Thứ Sáu, ngày 1 tháng 11 năm 2024

Đề nghị bổ sung thêm đối tượng được ngân sách đóng bảo hiểm y tế

ĐB Trần Khánh Thu (Thái Bình)

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 31/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Các đại biểu (ĐB) đánh giá, dự thảo luật được tiếp thu, sửa đổi theo hướng có lợi cho người dân như mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách được Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ; tạo thuận lợi hơn cho người dân…

Thảo luận về dự án luật, ĐB Trần Chí Cường (Đà Nẵng) và một số ĐB cho rằng, cần nghiên cứu, bổ sung thêm một khoản quy định về nội dung thanh toán cho bệnh nhân BHYT phải mua thuốc và vật tư y tế bên ngoài, khi cơ sở khám, chữa bệnh không có thuốc và vật tư y tế để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân.

Dù dự thảo luật lần này cũng đã bổ sung nhiều quy định tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh khi đi khám, chữa bệnh BHYT, đặc biệt là chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT, giảm bớt thủ tục hành chính và tăng cường tiếp cận dịch vụ. Nhưng, theo ĐB Trần Chí Cường, vẫn cần quy định cụ thể lộ trình liên thông và công nhận kết quả cận lâm sàng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chậm nhất trước ngày 1/1/2026. Điều này sẽ góp phần tiết kiệm cho quỹ BHYT và ngân sách tài chính của các gia đình có người thân đi khám, chữa bệnh.

ĐB Trần Khánh Thu (Thái Bình) đề nghị giữ nguyên phạm vi hưởng như lộ trình thông tuyến khám chữa bệnh BHYT hiện nay nhưng điều chỉnh bổ sung quy định giao Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành định nghĩa bệnh hiếm và danh mục bệnh hiểm nghèo, bệnh hiếm được sử dụng giấy chuyển tuyến 1 lần dùng trọn quá trình điều trị chứ không phải có thời hạn trong năm tài chính như hiện nay.

Cùng với đó, tiếp tục tăng cường củng cố năng lực cho hệ thống y tế cơ sở, để có thể thực hiện cấp thuốc điều trị ngoại trú cho một số bệnh mãn tính đồng nhất trên các cấp chuyên môn các cơ sở y tế; tăng cường các quy định giải quyết triệt để các bức xúc trong quá trình cấp giấy chuyển tuyến.

ĐB Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) đề nghị cần bổ sung thêm quy định về liên thông kết quả cận lâm sàng giữa các cơ sở khám chữa bệnh thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật và quy định rõ thời điểm thực hiện liên thông toàn quốc để công nhận kết quả cận lâm sàng của các cơ sở khám bệnh. Nếu ngành y tế thực hiện được việc liên thông được kết quả xét nghiệm thì sẽ tiết kiệm được hàng ngàn tỷ đồng cho quỹ BHYT; giảm gánh nặng cho việc chi trả dịch vụ y tế của toàn xã hội, trong đó có hàng triệu người dân là bệnh nhân nghèo, cận nghèo và người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

“Mong Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền sẽ có quyết sách kịp thời thể hiện rõ về lộ trình thực hiện liên thông kết quả cận lâm sàng trong dự thảo luật để mọi người dân đều có cơ hội thụ hưởng thành quả của chính sách về y tế”, ĐB Trần Thị Hoa Ry nêu. Đây cũng là ý kiến của ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) và một số ĐB khác.

ĐB Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) cho biết, hiện nay Quỹ BHYT chưa thanh toán cho các dịch vụ có tính chất dự phòng, sàng lọc. Các bệnh như ung thư, tăng huyết áp, đái tháo đường đang chiếm tỷ lệ lớn trong chi phí điều trị. Việc sàng lọc các bệnh này chưa được BHYT chi trả gây lãng phí tiềm năng phòng ngừa bệnh tật của hệ thống y tế. ĐB kiến nghị bổ sung phạm vi thanh toán BHYT cho danh mục dự phòng sàng lọc định kỳ; Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể danh mục bệnh, tần suất, khung giá các dịch vụ này.

Thảo luận về dự thảo luật, các ĐB tranh luận sôi nổi về vấn đề bổ sung đối tượng là thân nhân của dân quân thường trực được Nhà nước mua BHYT. ĐB Phan Văn Xựng (TPHCM) đề nghị bổ sung quy định về BHYT cho thân nhân của dân quân thường trực, vì đây là lực lượng thường trực làm nhiệm vụ tại các địa bàn trọng điểm về quốc phòng, trực tiếp tham gia chống khủng bố, giải thoát con tin, trấn áp tội phạm, giải tán biểu tình, bạo loạn, phòng chống dịch bệnh nguy hiểm ở các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, cứu hộ, cứu nạn, chữa cháy, khắc phục sự cố, thảm họa ở các khu vực nguy hiểm đến tính mạng. Đây cũng là ý kiến của ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương), ĐB Tô Ái Vang (Sóc Trăng), ĐB Nguyễn Thị Việt (Hải Dương)… Tuy nhiên, cũng có ý kiến ngược lại, cho rằng không hợp lý.

Một số ĐB cũng đề nghị bổ sung thêm đối tượng được ngân sách đóng BHYT như người cao tuổi; người dân đang sinh sống tại các xã an toàn khu; hộ gia đình ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; các hộ thoát nghèo; đối tượng cựu thanh niên xung phong tham gia khắc phục chiến tranh xây dựng kinh tế sau năm 1975… ĐB Tráng A Dương (Hà Giang) đề nghị cần có đánh giá tác động kỹ hơn với một số chính sách lớn đưa ra như cần đánh giá tác động đến đến khả năng cân đối quỹ BHYT, mở rộng đối tượng tham gia; mở rộng phạm vi được hưởng cho người khám, chữa bệnh, sử dụng BHYTvà tỷ lệ được hưởng đối với một số đối tượng để đảm bảo tính thuyết phục hơn.

Việc dự thảo luật mở cho các em học sinh, sinh viên được đóng theo nhóm đối tượng hộ gia đình hoặc đóng tại nhà trường cũng được nhiều ĐB quan tâm. ĐB Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) đề nghị cân nhắc giữ theo quy định hiện hành, tức là đóng tại trường, đồng thời kiến nghị Nhà nước tiếp tục tăng mức hỗ trợ ngân sách nhà nước tối thiểu là 50% cho các học sinh, sinh viên tham gia BHYT. ĐB Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) cũng đề nghị tăng hỗ trợ mức đóng BHYT lên 50% cho học sinh, sinh viên và đóng theo cơ sở giáo dục đào tạo mà không để tự lựa chọn hình thức đóng, như vậy sẽ kéo theo 2,8% số học sinh, sinh viên còn lại chưa tham gia sẽ tham gia BHYT.

ĐB Phan Văn Xựng (TPHCM) ĐB Phan Văn Xựng (TPHCM)

Trong khi đó, ĐB Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) đề nghị có thể có phương án để học sinh được tham gia BHYT hộ gia đình, trong đó vừa được nhà nước hỗ trợ đóng và được giảm trừ mức đóng theo thứ tự.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình cho biết, mục tiêu của chúng ta là đến năm 2030, 95% người dân được tham gia BHYT; nâng cao chất lượng công tác khám bệnh, chữa bệnh cho người dân. Về điều kiện chuyển người bệnh, đây là một nội dung mới, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, sửa đổi để đảm bảo thuận lợi nhất cho người dân, đảm bảo sự ổn định, vững chắc của hệ thống y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở. Vấn đề này đã được cân nhắc để vừa đáp ứng được mục tiêu phục vụ cho người bệnh nhưng cũng đảm bảo được hệ thống cân đối.

Về liên thông kết quả xét nghiệm, Bộ trưởng cho biết, để đảm bảo thực hiện được nội dung này cũng có rất nhiều các giải pháp đồng bộ để có cơ sở hạ tầng động bộ mới đáp ứng yêu cầu liên thông.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo