khu Đ. Đây là lần đầu tiên chủ lực Quân Khu miền Đông (Tiểu đoàn 800) đánh diệt tiểu khu[10] của chính quyền Sài Gòn, đánh bại kế hoạch bao vây ngăn chặn bóp nghẹt Chiến khu Đ của địch. Đến năm 1965, địch bỏ hẳn tỉnh Phước Thành. Một cuộc triển lãm về chiến thắng lớn được tổ chức giữa trung tâm kháng chiến, đánh dấu phong trào cách mạng miền Nam đã nhảy vọt, mạnh mẽ, địa danh sân lễ Phước Thành ra đời. Từ đó cũng là địa điểm tổ chức Đại hội thành lập Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Đông Nam Bộ năm 1962.
+ Chỉ đạo mở đường Hồ Chí Minh trên biển nối thông ra miền Bắc. Xây dựng bến Lộc An tiếp nhận vũ khí chi viện từ hậu phương lớn miền Bắc cho chiến trường miền Đông:
Tháng 2/1962, Khu ủy miền Đông cử phó Bí thư thường trực Khu ủy (đồng chí Nguyễn Văn Chí) về làm Bí thư tỉnh Bà Rịa, xây dựng đoàn 1500, tổ chức đưa một nhóm thủy thủ người xã Phước Hải (huyện Đất Đỏ tỉnh Bà Rịa) dùng tàu vượt biển ra Bắc và được biên chế vào đoàn tàu không số (Lữ 125 Hải quân). Từ tháng 10/1963 đến tháng 2/1965, tại bến cảng Lộc An đã tiếp nhận 03 chuyến tàu cập bến mang 165 tấn vũ khí của hậu phương miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Đông lập nhiều chiến công, trong đó có trận tiến công bằng pháo binh (Đoàn U80)[11] vào sân bay chiến lược Biên Hòa đêm 31-10-1964 thắng lợi vang dội nổi tiếng, được Bác Hồ khen ngợi với 4 câu thơ:
“Uy danh lừng lẫy khắp năm châu,
Đạn cối tuôn cho Mỹ bể đầu,
Thành đồng trống thắng lay Lầu trắng,
Điện Biên, Mỹ chẳng phải chờ lâu!”[12].
Trong chiến dịch Bình Giã (1964-1965), Khu ủy miền Đông chỉ đạo các lực lượng vũ trang Quân khu cùng các địa phương Biên Hòa, Bà Rịa đã góp sức nghi binh thu hút địch để Trung đoàn chủ lực Q761 và Q762 giành thắng lợi to lớn tiêu diệt nhiều sinh lực địch, góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ làm chùn bước bọn ngụy quân, ngụy quyền ở Miền Đông và Nam bộ.
Năm năm lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng miền Đông Nam bộ với vai trò Bí thư Liên Tỉnh ủy đến Bí thư Khu ủy, với tầm nhìn sâu rộng, nhạy bén, đồng chí Mai Chí Thọ đã cùng với tập thể Khu Ủy vừa tổ chức củng cố khôi phục hoạt động các tổ chức Đảng, xây dựng lực lượng vũ trang, bố trí đội ngũ cán bộ chính trị, quân sự, binh vận, hậu cần… lãnh đạo quân dân Miền Đông vận dụng sáng tạo, linh hoạt, nhạy bén các chủ trương của Trung ương Đảng, Trung ương Cục Miền Nam, với tinh thần chủ động, ý chí tiến công cách mạng, với những phương thức chiến tranh, nghệ thuật quân sự phù hợp đặc điểm tình hình địa phương lập nên những chiến công lớn, xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo nguồn lực tại chỗ và tiếp nhận nguồn lực chi viện của Trung ương, làm thất bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ở Miền Nam.
Từ năm 1965 đến năm 1975, đồng chí là Ủy viên Thường vụ, Phó Bí thư, Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, Chính ủy Quân khu Sài Gòn - Gia Định và sau đó giữ nhiều trọng trách mà Đảng, Nhà nước giao cho.
***
3. Hoàn thành nhiệm vụ cao cả mà Đảng, nhân dân trao cho, về với cuộc sống đời thường, đồng chí Mai Chí Thọ vẫn luôn quan tâm đến chiến trường miền Đông trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo tồn di sản quý báu của dân tộc, Kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Chiến khu Đ (2/1946 – tháng 2/2001), nơi gắn bó với mình trong hơn 5 năm lãnh đạo phong trào cách mạng, đồng chí Mai Chí Thọ đã trở về Chiến khu Đ (Mã Đà, Đồng Nai) thắp lên ngọn đuốc truyền thống trong lễ khánh thành công trình trùng tu tôn tạo di tích Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ. Đặc biệt, trải qua nhiều năm tháng cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng, khi đã nghỉ hưu, “Miền Đông gian lao mà anh dũng” luôn gắn bó nghĩa tình với Bác Năm Xuân, Bác Tám Cao, Bác Mai Chí Thọ. Với tình cảm sâu sắc, bác Tám Cao đã trực tiếp cố vấn chỉ đạo biên soạn “lịch sử Đảng Bộ Miền Đông Nam Bộ” trong hai cuộc kháng chiến và chỉ đạo, xây dựng khôi phục di tích lịch sử căn cứ Khu ủy Miền Đông thời kỳ 1960 - 1965 tại Suối Linh, Mã Đà – Chiến Khu Đ, dành thời gian thăm viếng đồng chí, đồng bào các dân tộc đã từng đồng cam, cộng khổ với bác Tám ở Chiến khu Đ.
***
Suốt cuộc đời “tận trung với nước, tận hiếu với dân”, đồng chí Mai Chí Thọ luôn gần gũi với dân, quan tâm cuộc sống người dân. Làm cố vấn cho công tác xóa đói giảm nghèo của TPHCM, lời đồng chí thật sinh động, quyết liệt và giản đơn: “Cái quyết định là phát triển kinh tế giàu mạnh và công bằng xã hội. Chúng ta làm kinh tế thị trường, còn phải mở rộng nữa, chứ mở thế này vẫn chưa đủ. Nhưng phải có cái để đối trọng với mặt trái của nó là kinh tế thị trường. Không thể chấp nhận đất nước đổi mới mà người thiệt nhất lại là những người dân nghèo. Làm như vậy thì còn gì là xã hội chủ nghĩa”.
Đồng chí rất nhiệt thành với việc xóa đói, giảm nghèo, phong trào toàn Đảng, toàn dân làm khá tốt, thế giới phải khen ngợi, nhưng đồng chí vẫn sốt ruột: “Phải lãnh đạo tập trung, từ trái tim, sức lực đến cả thể xác, linh hồn. Cán bộ đảng viên phải tham gia phong trào này. Bên cạnh việc khuyến khích làm giàu phải tập trung xóa đói giảm nghèo. Phải biến thành mê say như ngày xưa đi đánh giặc, lý tưởng thuần nhất một lòng...”[13].
Mai Chí Thọ, từ thanh niên yêu nước, đấu tranh cách mạng, đến người lãnh đạo thân dân, với tấm lòng nhân ái, trung thực, sâu đậm tình nghĩa thủy chung với đồng chí, đồng đội, mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ sau trong sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thân yêu.
Lê Hoàng Quân
(Nguyên ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TPHCM)
_________________________
[1] Sinh ngày 15-7-1922, mất ngày 28-5-2007 tại Hà Nội
[2] Các chức vụ đồng chí đã kinh qua: Từ năm 1945 đến năm 1948, Bí thư Thanh niên Cứu quốc, sau đó là Trưởng Ty Công an, Phó Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ. Từ năm 1948 đến năm 1949, Trưởng Ty Công an, sau đó là Phó Bí thư, rồi Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho. Từ năm 1950 đến năm 1952, Phó Giám đốc Sở Công An Nam Bộ, Phó Bí thư, Bí thư liên chi chính quyền Nam Bộ. Từ năm 1952 đến năm 1954, là Phó Giám đốc Sở Công An Nam Bộ, phụ trách Công an miền Đông Nam Bộ.
[3] Chỉ thị về Tình hình và nhiệm vụ công tác mới của cách mạng miền Nam. Lịch sử biên niên Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục Miền Nam 1954-1975. NXB Chính trị Quốc gia. Hà Nội 2002. Tr 36.
[4] Ngày 13/9/1982, chính phủ Hoa Kỳ đã làm lễ khánh thành Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam, hay Bức tường Chiến tranh Việt Nam (tiếng Anh: Vietnam Veterans Memorial) ở thủ đô Washington, với hình thức một bức tường dài, hình chữ V, bằng đá đen, khắc tên của hơn 58.000 chiến binh Mỹ đã thiệt mạng hoặc mất tích khi tham gia trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
[5] Ngày 23/1/1961, Bộ chính trị quyết định thành lập Trung ương cục Miền Nam thay cho xứ ủy Nam Bộ tại Chiến Khu Đ. Đồng chí Nguyễn Văn Linh làm bí thư Trung ương cục.
[6] Tháng 7/1960, giải thể Liên tỉnh Ủy Miền Đông thành lập Khu ủy và Quân khu Miền Đông (Quân Khu 7) tại Chiến Khu Đ (Quân Khu 7, mật danh T1 gồm các tỉnh Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Bà Rịa. Đặc Khu Sài Gòn – Gia Định mật danh T4).
[7] Đoàn thứ nhất do Lâm Quốc Đăng chỉ huy gồm hai đội vũ trang tuyên truyền mang theo điện đài (một của Xứ ủy, một của tỉnh Phước Long), chia làm hai mũi: Một mũi theo hướng Bắc từ Mã Đà lên Phước Sang, vượt lộ 14 lên Phú Riềng theo nguồn Sông Bé lên Đa Kia, Bù Đốp. Mũi thứ hai mở đường lên sóc Bom Bo qua Bù Gia Mập, Bù Gia Phúc lên Bù Đăng.
Đoàn thứ hai ở hướng Đông Bắc do đồng chí Nguyễn Hồng Sơn đại đội trưởng, Nguyễn Trọng Tâm chính trị viên chỉ huy, với tổ điện đài do đồng chí Giang Thanh Trà phụ trách từ Suối Nhung đi cặp sông Đồng Nai thượng lên Bù Ta Go ra hướng Lâm Đồng.
[8] Ngày 30/10/1960 đoàn xoi đường của miền Đông do Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Trọng Tâm chỉ huy đã gặp được đoàn từ Trung ương vào tại vàm suối Đạt Rờ Ti, nam Gia Nghĩa. Ở hướng Bắc, đoàn do đồng chí Lâm Quốc Đăng chỉ huy, đến ngày 4-11-1960 cũng bắt được liên lạc với đoàn Trung ương tại km 5 trên lộ 14B ở địa điểm Bù Sa Driel.
[9] Lực lượng tham gia trận đánh gồm:3 Đại đội Bộ binh (50, 60, 70), Đại đội Đặc công 80 thuộc Ban quân sự Miền Đông Nam Bộ và một số đơn vị vũ trang tỉnh Tây Ninh, quân số khoảng 300 đồng chí, kết hợp với lực lượng nội ứng (nội tuyến) do tỉnh Tây Ninh xây dựng trong Tua Hai và 300 dân công phục vụ chiến đấu.
[10] Bắt sống Thiếu tá Nguyễn Minh Mẫn – tiểu khu trưởng tiểu khu Phước Thành.
[11] Đoàn U80 được mang tên Đoàn pháo Binh Biên Hòa
[12] Bác Hồ viết trên báo Nhân dân ngày 12-11-1964 với bút danh Chiến sĩ.
[13] Nguyễn Thị Ngọc Hải. Đại tướng Mai Chí Thọ và những điều chưa viết trong hồi ký. Công an Nhân dân ngày 9-5-2005.