Thứ Sáu, ngày 27 tháng 12 năm 2024

Kỷ niệm 55 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968:

Có một ngày không quên

Lực lượng Vũ trang Quân khu Sài Gòn – Gia Định chuẩn bị bước vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 (Ảnh minh họa, nguồn: Ảnh tư liệu tại Triển lãm ảnh Kỷ niệm 55 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968)

(Thanhuytphcm.vn) - Có một ngày cách đây 55 năm, tôi không thể nào quên! Đó là khi chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, anh Ba Thu (Phan Cẩm Xã, Phó Ban Cơ yếu T4) và tôi được phân công phụ trách một bộ phận cơ yếu Thê đội 2 thuộc Bộ Tư lịnh Tiền phương Nam Sàigòn (Tiền phương II). Liền sau đó, chúng tôi hành quân đến vùng đất Ba Thu nằm chờ lệnh xuất quân “tiến về Sài Gòn”...

Những ngày trú đóng ở Ba Thu, lòng tôi (cũng như mọi đồng chí, đồng đội) thấy nôn nao khó tả, phần vì chờ lệnh xuất quân, phần vì tiết xuân đang đến. Rồi, cái gì đến ắt đến. Chiều 30 Tết, lệnh xuất quân ban hành. Đoàn quân hỗn hợp rầm rập hành quân dưới ánh sao đêm. Trước giờ G, chúng tôi truyền nhau nghe thư chúc Tết của Bác Hồ “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua. Thắng trận tin vui khắp nước nhà. Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ. Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”.

Trên đường “tiến về Sài Gòn” sau giờ G, nhìn lên trời chỉ thấy một chiếc máy bay bay trên cao rồi biến mất. Bà con đón quân ta trao tay bánh tét, thức ăn, thức uống, cặp kè những chiếc ghe nối nhau làm cầu cơ động cho quân ta vượt sông rạch. 4 giờ khuya hôm đó, cơ yếu, điện đài chúng tôi mang biệt danh là “bộ đội 2 súng”, đến trú đóng tại ấp 2 Tân Nhựt, cặp sông Chợ Đệm, còn đại bộ phận qua đóng quân bên kia sông.

7 giờ sáng hôm sau, tôi đi qua nơi đóng quân của điện đài cách chỗ tôi năm bảy mươi thước, nhưng thấy các đồng chí chưa thức nên tôi tranh thủ ra ngồi cặp bờ sông. Tôi mới ngồi chừng vài phút, bỗng thấy tàu địch chạy xập xình trên sông Chợ Đệm cặp bờ, tôi liền chạy tới nơi trú đóng thì địch dưới tàu bắn xối xả nơi trú đóng của điện đài. Tôi quyết định giao tài liệu mật mã của tôi, của Út Tưởng, của Thanh Vân cho anh Ba Thu, Huấn và các đồng chí khác mang chạy về hướng lực lượng chủ lực của ta đóng quân. Còn tôi, Út Tưởng và Thanh Vân trụ lại chiến đấu để ngăn cản địch cho các đồng chí rút lui bảo vệ tài liệu được an toàn.

Khi anh em tôi vừa tuột xuống mương vườn sau nhà thì hàng ngàn quân địch dưới tàu đổ bộ lên bờ, hàng bầy trực thăng quần trên đầu ào ào sà cánh đổ quân. Lúc này trong đầu tôi chợt nghĩ ngay là chỉ còn cách “đổi mạng nhưng phải có lãi; rằng trước khi một người của tao chết thì tụi mày phải nhiều thằng chết”. Tôi vừa ra lệnh, vừa quay nòng súng AK lên bắn - cả 3 anh em tôi đều bắn,… lập tức 2 chiếc trực thăng đầy quân Mỹ bốc cháy (thật sự là chúng tôi chỉ quay nòng súng AK lên bóp cò, không cần ngắm vì trực thăng sà xuống cách đầu chúng tôi khoảng chục mét. Tôi hăng máu ôm súng vọt lên bờ tiếp tục siết cò thì bị một miểng đạn ghim vào đầu! Út Tưởng liền kéo tôi xuống mương,… “chưa chết, lời rồi” - tôi nhẩm trong đầu như vậy.

Hai chiếc trực thăng bốc cháy, màu khói đen nghịch, chính nó che chắn không cho địch thấy chúng tôi rời khỏi cộng sự (mương vườn) chạy qua con rạch (lúc này nước ròng), rồi bò cặp dưới rạch, bò vào địa hình lá dừa nước. Lúc này 3 anh em chúng tôi không phải bò nữa mà lội chuyền trong rừng dừa nước, giờ không nghe tiếng súng mà chỉ nghe tiếng máy bay trực thăng đổ quân xuống đồng trống ruộng lúa vừa mới gặt trước Tết. Tôi ban lệnh vừa lội, vừa nghỉ chân cho đỡ mệt, vừa nhắm hướng rút đi khi địch rút quân.

Trong lúc di chuyển và suy tính thì chúng tôi phát hiện có một cái chòi khoảng 5 mét vuông, kiểu nhà sàn ẩn trong rừng lá dừa nước. Anh em chúng tôi nhẹ nhàng lục soát mới biết đây là “kho súng” tạm của ta cất dấu, có thể là kho trung chuyển trước khi chuyển đến nơi được cấp phát. Mừng quá! Vậy là 3 anh em chúng ta có thừa súng đạn để chiến đấu quyết tử với địch rồi. Tôi quyết định móc đất làm công sự dã chiến trụ lại đây. Vừa đắp xong 3 công sự cách nhau vài thước cho 3 anh em thì mặt trời đã ngã xế chiều (khoảng 14 giờ). Bây giờ mới thấy đói, đói và buồn ngủ vô cùng...

Ảnh minh họa, nguồn: ảnh triển lãm Kỷ niệm 55 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 Ảnh minh họa, nguồn: ảnh triển lãm Kỷ niệm 55 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Từ khuya tới giờ có ăn uống ngơi nghỉ gì đâu! Công sự của chúng tôi cặp bìa rừng lá, phía trước mặt là đồng ruộng trống, từ đây có thể quan sát được nhứt cử, nhứt động của địch, để chủ động đối phó. Tôi nói với Út Tưởng và Thanh Vân rằng: Khi nào tình huống bắt buộc, tôi nổ súng trước thì hai thằng mày mới nổ, bây giờ bảo đảm an toàn tính mạng là trên hết”. Chúng tôi quan sát thấy lính Mỹ lăm lăm AR15 trên tay lội đi lùng sục. Hơn chục thằng lội cặp bìa rừng lá, mặt đỏ gay vì nắng nóng, cách công sự chúng tôi chừng 6 - 7 thước, miệng lẩm bẩm “vixi, vixi,…” tưởng chừng như nó phát hiện anh em chúng tôi. Ngón tay trỏ tôi sẵn sàng xiết cò, nếu tôi xiết cò, rồi Út Tưởng, Thanh Vân cũng xiết cò thì chắc chắn vài ba thằng Mỹ chết tại chỗ ngay loạt đạn đầu, còn ba anh em tôi sau đó cũng không biết ra sao. Nhưng nó không nổ súng mà tiếp tục vừa lội ọp ẹp, vừa lẩm bẩm…

Đến khoảng hơn 16 giờ, nghe tiếng máy tàu trên sông Chợ Đệm cùng tiếng trực thăng gầm rú chát tai, tôi đoán là chúng chuẩn bị ra quân. Quả đúng vậy. Tôi nói với Út Tưởng và Thanh Vân nhanh chóng rời khỏi địa hình này, chần chừ là ăn pháo! Lúc này nước đã lớn đầy, 3 anh em chúng tôi vừa rong theo con rạch vừa quan sát, nếu thấy êm thì bò ra đồng ruộng trống rồi bò trở lại nơi đóng quân hồi sáng. Bổng…ầm…ầm…ầm… pháo từ Bến Lức cấp tập nã vào địa hình rừng lá, nơi chúng tôi đang di chuyển. Qua đợt pháo đầu, chúng tôi bảo nhau hễ nghe tiếng đề-pa thì hụp xuống dưới mặt nước, sau khi pháo nổ rồi thì hãy trồi lên. Cứ như thế, hết đợt này, tới đợt khác,… đến đợt thứ 5 thứ 6 gì đó thì một mảnh pháo bụp vào trán Thanh Vân. Tôi vừa nghe tiếng Thanh Vân kịp kêu “anh Tư”, liền quay sang thì...! Tôi gọi to “Vân”, “Vân”, nhưng Vân tắt thở luôn… từ từ chìm xuống dưới mặt nước – Vân đã hy sinh! Tôi gọi Tưởng lại cùng tháo dây dù thắt ngang eo ếch và tay Vân rồi cột vào bập dừa nước và làm dấu để chôn cất sau.

Vậy là, 3 anh em sát cánh bên nhau từ sáng tới chiều, đã vượt qua bao phen lửa đạn mưa bơm, giờ chỉ còn hai đứa! Tôi bàn với Tưởng, quyết định lùi lại công sự tạm, nằm đợi trời xẩm tối hãy tìm cách nhập đoàn quân tiếp tục vào Sài Gòn. Địch rút hết, mặt trời đã lặn. Chúng tôi ra hiệu tìm nhau và gặp được một số đồng chí điện đài may mắn còn sống (nhiều đồng chí điện đài đã hy sinh cùng nhiều đồng chí thuộc các đơn vị khác). Sau khi gặp một gia đình để nhờ bà con chôn cất các đồng chí điện đài, cơ yếu… hy sinh, chúng tôi xuống ghe qua sông Chợ Đệm, băng đồng về hướng Phú Lâm.

Mười giờ đêm đó, chúng tôi đến Phú Lâm, qua Quận 7 (cũ). Lúc này hầu hết gia đình dân Quận 7 đã sơ tán vào sâu nội thành Sài Gòn, Bộ Tư lịnh tiền phương II đóng tại Quận 7. Gần trưa ngày hôm sau, tôi lò mò tìm liên lạc cánh anh Hai Kháng và các đồng chí cánh tôi thì may mắn gặp anh Vũ Hồng (tức anh Hai Phong trước đây là Chánh Văn phòng Khu ủy Sài Gòn – Gia Định), mừng quá! Anh Vũ Hồng đưa tôi tới gặp các anh lãnh đạo Bộ Tư lịnh Tiền phương II: anh Tư Ánh (Trần Bạch Đằng), anh Hai Phụng (Trần Hải Phụng)… Tôi báo cáo với anh Hai Phụng về cuộc chiến chống phản kích của địch ngày hôm qua tại ấp 2 Tân Nhựt cùng thiệt hại nặng nề của cơ yếu, điện đài (và các đơn vị khác). Anh Hai Phụng giao tôi phụ trách một nhóm chờ đến tối trở lại trận địa hôm qua để chôn cất các đồng chí điện đài, cơ yếu đã hy sinh (anh Hai cũng giao các đồng chí thuộc đơn vị khác trở lại trận địa làm nhiệm vụ như vậy).

Gần nửa đêm hôm đó, chúng tôi đặt chân đến trận địa cũ, cảm nhận một cảnh vật chìm trong đêm vắng, lạnh lùng, ảm đạm! Chúng tôi tìm gặp vài gia đình ở đó, bà con cho biết hôm qua đã chôn 13 người hy sinh nằm ven bờ cây tiếp giáp đồng ruộng có đánh dấu tạng người, trong đó có một nữ - Đó là các đồng chí điện đài. Riêng Vân thì chưa gặp. Đến sáng, chúng tôi đến nhìn nhận 13 nấm mộ để xác định mộ nào là ai theo cách tả hình dáng của bà con, qua đó xác định tên tuổi mộ của một nữ và một vài đồng chí khác, số còn lại áng chừng đúng khoảng 50 – 70%.

Sau đó, tôi và Tưởng nhắm hướng tìm đến chỗ Vân hy sinh. Kìa, tôi và Tưởng nghẹn ngào nhìn Vân nằm sát bụi lá dừa nước đã 2 ngày đêm... Hai anh em tôi tháo dây dù kéo Vân xê dịch đến chổ đất cao hơn khoảng 5m, đặt Vân nằm ngay ngắn rồi chặt bập dừa nước cấm xung quanh và gát lên xác Vân, móc đất đấp lên thành mộ. Sau khi chôn cất, gởi gắm các đồng chí cho bà con, chúng tôi chờ trời tối qua sông Chợ Đệm trở vào Sài Gòn.

Đêm hôm đó, chúng tôi đi qua ngã ba Mũi Tàu, lội qua bên kia cầu sập thuộc Quận 7 (cũ) lò mò tới nửa đêm mới nhập với cánh anh Hai Kháng, để rồi cùng chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu và nhận lệnh phục vụ sự chỉ đạo, chỉ huy của Bộ Tư lịnh Tiền phương trong những ngày tháng tiếp theo.

Kỷ niệm 55 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, tôi bồi hồi xúc động nhắc lại một ngày tại Ấp 2, Tân Nhựt không thể nào quên...

Lê Tâm Dũng


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo