Tập thể 3 chi bộ tổ chức hành trình về nguồn tại Di tích lịch sử Căn cứ Vùng bưng 6 xã, TP Thủ Đức (Thanhuytphcm.vn) - Ngày 26/6, Chi bộ Phòng Bảo hộ lao động và Môi trường đã phối hợp với Chi bộ Phòng Vật tư - Xuất nhập khẩu và Chi bộ Ban Kiểm toán Nội bộ Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn TNHH MTV tổ chức Hành trình về nguồn tại các Di tích lịch sử Căn cứ Vùng bưng 6 xã và Di tích lịch sử Đền Bến Nọc, TP Thủ Đức.
Theo kế hoạch, đoàn hành trình về nguồn 3 chi bộ đã tổ chức dâng hương tại các khu di tích và nghe thuyết minh về lịch sử các di tích lịch sử Căn cứ Vùng bưng 6 xã và Di tích lịch sử Đền Bến Nọc.
Được biết, Vùng bưng 6 xã, TP Thủ Đức là vùng đất ven Thành phố Sài Gòn, có hệ thống giao thông đường thủy và đường bộ quan trọng, kết nối Thành phố Sài Gòn với Thủ Đức và các vùng xung quanh. Nơi đây có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự, xây dựng căn cứ địa cách mạng tại vùng bưng sẽ nối liền với căn cứ địa của các huyện vùng ven Thành phố Sài Gòn, từ các nơi này lực lượng ta có thể bất ngờ tiến công vào trung tâm đầu não của quân đội thực dân và đế quốc. Căn cứ Vùng bưng 6 xã là địa bàn cơ động chiến lược vô cùng quan trọng của các lực lượng vũ trang từ xã, huyện đến tỉnh, quân khu và miền để uy hiếp và đánh vào cơ quan đầu não địch một cách táo bạo nhất, bất ngờ nhất, trong thời gian nhanh nhất, với khoảng cách ngắn nhất, đặc biệt là nơi xuất phát của lực lượng vũ trang tiến công vào Thành phố Sài Gòn trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 và đại thắng mùa xuân 1975.
Di tích đền Bến Nọc tọa lạc tại đường Lê Văn Việt, phường Tăng Nhơn Phú A, Quận 9, TPHCM (nay là TP Thủ Đức). Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng bào, chiến sĩ Nam bộ nói chung và TPHCM nói riêng đã chịu nhiều nỗi đau mất mát lớn. Trong đó có sự kiện trên 700 chiến sĩ, đồng bào cách mạng đã bị giặc Pháp sát hại vào năm 1946 - 1947 rồi ném xác xuống cầu Bến Nọc ở TPHCM. Năm 2009, Nhà nước đã cho xây dựng đền tưởng niệm Bến Nọc để ghi nhớ nỗi đau này và cũng để vinh danh sự hy sinh cao cả của những người nằm xuống.
Đồng chí Đào Công Năm, Bí thư chi bộ, Trưởng Ban Kiểm toán nội bộ Tổng Công ty nhận định: “Thông qua hoạt động sinh hoạt về nguồn là dịp giúp cho các đảng viên từng chi bộ nâng cao nhận thức, bồi đắp lý tưởng cách mạng, kiến thức thực tiễn, qua đó củng cố và hun đúc thêm lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố và Tổng Công ty vào cuộc sống. Đồng thời, hoạt động cũng kết hợp với tổ chức lồng ghép các nội dung tuyên truyền, sinh hoạt chuyên đề về “Xây dựng tinh thần đoàn kết tại Chi bộ, nhằm xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Hoạt động sinh hoạt về nguồn là một trong những giải pháp đổi mới thiết thực trong các hình thức sinh hoạt chi bộ định kỳ và là việc làm thường xuyên của các chi đảng bộ tại Tổng Công ty, thu hút được sự tham gia tích cực của các cán bộ, đảng viên, người lao động trong hệ thống CNS”.