Thứ Bảy, ngày 4 tháng 1 năm 2025

Tiềm năng và triển vọng phát triển ngành logistics trên địa bàn huyện Nhà Bè

Đồng chí Triệu Đỗ Hồng Phước phát biểu khai mạc Tọa đàm

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 31/12, UBND huyện Nhà Bè phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM đồng tổ chức toạ đàm “Tiềm năng và triển vọng phát triển ngành logistics trên địa bàn huyện Nhà Bè”.

Đồng chí Triệu Đỗ Hồng Phước, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cùng Thạc sĩ Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM đồng chủ trì tọa đàm.

Tham dự tọa đàm có các đồng chí: Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam cùng sự tham dự của lãnh đạo các sở, ngành Thành phố, các chuyên gia, nhà khoa học cùng đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn huyện.       

Phát biểu khai mạc tọa đàm, đồng chí Triệu Đỗ Hồng Phước nhấn mạnh, huyện Nhà Bè với vị trí thuận lợi được nhìn nhận có nhiều tiềm năng và triển vọng để phát triển vận tải, kho vận, giao nhận trong tương lai, đặc biệt là khi đường Vành đai 3, Vành đai 4, Trung tâm logistic và xa hơn nữa là cảng Quốc tế Cần Giờ chính thức khai thác. Huyện cũng xác định logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể kinh tế, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, ngành logistics của huyện còn nhiều hạn chế chưa tương xứng với lợi thế và tiềm năng sẵn có.

Thạc sĩ Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM phát biểu tại Tọa đàm Thạc sĩ Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM phát biểu tại Tọa đàm

Đồng chí Triệu Đỗ Hồng Phước cho biết, theo định hướng phát triển đến năm 2030 của ngành logistic thì huyện sẽ được Thành phố đầu tư Trung tâm dịch vụ logistic tại khu Công nghiệp Hiệp Phước. Huyện cũng xác định ngành logistics cùng thương mại - dịch vụ, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu các ngành kinh tế của huyện. Đồng chí mong rằng, thông qua Tọa đàm sẽ nhận được nhiều ý kiến góp ý cùng các giải pháp từ các đơn vị, các chuyên gia, nhà khoa học để khai thác tiềm năng và thế mạnh, phát triển ngành logistics trên địa bàn huyện trong thời gian tới cũng như những kinh nghiệm phát triển logistics đô thị ở các nước trong khu vực và mô hình áp dụng đối với Nhà Bè. Các cơ chế chính sách phát triển ngành, chính sách về kêu gọi thu hút đầu tư, đào tạo, thu hút nhân tài vào lĩnh vực logistics trên địa bàn huyện…

Để các đại biểu có cái nhìn tổng quan và rõ nét hơn về phát triển hệ thống logistics trên địa bàn huyện và Thành phố, đại diện Sở Công thương Thành phố đã trình bày Thông tin Đề án quy hoạch các Trung tâm logistics trên địa bàn TPHCM, đặc biệt giới thiệu rõ thông tin về Trung tâm logistics Hiệp Phước tại huyện Nhà Bè.

Buổi tọa đàm cũng đã nhận được nhiều ý kiến, thảo luận và đánh giá của các chuyên gia, doanh nghiệp về thực trạng ngành logistics tại huyện Nhà Bè, đặc biệt là về hạ tầng logistics; phân tích lợi thế, tiềm năng và thách thức trong việc phát triển ngành logistics trên địa bàn theo hướng xanh, hiệu quả và bền vững. Thông qua đó, các chuyên gia cũng đã đưa ra các giải pháp chiến lược nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành logistics tại huyện để có thể tận dụng và phát huy các lợi thế sẵn có trở thành trung tâm logistics quan trọng của TPHCM và khu vực phía Nam.

Chuyên gia phát biểu đề xuất các giải pháp phát triển ngành logistics tại huyện Nhà Bè Chuyên gia phát biểu đề xuất các giải pháp phát triển ngành logistics tại huyện Nhà Bè

Phát biểu kết luận tọa đàm, đồng chí Triệu Đỗ Hồng Phước đánh giá cao những ý kiến tham gia, chia sẻ đầy trách nhiệm, tâm huyết của các chuyên gia, các nhà khoa học, lãnh đạo các sở ngành, cộng đồng doanh nghiệp… đối với hoạt động logistics tại huyện trong thời gian qua cũng như những đề xuất, hiến kế đối với các tiềm năng và triển vọng phát triển ngành logistics trong thời gian tới. Thông qua những thảo luận sâu rộng và trao đổi ý kiến đa chiều giúp nhận thức rõ hơn về những thách thức và cơ hội mà ngành logistics huyện Nhà Bè, TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung đang đối mặt trong thời kỳ mà chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang trở thành tiêu chuẩn bắt buộc đối với ngành logistics nói riêng và phát triển kinh tế nói chung.

Đồng chí Chủ tịch UBND huyện khẳng định, ý chí quyết tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế, nhất là phát triển ngành logistic là thế mạnh của huyện trong tương lai, đồng thời tin tưởng rằng, với sự đồng hành của các sở ngành Thành phố, các chuyên gia, các nhà khoa học cùng với cơ chế khuyến khích về đầu tư minh bạch, thông thoáng, hấp dẫn, sự hưởng ứng mạnh mẽ của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, trong thời gian tới, ngành logistics sẽ là ngành trọng điểm phát triển kinh tế huyện.

Thùy Linh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo