Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà lưu niệm cho Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, ngày 21/7/2021. (Ảnh: TTXVN) (Stxdd.thanhuytphcm.vn) Trong cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam, đế quốc Mỹ đã sử dụng thuốc diệt cỏ (chất khai quang) để kiểm soát, ngăn chặn hoạt động của lực lượng kháng chiến, chủ yếu bằng cách tiêu diệt các cánh rừng để bộ đội, du kích và cán bộ cách mạng không còn chỗ trú ẩn, lộ ra các con đường vận tải, các căn cứ quân sự của ta, phá hủy mùa màng, làm cho ta không có lương thực dự trữ… Ngày 10/8/1961 là ngày đầu tiên Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh hóa học ở Việt Nam.
Trong khoảng 10 năm (1961 - 1971), Mỹ đã sử dụng 44 triệu lít chất độc màu da cam (trong số từ 76 đến 80 triệu lít chất diệt cỏ đã được rải ở miền Nam Việt Nam) xuống khoảng 1/4 diện tích toàn miền Nam Việt Nam, tập trung ở các khu vực như Bến Tre, Cần Thơ, Mỹ Tho, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Đà... và nhiều vùng ở Tây Nguyên. Thành phần chất độc da cam có chứa chất dioxin, là một chất độc cực mạnh, khó phân hủy, có thể tồn tại rất lâu trong môi trường, làm cho đất và nước bị ô nhiễm nặng, cây cối bị hủy diệt. Chất độc dioxin không chỉ gieo rắc cái chết mà còn để lại những di chứng cho nhiều thế hệ sau của người bị nhiễm.
Nước ta có khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm và hơn 3 triệu người là nạn nhân của chất độc da cam/dioxin. Đến nay, hậu quả của chất độc này vẫn còn rất nặng nề; nhiều nơi các hệ sinh thái và môi trường bị hủy hoại; hàng trăm ngàn nạn nhân đã bị chết và hàng trăm ngàn người khác đang chống chọi với bệnh tật hiểm nghèo. Chất độc da cam/dioxin có thể gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên tất cả các bộ máy sinh lý của cơ thể; gây ung thư da, gan, tuyến giáp, đái tháo đường, nội tiết, thần kinh, gây đột biến gen và nhiễm sắc thể, từ đó gây nên các dị tật bẩm sinh, các tai biến sinh sản. Các bệnh phổ biến ở con, cháu nạn nhân là dị dạng, dị tật hoặc tâm thần phân liệt… Hiện di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4.
Ngày 10/1/2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam chính thức ra mắt hoạt động. Hội đã triển khai nhiều hoạt động phối hợp có hiệu quả như chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam, góp phần xoa dịu nỗi đau với những gia đình có nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin.
Ngày 10/8/2009, Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam được tổ chức lần đầu tiên, nhằm lên tiếng đòi công lý cho những nạn trong cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam và kêu gọi cộng đồng xã hội trong nước cũng như quốc tế chăm sóc, giảm một phần nỗi đau cho các nạn nhân.
Ngày 14/5/2015, Ban Bí thư (khóa XI) ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Chỉ thị nêu rõ: “Công tác khắc phục hậu quả chất độc da cam do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người là vấn đề cấp bách và lâu dài, là trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị…”.
Trong nhiều năm qua, Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam được các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân chung tay chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Bằng nhiều cách thức, sự chia sẻ, giúp đỡ những nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin đã góp phần giúp họ vơi bớt mặc cảm và những khó khăn trong cuộc sống. Điều đáng khích lệ và có ý nghĩa xã hội, ý nghĩa nhân văn sâu sắc là chính những người là nạn nhân chất độc da cam/dioxin sau khi được giúp đỡ đã tình nguyện trở thành người hỗ trợ tích cực cho các nạn nhân khác, không chỉ trong việc chia sẻ, động viên về mặt tinh thần mà còn có sự hỗ trợ về kinh nghiệm, kỹ năng làm việc, cách thức thích nghi cuộc sống, bằng chính sự thấu cảm của mình.
Nhân Ngày vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin năm nay, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có thư gửi thăm hỏi các nạn nhân và gia đình các nạn nhân chất độc da cam/dioxin cả nước. Trong thư, Chủ tịch nước viết: "Tôi đặc biệt biểu dương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã không ngừng nỗ lực, kiên trì, hoạt động hiệu quả, thực sự là nòng cốt trong công cuộc khắc phục hậu quả thảm họa da cam/dioxin, đại diện đấu tranh đòi công lý, công bằng cho các nạn nhân. Tôi cảm phục và biểu dương các nạn nhân và gia đình các nạn nhân da cam/dioxin đã nỗ lực vượt qua di chứng, bệnh tật, hòa nhập vững vàng vào cuộc sống". Chủ tịch nước cũng đề nghị: "Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các cơ quan tổ chức, cá nhân đồng bào ta ở trong và ngoài nước tiếp tục phát huy truyền thống "tương thân tương ái" tốt đẹp của dân tộc. Giúp đỡ và ủng hộ nhiều hơn nữa vào công cuộc khắc phục hậu quả của thảm họa da cam/dioxin, chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Nhất là trong giai đoạn cả nước đang nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức đẩy lùi đại dịch Covid-19".
Các đại biểu tham quan triển lãm "Thảm họa da cam/dioxin - 60 năm nhìn lại", ngày 13/7/2021 (Ảnh: QDND.vn) Cũng trong dịp kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam/dioxin (10/8/1961 – 10/8/2021), Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam phối hợp với Trung tâm Quốc tế Đào tạo và Nghiên cứu toán học, Viện Toán học và Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup tổ chức triển lãm “Thảm họa da cam/dioxin - 60 năm nhìn lại” tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam và triển lãm online trên website trienlamdacam.vn (kéo dài tới ngày 31/12). Triển lãm trưng bày, trình chiếu khoảng 150 hình ảnh, video, hiện vật với các chủ đề: Thảm họa và nỗi đau da cam, Khắc phục hậu quả da cam/dioxin, Vòng tay nhân ái và Hành trình đòi công lý, Hợp tác quốc tế trong khắc phục hậu quả chất độc hóa học, Vượt khó vươn lên.
Tại TPHCM, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ IV (nhiệm kỳ 2019 - 2024) vào tháng 10-2019. Hiện toàn thành phố có hơn 5.000 hội viên thuộc 15 quận huyện và 149 xã, phường, thị trấn có chi hội nạn nhân. Từ năm 2014 đến nay, Hội đã vận động được hơn 27 tỷ đồng, gồm tiền và hiện vật, để chăm lo và giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin thông qua các chương trình học bổng, trợ cấp khó khăn, chống dột/sửa chữa nhà, khám chữa bệnh, phẫu thuật miễn phí, cấp xe lăn, tặng quà nhân dịp lễ tết (cho hơn 3.500 nạn nhân/năm)…
Bên cạnh đó, Hội cũng đã vận động quốc tế hỗ trợ chăm sóc nạn nhân da cam/dioxin, đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân; tập hợp chữ ký của hội viên để ủng hộ bà Trần Tố Nga (quốc tịch Pháp, gốc Việt), nạn nhân chất độc da cam tiếp tục theo đuổi vụ kiện 26 công ty hóa chất Hoa Kỳ sản xuất chất độc da cam (cung cấp cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam) tại Tòa án nước Cộng hòa Pháp…
Trong dịp Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam cũng như mọi ngày trong năm, toàn xã hội vẫn tiếp tục sẻ chia, đồng hành, giúp đỡ họ để nạn nhân da cam/dionxin hòa nhập thuận lợi với cuộc sống, vượt qua bệnh tật để sống vui, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.