Thứ Năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024

Chuyên gia bàn giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải và trọng tài

TS. Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng ĐH Luật phát biểu khai mạc

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 20/9, Trường Đại học (ĐH) Luật TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp lao động thông qua phương thức hòa giải và trọng tài tại Việt Nam” thu hút đông đảo các chuyên gia pháp lý trong và ngoài nước tham dự.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM cho biết: Sau hơn 4 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 3/9/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong tình hình mới và hơn 3 năm thực hiện Bộ luật Lao động năm 2019, đội ngũ hòa giải viên lao động và hội đồng trọng tài lao động của các tỉnh thành đã từng bước được kiện toàn và bước đầu đã cho thấy những hiệu ứng tích cực bên cạnh những tồn tại nhất định. Do đó, nhu cầu về sự tổng kết đánh giá các hiệu ứng tích cực và chưa tích cực trong việc triển khai các quy định về hòa giải lao động, trọng tài lao động để từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình triển khai hiệu quả là cần thiết, đồng thời từng bước chuẩn bị tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị 37-CT/TW của Ban Bí thư.

Vì vậy, nhằm tạo ra một diễn đàn để các chuyên gia, các nhà khoa học, đội ngũ luật sư, hòa giải viên lao động, trọng tài lao động, các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật lao động, các doanh nghiệp… có thể thảo luận, trao đổi về các nội dung liên quan đến việc áp dụng phương thức giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải và trọng tài, trên cơ sở đó, có thể đưa ra những đánh giá đa chiều, đề xuất các giải pháp mang tính khoa học và thực tiễn để thúc đẩy và nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp lao động bằng các phương thức này.

Hội thảo đã nhận được sự hỗ trợ của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) và sự quan tâm rất lớn từ những nhà khoa học và những nhà quản lý, những người làm công tác giải quyết tranh chấp lao động trong thực tiễn. Ban Tổ chức đã nhận được 29 bài tham luận với các đề tài đa dạng xoay quanh chủ đề hội thảo và để gợi ý các vấn đề thảo luận cho Hội thảo, đã có 12 bài tham luận được các diễn giả trình bày trong 4 phiên.

Ông Arun Kumar, Chuyên gia về đối thoại xã hội và Thương lượng tập thể - Nhóm Chuyên gia tổ chức ILO tại Bangkok Ông Arun Kumar, Chuyên gia về đối thoại xã hội và Thương lượng tập thể - Nhóm Chuyên gia tổ chức ILO tại Bangkok

Trao đổi tại hội thảo với tham luận “Phương pháp tiếp cận giải quyết tranh chấp và các nguyên tắc chính của tổ chức ILO về Phòng ngừa và giải quyết tranh chấp lao động”, ông Arun Kumar, Chuyên gia về đối thoại xã hội và Thương lượng tập thể - Nhóm Chuyên gia tổ chức ILO tại Bangkok nhận định: “Pháp luật lao động chưa theo kịp những thay đổi về cách thức tuyển dụng lao động và các thỏa thuận lao động, theo đó công việc được thực hiện chưa giải quyết các tranh chấp lao động xảy ra với các hình thức việc làm phi tiêu chuẩn, thương mại hóa làm gia tăng các mối quan hệ việc làm trong nền kinh tế phi chính thức.

Cần thiết phải xây dựng các quy trình có thời hạn, công bằng, dễ tiếp cận và với chi phí hợp lý trong giải quyết tranh chấp lao động và thực thi các quyết định để thúc đẩy quan hệ lao động mang tính xây dựng và hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả.

Pháp luật có vai trò quan trọng nhưng chưa đủ đối với hệ thống giải quyết tranh chấp hiệu quả; Quan trọng là trao quyền hợp pháp cho hai bên tranh chấp để giải quyết vấn đề của chính họ.

Toàn cảnh hội thảo Toàn cảnh hội thảo

Đánh giá thêm về vai trò của pháp luật và vai trò của thương lượng tập thể, chuyên gia của tổ chức ILO cho rằng: Nhà nước và pháp luật có thể thúc đẩy sự tuân thủ, nhưng không thể thúc đẩy hợp tác hoặc ngăn ngừa tranh chấp; thương lượng tập thể có thể làm điều đó vì giúp các bên đạt được các giải pháp đồng thuận lẫn nhau, tôn trọng nhu cầu của nhau.

Tổ chức ILO không quy định một mô hình cụ thể để giải quyết tranh chấp nhưng các Tiêu chuẩn và Nguyên tắc của ILO đem đến hướng dẫn cho các hệ thống, quy trình và qui định pháp luật giải quyết tranh chấp. Khung chương trình quốc gia về việc làm thoả đáng tại Việt Nam giai đoạn 2022- 2026 được ký kết giữa Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Chính phủ Việt Nam cũng ghi nhận đóng góp của ILO đối với kết quả quản trị thị trường lao động hướng đến việc làm thoả đáng, trong đó có nội dung tăng cường cơ chế giải quyết tranh chấp lao động.

Hội thảo cũng thu hút nhiều ý kiến đánh giá, đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp lao động bằng các phương thức hòa giải và trọng tài. Bên cạnh đó, các ý kiến góp ý, đề xuất của các diễn giả, khách mời tham dự Hội thảo sẽ là nguồn tham khảo hữu ích cho hoạt động nghiên cứu, giảng dạy tại các cơ sở nghiên cứu, đào tạo Luật ở khu vực phía Nam cũng như cho công tác hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp lao động bằng hòa giải và trọng tài.

An Nguyễn


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo