Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Cho thành phố thêm xanh

Đường Rừng Sác, huyện Cần Giờ

(Thanhuytphcm.vn) - Quá trình lấy ý kiến góp ý về điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 cho thấy lãnh đạo TPHCM luôn thuận theo hướng làm sao khai thác tiềm năng sông Sài Gòn, phát triển thành phố theo hướng đa trung tâm, tạo môi trường sống xanh và bền vững.

TPHCM cũng đang có Đề án nghiên cứu về “Xây dựng Chiến lược phát triển hình ảnh, thương hiệu TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Một trong những tiền đề để viết câu chuyện thương hiệu là hướng đến cơ hội phát triển và cuộc sống hạnh phúc với các giải pháp thông minh và xanh, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững, theo tinh thần Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM.

Để phát triển theo hướng chuyển đổi xanh cần quan tâm đến nhiều lĩnh vực, nhiều giải pháp nhằm đảm bảo hài hòa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Ở đây xin đề cập đến việc gìn giữ và phát huy cho được môi trường xanh, làm cho thành phố thêm xanh.

Kỳ tích sông Sài Gòn

Sài Gòn - TPHCM đẹp nhờ sông, có hệ thống sông và kênh rạch chảy qua. Sông Sài Gòn chảy qua TPHCM 80km, ôm lấy đô thị rộng lớn và như sợi dây liên kết cư dân các vùng miền ven sông tự bao đời. Sông Sài Gòn chảy ra biển cả mang theo biết bao những khát khao, hoài bão, trong đó có cuộc hành trình đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ kính yêu. Dòng sông Sài Gòn đã và sẽ còn kể tiếp thật nhiều những câu chuyện về thành phố trẻ trung, năng động, anh hùng và giàu đẹp này như một bản trường ca tuyệt vời, bất hủ.

Vấn đề đang đặt ra là chúng ta sẽ cùng nhau bảo vệ cho dòng nước của sông và những con kênh rạch luôn trong lành, cùng làm cho cảnh quan hai bên bờ sông luôn xanh tươi, đẹp đẽ (như Thành phố Thủ Đức vừa làm một công trình ý nghĩa: trồng cây, trồng hoa ven sông Sài Gòn khoảng 20 ha). Trong quy hoạch, phát triển, TPHCM có thể xem sông Sài Gòn là điểm nhấn của sự bức phá. Sông Sài Gòn không chỉ là trục nền tảng giúp phát triển về cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông thủy, bộ, kết nối giao thương, mà còn tạo lập hệ sinh thái dịch vụ, du lịch, lễ hội, văn hóa… Trong khát vọng của người dân luôn có sự nung nấu về sự bức phá vươn lên của thành phố này nhằm tạo nên kỳ tích cho giai đoạn phát triển mới - Kỳ tích sông Sài Gòn …

Đảo ngọc Bình Quới - Thanh Đa

Bình Quới - Thanh Đa thuộc phường 27, 28 quận Bình Thạnh có diện tích 427ha, là vùng đất cù lao được bao bọc bởi sông Sài Gòn và kênh Thanh Đa, cách trung tâm thành phố chưa đầy 5km. Đây được xem là hòn ngọc giữa thành phố. Nơi đây được quy hoạch làm khu du lịch sinh thái, với 5 cầu sẽ được xây thêm thay vì độc đạo như hiện nay. Vì nhiều lý do, dự án lớn này chưa được triển khai và người dân cho rằng dự án bị treo suốt 31 năm qua nên cuộc sống bị ảnh hưởng rất nhiều. Dù sao thì Bình Thạnh và người dân nơi đây đã cùng thành phố giữ đất và chờ triển khai dự án. Trong khi chờ dự án lớn, các hoạt động theo kiểu du lịch sinh thái, câu cá, thể thao dưới nước, ẩm thực thời khẩn hoang và các hoạt động vui chơi giải trí… vẫn diễn ra.

Giờ đây, TPHCM đang tổ chức thi tuyển quốc tế về ý tưởng quy hoạch dự án bán đảo Bình Quới - Thanh Đa theo hướng du lịch, văn hóa, giải trí. Dự án mà người yêu TPHCM mong muốn là giữ cho được vùng sinh thái, là nơi hấp dẫn khách du lịch theo cách độc đáo gắn với thiên nhiên, môi trường, trong đó người dân sẽ cùng tham gia đầu tư phát triển.

Đánh thức tiềm năng lớn - Cần Giờ

Cần Giờ, có diện tích hơn 75.000ha, nơi có Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn với hơn 34.000ha - lá phổi của TPHCM, gắn với tiềm năng tham gia hoạt động trao đổi tín chỉ các-bon. Nơi đây đang có nhiều những dự án tầm cỡ như: Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cầu nối Nhà Bè - Cần Giờ.

 Khách du lịch tham quan Di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác Cần Giờ Khách du lịch tham quan Di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác Cần Giờ

Tất cả các dự án, đặc biệt là Dự án xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế được xem xét thận trọng, không làm ảnh hưởng đến môi trường, đến Khu dự trữ sinh quyển được quốc tế công nhận. Cảng trung chuyển quốc tế sẽ được xây dựng theo công nghệ cảng xanh, vận hành bằng điện và xem việc bảo vệ môi trường như một bộ phận cấu thành, không tách rời trong quá trình xây dựng, kinh doanh, khai thác cảng. Việc vận chuyển hàng hóa phần lớn của cảng sẽ bằng đường thủy.

Nhiều tâm huyết của lãnh đạo TPHCM và Trung ương, đặc biệt là của Thủ tướng Chính phủ được gửi gắm vào việc nhanh chóng đánh thức tiềm năng của Cần Giờ. Đó cũng là khát vọng của người dân Cần Giờ và TPHCM về một địa chỉ sinh thái, thông minh, hiện đại. Cần Giờ sẽ là “thành phố trong rừng” và “rừng trong thành phố”, nơi thu hút những nhà đầu tư lớn…

Củ Chi xanh và huyền thoại

Vùng đất thép thành đồng, quê hương địa đạo là miền quê xanh, trong lành, cách trung tâm khoảng 40km về phía Tây Bắc, có sông Sài Gòn chảy qua 54km.

Từ vành đai trắng, Củ Chi đã nhanh chóng trở thành vành đai xanh của TPHCM, có nhiều thay đổi về cảnh quan, môi trường, cuộc sống. Con đường nào của Củ Chi cũng xanh, nhiều đường, nhiều nhà có hoa, khang trang, sạch đẹp. Củ Chi hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế bởi có khu di tích địa đạo Bến Dược, Bến Đình, có vùng giải phóng được tái hiện, có khu dã ngoại, có những làng nghề, có ẩm thực độc đáo…

Thời gian qua, Đảng bộ và chính quyền Củ Chi đang thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, phát triển nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và cải thiện đời sống nhân dân. Trong đó có xây dựng khu du lịch nhà vườn sinh thái ven sông Sài Gòn, xây dựng các làng nghề, vườn cây ăn trái…

Du khách tham quan Khu Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi Du khách tham quan Khu Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi

Nơi đây có nhiều dự án như công viên Safari 457 ha - công viên tầm cỡ của khu vực, có phim trường… Nếu công viên Safari được triển khai sẽ góp phần gìn giữ mảng xanh.

Các dự án sẽ mở ra nhiều triển vọng phát triển nhưng điều mong ước của người dân TPHCM là Củ Chi luôn giữ được màu xanh, luôn tươi đẹp, luôn giữ được đặc trưng của vùng đất giàu sức hấp dẫn và thời nào cũng anh hùng.

Có thêm nhiều thảm xanh

Trồng thêm cây xanh cho TPHCM để tỷ lệ bình quân cây xanh trên đầu người được nhiều hơn đang là quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và người dân thành phố.

Hiện nay, công viên cây xanh của TPHCM có hơn 500ha, đạt bình quân 0,55 m2/người. Chỉ tiêu về diện tích cây xanh đô thị đến năm 2025 là 3m2 cây xanh/người, hướng tới 2030 là 5m2 cây xanh/ người. Tỷ lệ này còn quá thấp so với một số đô thị trên thế giới (Singapore 30,3 m2/người, Washington (Mỹ) đạt tỷ lệ 40 m2/người, Seoul (Hàn Quốc) 41 m2/người.

Bình Chánh, Nhà Bè trong xu hướng đô thị hóa sẽ chắt chiu để giữ nhiều mảng xanh. Nhiều quận, huyện và Thành phố Thủ Đức gần đây đã có thêm nhiều công viên xanh trong điều kiện việc cải thiện mảng xanh, tạo thêm không gian xanh cho người dân không phải là điều dễ làm.

Trong xây dựng quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch, TPHCM cần đặc biệt quan tâm để có thêm mảng xanh, để đạt tiêu chí vế quy hoạch xanh. Cùng với có chính sách khuyến khích đầu tư và tăng cường sự quản lý không để công viên, xây xanh bị cắt xén…

Việc bảo vệ và phát triển mảng xanh có vai trò của người dân và cộng đồng. Khi người dân và cộng đồng có ý thức và tích cực tham gia thì mỗi nhà, mỗi đường phố, khu phố sẽ đẹp hơn, nhiều cây, nhiều hoa hơn, góp phần làm cho môi trường sống xanh hơn.

Sài Gòn - TPHCM là đô thị gắn với sông, có môi trường thiên nhiên trong lành, quá trình phát triển theo hướng chuyển đổi xanh nhất định sẽ phát huy những tài sản, những giá trị vô giá của thiên nhiên ban tặng, gắn với công lao vun bồi của biết bao thế hệ. Trong hành trình vươn tới phồn vinh, phát triển, sự lựa chọn của chúng ta sẽ luôn là thông minh, sẽ không đánh đổi cuộc sống xanh.

Phạm Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo