Các gương điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu cấp Thành phố năm 2024 dâng hương tại mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Thanhuytphcm.vn) – Từ ngày 12 đến ngày 15/11, Ban Dân vận Thành ủy TPHCM tổ chức Chương trình “Đoàn cán bộ dân vận tiêu biểu TPHCM về nguồn” và Chương trình “Dân vận khéo - Kết nối biên cương” tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.
Đoàn do đồng chí Nguyễn Thị Bạch Mai, Thành ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy TPHCM làm trưởng đoàn. Tham gia chương trình có đại diện lãnh đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc Thành ủy, lãnh đạo Ban Dân vận các quận ủy, huyện ủy, Thành ủy Thủ Đức; Ban Dân vận Khối Dân - Chính - Đảng TPHCM và 83 gương điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu cấp Thành phố năm 2024.
Đồng chí Nguyễn Thị Bạch Mai cùng các đại biểu dâng hương tại mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sáng 12/11, đoàn cán bộ dân vận tiêu biểu TPHCM đến mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa – Đảo Yến dâng hương tưởng niệm, bày tỏ lòng biết ơn, tri ân đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đại tướng là Tổng Tư lệnh chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu; là một trong 10 vị tướng kiệt xuất của thế giới, người anh hùng vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Thị Bạch Mai dâng hương tưởng niệm những chiến sĩ thanh niên xung phong tại Di tích lịch sử cấp Quốc gia hang Tám Cô *Sáng cùng ngày, đoàn cán bộ dân vận tiêu biểu TPHCM đến hang Tám Cô - Di tích lịch sử ghi dấu sự hy sinh anh dũng của 8 thanh niên xung phong trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1986, hang Tám Cô được Bộ Văn hóa – Thông tin – Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Hang Tám Cô cách Thành phố Đồng Hới khoảng 70km về phía Tây Bắc, tại Km 16, đường 20 Quyết Thắng, tỉnh 562, xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Đoàn cán bộ dân vận tiêu biểu TPHCM chụp ảnh lưu niệm tại khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp Tìm hiểu câu chuyện về hang Tám Cô, các đại biểu lắng lòng bởi sự hy sinh anh dũng của những chiến sĩ thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 8. Họ là những nam thanh, nữ tú gồm 4 nam, 4 nữ quê ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Người lớn tuổi nhất khi đó 37 tuổi, 7 người còn lại tuổi từ 18 đến 20, cùng hiến dâng tuổi xuân để xung phong lên đường góp phần giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc. Các anh, chị đảm nhận công việc xẻ núi, lấp bom, mở đường cho xe ra tiền tuyến trên trọng điểm Km16, đường 20 Quyết Thắng, nay thuộc xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Đoàn cán bộ dân vận tiêu biểu TPHCM chụp ảnh lưu niệm tại Di tích lịch sử cấp Quốc gia hang Tám Cô, bên cạnh là Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đường 20 – Quyết Thắng. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng tên tuổi của các thanh niên xung phong trở thành huyền thoại trên cung đường 20 Quyết Thắng. Để tưởng niệm sự ra đi của 8 thanh niên xung phong di tích hang Tám Cô nay đã được chính quyền địa phương tôn tạo. Cửa hang đá được phục dựng, cạnh đó là Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đường 20 – Quyết Thắng.