Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo ASEAN ký Tuyên bố Kuala Lumpur về việc hình thành Cộng đồng ASEAN, tại Hội nghị cấp cao Đông Á. (Ảnh: T.L)
(Thanhuytphcm.vn) - ASEAN ngày nay là một khu vực hòa bình, nền kinh tế gắn kết và thống nhất với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 2.600 tỉ USD (tăng 80% trong 7 năm qua), không chỉ hội nhập sâu rộng vào cấu trúc an ninh và kinh tế toàn cầu, mà còn là một khu vực năng động với nhiều cơ hội và triển vọng phát triển to lớn.
Ngày 31/12/2015, ngày cuối cùng của năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã được chính thức thành lập. Đây là dấu mốc quan trọng trong lịch sử của ASEAN.
AEC- Sự khởi đầu mới
Dưới mái nhà chung đó, các dân tộc ở Đông Nam Á sẽ chung sống, gắn kết, chia sẻ lợi ích và cùng phát triển trên chặng đường mới của mình. AEC đi vào hoạt động, cơ hội và thách thức sẽ chia đều cho 10 quốc gia thành viên. Và, Việt Nam cũng sẽ phải chuẩn bị cho mình hành trang kỹ càng để bước vào cuộc cạnh tranh của hội nhập.
Việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ tiếp tục mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và các nước thành viên, như tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận thị trường, giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ nhờ việc xóa bỏ thuế quan, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tạo thuận lợi đi lại. Theo đó, các quốc gia tham gia AEC đặt ra mục tiêu là hài hòa chiến lược kinh tế, công nhận trình độ chuyên môn của nhau, và tham vấn chặt chẽ hơn về các chính sách kinh tế vĩ mô và tài chính. Bên cạnh đó, môi trường mới tạo điều kiện tốt hơn cho giao dịch điện tử, kết hợp các ngành công nghiệp để thúc đẩy nguồn cung ứng khu vực và tăng cường sự tham gia của tư nhân trong nền kinh tế.
Xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN là một giai đoạn của tiến trình phát triển, do đó mốc 31/12/2015 khi Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành không phải là đích cuối cùng của liên kết ASEAN, mà là sự khởi đầu của một giai đoạn phát triển mới của Hiệp hội. Với AEC, ASEAN sẽ trở thành một khu vực kinh tế có sức cạnh tranh cao; hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu và là một thị trường duy nhất và một cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề nhất là thực hiện có hiệu quả. Trong đó xác định 12 lĩnh vực ưu tiên đẩy nhanh liên kết, đó là: hàng nông sản; ô tô; điện tử; nghề cá; các sản phẩm từ cao su; dệt may; gỗ; vận tải hàng không; thương mại điện tử; y tế, du lịch và logistics. Và, AEC đang tiến triển theo lộ trình khá thuận lợi, trong tương lai thuế quan sẽ được dỡ bỏ; các thoả thuận thương mại tự do với các đối tác thương mại lớn được triển khai.
Còn đó khó khăn
Khi AEC trở thành hiện thực, vào năm 2016, sẽ cho phép tự do di chuyển lao động có tay nghề, tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia và lao động có tay nghề của ASEAN tham gia vào hoạt động liên quan đến thương mại và đầu tư qua biên giới Việt Nam. Việt Nam sẽ đối mặt với sự di chuyển lao động, việc làm. Tám ngành nghề lao động dự kiến trong AEC được tự do di chuyển qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, gồm: kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ sư, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch.
Sự chênh lệch về thu nhập lớn giữa các quốc gia ASEAN sẽ là nguyên nhân tạo nên sự di chuyển lao động giữa các quốc gia giàu, nghèo, và đây sẽ là thách thức đối với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Đồng thời, trong thời gian tới, khi các DN Việt Nam đầu tư vào các nước ASEAN sẽ tạo áp lực đối với lực lượng lao động của các DN Việt Nam bởi hiện tại lực lượng lao động có tay nghề và kỹ năng, năng suất lao động của Việt Nam đang thuộc nhóm thấp ở Châu Á – Thái Bình Dương.
Ngoài ra, thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam cũng chưa hoàn thiện, đặc biệt chính sách thương mại quốc tế. Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm đối phó với các rào cản kỹ thuật mà các đối tác thương mại dựng nên nhằm bảo hộ sản xuất trong nước họ. Rào cản phi thuế quan là trở ngại lớn vì đi đôi với xóa bỏ hàng rào thuế quan, các nước sẽ tìm cách dựng các rào cản phi thuế quan để bảo vệ sản xuất trong nước, rào cản phi thương mại hiện vẫn còn là vấn đề khó để loại bỏ. (Ví dụ: nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp ô tô phải chịu các biện pháp phi thương mại như thuế bổ sung, cũng như các quy chuẩn kỹ thuật (Singapore áp đặt), cấp giấy phép nhập khẩu tự động (hiện Brunei và Malaysia đang áp dụng) và nhập khẩu không tự động cấp giấy phép (Indonesia và Philippines sử dụng) và AEC, chỉ là điểm khởi đầu trong nỗ lực loại bỏ rào cản phi thuế quan…Tất cả thuận lợi lẫn khó khăn còn đang ở phía trước.
Thuận lợi đang chờ
Bên cạnh những thách đặt ra, AEC cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho Việt Nam. Theo đó, các DN Việt Nam có cơ hội lớn trong việc mở rộng thị trường với 600 triệu dân, không những thế còn có cơ hội tiếp cận với thị trường rộng lớn hơn là những đối tác của ASEAN, vì ASEAN có một số hiệp định thương mại tự do với các đối tác như Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và một số nước khác thông qua các thỏa thuận Thương mại tự do (FTAs) riêng rẽ. Đối với Việt Nam, ASEAN là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu về thương mại và đầu tư. ASEAN hiện là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 3 của các DN Việt Nam và là đối tác thương mại cung cấp nguồn hàng hoá lớn thứ 2 cho các DN Việt Nam. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với các nước ASEAN hiện đạt trên 40 tỷ USD.
|
Đội tiêu binh thực hiện nghi thức thượng cờ ASEAN chào mừng Cộng đồng ASEAN tại TPHCM. (Ảnh: Hoàng Giang) |
Khi AEC thành lập, Việt Nam có cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Theo đó, cơ hội tiếp cận thị trường mới dành cho các nhà xuất khẩu ASEAN được mở rộng với việc loại bỏ các rào cản thương mại và dịch vụ. Quy tắc xuất xứ linh hoạt, hiện đại, tính minh bạch hóa cao là một số trong nhiều yếu tố thuận lợi hóa. Ví dụ như, trong ASEAN có chứng nhận xuất xứ hàng hóa, với 60% sản phẩm được sản xuất từ ASEAN thì được chứng nhận là sản phẩm trong ASEAN, và sản phẩm đó sẽ được hưởng lợi thế trong các hiệp định thương mại tự do trong ASEAN. Cắt giảm thuế quan là một thuận lợi giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của các DN Việt Nam. Thuế suất trong ASEAN sẽ về từ 0% - 5%, nếu sản xuất để xuất khẩu thì sẽ không phải chịu thuế suất hoặc thuế suất thấp. Đồng thời, nhập khẩu máy móc cũng không phải chịu thuế suất, điều này sẽ tạo điều kiện cho việc hạ giá thành và tăng chất lượng của sản phẩm cũng như tăng tính cạnh tranh của hàng hóa.
Đặc biệt, tham gia vào AEC sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh cải cách trong nước, đặc biệt là hoàn thiện thể chế kinh tế và hoàn thiện chính sách thương mại quốc tế trong bối cảnh mới, cũng như thúc đẩy các DN nâng cao khả năng cạnh tranh khi gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN.
****
Hiện tại, thời gian không còn nhiều cho các DN Việt Nam nhưng không có nghĩa là DN Việt bỏ mặc buông xuôi để thời cuộc đẩy đưa. DN Việt cần phải hành động để trước mắt là giữ thị trường trong nước. Và trong cuộc chơi hội nhập sẽ nổi lên 2 khả năng: hoặc Việt Nam sẽ biến mình thành công xưởng thế giới, là tụ điểm của các dự án, tạo ra sản phẩm Việt tiêu thụ đến các nước phát triển, hoặc Việt Nam sẽ mất đi khả năng sản xuất và cạnh tranh, tự biến mình trở thành thị trường tiêu thụ sản phẩm màu mỡ cho các nước. Để tồn tại, các DN Việt Nam cần phải liên kết với nhau, tạo những cơ hội đầu tư để cùng vượt qua thử thách cho tất cả DN trong nước nhằm tăng sức cạnh tranh.