Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X sẽ diễn ra vào tháng 10/2024

Toàn cảnh hội nghị mặt trận ngày 11/6

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 11/6, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị góp ý kiến các tổ chức thành viên đối với dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, tính đến thời điểm này, có 10.596/10.597 đơn vị cấp xã thuộc 63/63 tỉnh, thành đã hoàn thành Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam cấp xã (đạt tỷ lệ 99,99%); có 374/704 (không tính huyện Hoàng Sa, Thành phố Đà Nẵng) đơn vị cấp huyện của 63/63 tỉnh, thành đã tổ chức Đại hội (đạt tỷ lệ 53,12%). Đại hội MTTQ Việt Nam cấp quận, huyện sẽ hoàn thành trong tháng 6/2024.

Đã có 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2024-2029, đến cuối tháng 8/2024 sẽ hoàn thành việc tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành. Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029 sẽ diễn ra vào tháng 10/2024.

Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029 có 5 điểm mới. Thứ nhất là tập trung vào những nét nổi bật trong quá trình thực hiện và bổ sung những kết quả thực hiện nhiệm vụ mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn: MTTQ Việt Nam tham gia phòng, chống đại dịch Covid-19; kết quả triển khai Đề án vận động hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (đây là nền tảng để Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phối hợp với MTTQ Việt Nam phát động phong trào thi đua cả nước chung tay “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong năm 2025); xây dựng, xuất bản cuốn sách “Phát huy truyền thống Đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Điểm mới tiếp theo là báo cáo đã bổ sung nhiều nhận định, đánh giá về chặng đường 40 năm đổi mới của MTTQ Việt Nam theo đường lối của Đảng. Trong đó, đã khái quát về quá trình đổi mới tư duy, thống nhất lý luận, nhận thức, chủ trương, quan điểm của Đảng, hoàn thiện pháp luật của Nhà nước về vị trí, vai trò, quyền, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam; đồng thời đánh giá khái quát những thành tựu căn bản, nổi bật của công tác Mặt trận, của việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước qua gần 40 năm đổi mới.

Cùng với đó, báo cáo cũng đề cập tới 3 khâu đột phá của cả nhiệm kỳ dựa trên yêu cầu công tác mặt trận trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh tới hoạt động giám sát, phản biện xã hội; tập trung triển khai hoàn thành mục tiêu Cuộc vận động cả nước chung tay “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong năm 2025 cùng với việc triển khai những hoạt động an sinh, xã hội chăm lo cho nhân dân; đồng thời tập trung xây dựng khu dân cư tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc…

Chương trình hành động nhiệm kỳ 2024-2029 của MTTQ sẽ bổ sung những nội dung, mục tiêu, giải pháp trong nhiệm kỳ mới và bổ sung chương trình hành động thứ 6 xây dựng khu dân cư tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc nhằm hiện thực hóa nội dung Nghị quyết số 43-NQ/TW và các văn bản liên quan. Mục tiêu xây dựng 6 chương trình hành động nhằm huy động sự vào cuộc của các tổ chức thành viên trong hiệp thương, phối hợp thống nhất hành động, lấy khu dân cư làm địa bàn quan trọng để tổ chức triển khai thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam phát động…

Dự thảo báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa IX tại Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029 nêu, mặc dù đất nước đạt được những thành tựu to lớn, nhưng nhân dân vẫn còn nhiều băn khoăn, lo lắng. Đời sống một bộ phận nhân dân, nhất là người lao động ở khu vực công, người dân ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai còn nhiều khó khăn. Việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên, khoáng sản còn lãng phí, xảy ra nhiều sai phạm; tình trạng khiếu nại, tố cáo còn nhiều bức xúc, kéo dài ở một số nơi. Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn và ùn tắc giao thông, cháy nổ, tội phạm và tệ nạn xã hội ngày càng diễn biến phức tạp.

Đáng chú ý, theo báo cáo, 4 nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn. Nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn. Tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ và những mâu thuẫn xã hội vẫn diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch tiếp tục chống phá Đảng, Nhà nước nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc và phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta…

Thảo luận tại hội nghị, nhiều ý kiến đề nghị trong bối cảnh hiện nay, cần đẩy mạnh tuyên truyền về phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, có sự vào cuộc của các cấp ủy, hệ thống chính trị và toàn dân. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, vì điều đó làm nên tiếng nói của mặt trận. Bên cạnh đó, trong chương trình hành động của nhiệm kỳ mới, MTTQ Việt Nam cần tăng cường tuyên truyền, vận động, mở rộng, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, quy tụ được những người thực sự có uy tín, tiêu biểu trên địa bàn khu dân cư tham gia vào công tác Mặt trận.

Ngoài ra, các ý kiến cũng cho rằng, cần làm rõ hiệu quả đổi mới phương thức hoạt động của mặt trận, đề cao tính hiệu quả, cần nâng cao chất lượng công tác tập hợp kiến nghị cử tri của nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Khi xuất hiện các vấn đề nổi cộm tại khu dân cư, Mặt trận phải phối hợp với chính quyền trực tiếp khảo sát, nắm bắt tình hình nhân dân liên quan đến các đối tượng, vụ việc cụ thể, chủ động sâu sát cơ sở hơn nữa…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo