Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Đề xuất kịch bản tăng trưởng năm 2023 khoảng 6,5%

Họp báo Chính phủ chiều 1/10

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 1/10, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, cung cấp thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng của năm 2022 và giải đáp, làm rõ các vấn đề dư luận xã hội và báo chí quan tâm. Cuộc họp báo diễn ra sau khi Chính phủ họp thường kỳ tháng 9/2022 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Tại họp báo, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an đã thông tin về tiến độ điều tra các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng như vụ Việt Á, các chuyến bay giải cứu, vụ án tại Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế AIC…

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, hiện Bộ Công an đang quyết liệt, tập trung lực lượng điều tra theo đúng tiến độ, theo phương châm thượng tôn pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan cho người vô tội, xử lý một vụ để cảnh tỉnh một vùng, lĩnh vực, làm không ngừng nghỉ, làm rõ đến đâu xử lý đến đó. Đến nay vụ Việt Á đã khởi tố, áp dụng biện pháp ngăn chặn 28 bị can, vụ án “chuyến bay giải cứu” là 21 bị can; vụ Tân Hoàng Minh là 7 bị can. Bộ Công an sẽ tiếp tục mở rộng điều tra trong thời gian tới.

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, đây là các vụ án kinh tế, nên trong quá trình tố tụng, Bộ Công an rất chú trọng điều tra xác minh, làm rõ nguồn tài chính, nguồn tiền đi, đến, các tài sản của các đối tượng để khi khởi tố vụ án, bị can, số tài sản, nguồn tiền được phong tỏa, kê biên, bảo đảm thu hồi tiền cho người dân và nhà nước. Đơn cử trong vụ Tân Hoàng Minh, số tài sản được kê biên phong tỏa là 4.000 tỷ đồng; vụ việc ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tài sản thiệt hại 150 tỷ đồng, nhưng số tài sản các đối tượng bị kê biên lên tới 1.150 tỷ đồng, tài sản nhà nước được bảo đảm. Đó là điểm mới trong các vụ án kinh tế, làm sao kiểm soát nguồn tiền, tài sản của các bị can bảo đảm người bị hại, người dân, nhà nước không bị ảnh hưởng, thiệt hại.

Tại họp báo, báo chí nêu vấn đề về cán bộ công chức nghỉ việc có biểu hiện gia tăng thời gian qua, nhất là ngành y tế. Ngành y tế có gần 10.000 nhân viên y tế bỏ việc, thôi việc, chuyển việc ra làm ở y tế tư nhân trong khoảng 1,5 năm qua.

Trả lời về điều này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, do đại dịch Covid-19 diễn ra trong mấy năm qua, người dân gặp nhiều khó khăn. Trong đó có nhân viên ngành y tế chịu sức ép lớn về công việc, nhiều người bỏ việc. Trước tình hình đó, Bộ Nội vụ có báo cáo Thủ tướng có văn bản gửi các bộ, ngành địa phương đề nghị các đơn vị báo cáo lại số liệu trong 2,5 năm từ năm 2020 đến 6/2022. Thời điểm này, Bộ Nội vụ nhận được được báo cáo của 28 cơ quan Trung ương, 63 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương.

Kết quả là trong 2,5 năm, có 39.552 công chức, viên chức nghỉ việc, chiếm 2% tổng số biên chế được giao. Tính bình quân 1 năm có khoảng 15.820 người nghỉ việc. Tỷ lệ nghỉ việc so với tổng biên chế được giao là 0,8%, trong đó ở Trung ương chiếm 18%, địa phương là 82%. Trong 39.552 công chức, viên chức nghỉ việc có hơn 4.000 công chức, hơn 35.000 viên chức. Số nghỉ việc trong ngành giáo dục hơn 16.400 người, ngành y tế là 12.198 người… Ngoài y tế còn có giáo dục cũng có tỷ lệ nghỉ việc nhiều do áp lực, thu nhập, có thể phân thành các nguyên nhân có khách quan, chủ quan.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, về khách quan, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói, trước hết là bối cảnh kinh tế thị trường, trong đó thị trường lao động có sự liên thông giữa khu vực công và tư. Nền kinh tế nhiều thành phần cả khu vực công và tư đều có sự tương tác, cạnh tranh. Tình trạng này cũng khiến chúng ta phải đánh giá lại chính sách lao động của khu vực công và tư hiện nay; chính sách xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập.

Về chủ quan, chế độ, chính sách tiền lương hiện còn nhiều khó khăn trong khu vực công để công chức, viên chức bảo đảm cuộc sống. Về điều này, Bộ Nội vụ sẽ cùng Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và các cơ quan liên quan báo cáo Chính phủ trình Bộ Chính trị về chính sách tiền lương cho phù hợp. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho rằng, do công tác quy hoạch cán bộ, trọng dụng người tài ở khu vực công còn hạn chế, trong khi khu vực tư thu hút tốt hơn. Ngoài ra, quá trình tinh giản biên chế khiến một số đơn vị, cơ quan tăng sức ép công việc. Môi trường, điều kiện làm việc ở khu vực công chưa thực sự hấp dẫn để cán bộ, công chức, viên chức cống hiến… Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân xuất phát từ việc nhiều cán bộ, công chức, viên chức muốn thử sức mình ở môi trường làm việc mới, ở khu vực tư nhân.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng lãi suất điều hành lên 1%, nhiều ngân hàng thương mại đã đồng loạt tăng lãi suất huy động, nhiều người đang lo điều này đồng nghĩa với việc lãi suất cho vay sẽ tăng. Tại họp báo Chính phủ, Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn cho biết, trong 8 tháng năm 2022, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành. Đến tháng 9, lần điều chỉnh gần đây nhất của Ngân hàng dự trữ Liên bang Mỹ (FED), NHNN có tăng một số mức lãi suất trần tiền gửi cho các ngân hàng thương mại. Mục tiêu nhằm ưu tiên cho kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm duy trì lãi suất thực dương cho lãi suất tiền gửi để hài hòa lợi ích của các bên tham gia trên thị trường tiền tệ. Đồng thời, tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng có thể tiếp tục duy trì thu hút tiền gửi và có nguồn tài chính cho vay, hỗ trợ cho nền kinh tế trong thời gian tới.

Trong số trần lãi suất điều chỉnh tăng thì NHNN tăng lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi, đồng thời giữ nguyên trần lãi suất cho vay. Điều này thể hiện việc điều hành của NHNN đã hướng đến các mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất cho vay. Đồng thời NHNN cũng vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát để tiết giảm các chi phí hoạt động, giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong thời gian tới.

Cũng tại họp báo, nói về kịch bản tăng trưởng GDP năm 2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, năm 2022, dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP cả năm khoảng 8%. Về triển vọng kinh tế 2023, qua nhận định bối cảnh tình hình 2023 vẫn là khó khăn, thách thức, thuận lợi đan xen, nhưng khó khăn thì nhiều hơn và thậm chí còn khó hơn. Do đó, Bộ Kế hoạch - Đầu tư báo cáo với Chính phủ lựa chọn một kịch bản tăng trưởng năm 2023 khoảng 6,5%…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo