Thứ Ba, ngày 17 tháng 9 năm 2024

Cả hệ thống chính trị vào cuộc ứng phó với bão

Họp báo Chính phủ chiều 7/9

* Vụ cơ sở Mái ấm Hoa Hồng: Củng cố hồ sơ pháp lý để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 7/9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn - người phát ngôn của Chính phủ đã chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8.

Tại họp báo, ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều về phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) đã cung cấp thông tin mới nhất về tình hình cơn bão số 3 và công tác ứng phó, giải pháp để giảm nhẹ thiệt hại.

Theo ông Phạm Đức Luận, đây là cơn bão rất mạnh, mạnh nhất trong 30 năm qua ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc bộ. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, đặc biệt đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm rất quan tâm chỉ đạo. Thủ tướng Chính phủ liên tiếp ban hành 3 công điện chỉ đạo các bộ, ban ngành địa phương triển khai ứng phó với bão. 

Về thiệt hại, đến thời điểm hiện tại, ghi nhận 1 người tại Hải Dương bị thiệt mạng do cây đổ khi đang lưu thông trên đường. 5 tàu xi măng, 1 tàu gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu (Quảng Ninh); hơn 100 cây xanh bị đổ ở Quảng Ninh và Hải Phòng. “Hiện nay chưa thể thống kê được, vì ở Quảng Ninh hiện tại không ai ra đường. Trao đổi qua điện thoại, hiện ở Quảng Ninh thiệt hại rất nặng nề, đặc biệt là hệ thống cây xanh, cột điện, nhà tôn, mái ngói... bay hết. Đến sáng 8/9, mới có thể kiểm đếm hết những thiệt hại này” - ông Phạm Đức Luận nói.

Theo dự báo, sáng 8/9, bão di chuyển, đi sâu vào đất liền, khu vực Hà Nội tiếp tục bị mưa lớn ảnh hưởng. Đối với miền núi phía Bắc, cần triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Cũng tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) Nguyễn Văn Hồi đã thông tin về vụ việc Mái ấm Hoa Hồng, Quận 12, TPHCM.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, vụ việc Mái ấm Hoa Hồng ở Quận 12 TPHCM bước đầu được xác định là vụ bạo lực, bạo hành trẻ em; có liên quan đến yếu tố lợi dụng việc từ thiện nhân đạo. Ngay sau khi báo chí phát hiện, Bộ LĐTB-XH đã phối hợp với UBND TPHCM và các cơ quan ban ngành của TPHCM phối hợp vào cuộc, xử lý ngay vụ việc. Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH cũng đã ban hành công điện số gửi TPHCM và các cơ quan chức năng để vào cuộc xử lý.

Về các mái ấm và cơ sở tự nguyện trên cả nước, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho hay theo tinh thần của Luật Trẻ em và luật pháp có liên quan, Nhà nước ta khuyến khích và có các cơ chế chính sách để huy động sự vào cuộc của các tổ chức, cá nhân trong việc chăm sóc giúp đỡ cho trẻ em. Việc thành lập và tổ chức hoạt động các cơ sở này có quy định theo các cấp: xã, huyện, tỉnh.

“Quy định của pháp luật nghiêm cấm việc thiện nguyện để trục lợi, nghiêm cấm các hành vi bạo lực, bạo hành xâm hại trẻ em. Có nhiều góc độ xử lý, nhẹ thì xử phạt hành chính, nặng thì xử lý hình sự. Các loại hình cơ sở hiện nay có nhiều và hoạt động theo cơ chế phân cấp; tất cả các cơ sở phải hội tụ đầy đủ các tiêu chí, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân viên chăm sóc… theo quy định” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho biết thêm.

Trong thời gian tới, qua vụ việc của Mái ấm Hoa Hồng, Bộ LĐTB-XH sẽ chỉ đạo các địa phương, Sở LĐTB-XH TPHCM phối hợp với các sở, ngành có liên quan tăng cường thanh tra kiểm tra. Thứ trưởng cũng nhận định, vụ việc ở Mái ấm Hoa Hồng có liên quan đến công tác quản lý, thể hiện qua việc hoạt động vượt công suất trên 100% nhưng thanh tra kiểm tra chưa xử lý được, liên quan đến việc buông lỏng quản lý. Qua vụ việc này Bộ LĐTB-XH sẽ tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, rà soát trên cả nước. Đặc biệt, cấp xã phải tăng cường kiểm tra thanh tra tại cơ sở; cấp huyện tăng cường công tác thanh tra kiểm tra cấp huyện, tương tự là cấp tỉnh. Cơ sở nào chưa có giấy phép hoạt động thì dừng; cơ sở nào chưa đủ các tiêu chí điều kiện thì khẩn trương hoàn thiện để tăng cường năng lực chăm sóc trẻ em; đồng thời tăng cường công nghệ áp dụng trong việc giám sát thường xuyên, liên tục việc chăm sóc trẻ em tại các cơ sở, mái ấm;…

Tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Ngọc Thưởng đã thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018.

Theo Thứ trưởng, quy mô, tính chất của kỳ thi từ năm 2025 rất mới. Đây là việc hệ trọng, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ GD-ĐT trong năm học 2024- 2025. Xác định tính chất quan trọng này, ngay từ đầu năm 2023, lãnh đạo bộ đã tập trung chỉ đạo. Theo đó, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 phải đảm bảo gọn nhẹ, giảm áp lực, giảm tốn kém và đảm bảo chất lượng, đánh giá khách quan chất lượng dạy và học; cung cấp dữ liệu đủ tin cậy để tuyển sinh các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng làm công tác tuyển sinh của mình.

Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ngay trong tháng 9 này ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác lãnh đạo, phối hợp để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024-2025. Bộ GD-ĐT cũng đã đăng tải trên mạng về việc ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 trở đi, dự kiến sau khi tiếp thu ý kiến hoàn thiện sẽ ban hành vào tháng 11/2024 này, sớm hơn 3 tháng so với các kỳ ban hành quy chế khác. Bộ GD-ĐT đang xây dựng và sẽ công bố đề thi mẫu để học sinh và giáo viên căn cứ làm cơ sở phục vụ cho công tác dạy học; tiếp tục tổ chức hội nghị, hội thảo tập huấn về công tác chuyên môn liên quan đến đề thi…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo