Chủ Nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024

Câu đối trong ngày Tết

Ông đồ cho chữ ngày Xuân. Ảnh minh họa (Ảnh: Nguyễn Hoàng)

(Thanhuytphcm.vn) - Trong bài Ông đồ, viết năm 1936, nhà thơ Vũ Đình Liên đã miêu tả lại cảnh ông đồ viết chữ (thực chất là bán chữ!) trong dịp Tết:

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua.

Bao nhiêu người thuê viết

Tấm tắc ngợi khen tài

Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa rồng bay…

Trên giấy đỏ đó, chắc hẳn ông đồ viết những chữ theo yêu cầu của người mua; có những chữ mang mong muốn, ước nguyện của người mua trong năm mới hoặc trong một vận hội mới, như Phúc (mong muốn gia đình được hạnh phúc, đầm ấm…), Khang (mong được mạnh khỏe), An (mong được bình an), Thành (mong làm việc gì cũng thành công), Đạt (mong đỗ đạt, thành công), Duyên (mong có duyên lứa đôi)… Cũng có khi là những câu dài mang một tâm sự, một nguyện vọng nào đó, như Mỗi năm mỗi thắp đèn trời/ Cầu cho cha mẹ sống đời với con (cầu cho cha mẹ sống lâu với con cháu), Tổ tiên tích đức nghìn năm thịnh/ Con cháu ơn nhờ vạn đại vinh (hàm ý nhắc nhở con cháu có được đời đời vinh hiển là nhờ công tích đức của cha ông nên bản thân phải ra sức tích đức cho con cháu)… Và đương nhiên, sẽ có những câu đối, vốn được xem là một phần không thể thiếu trong dịp tết trước đây.

Hiện nay, cuộc sống hiện đại có nhiều thay đổi nhưng những nét hay, nét đẹp trong văn hóa nói chung, trong thụ hưởng ngày Tết nói riêng vẫn được gìn giữ và phát huy. Ở những “phố ông đồ” hay ở các gian hàng của các “ông đồ hiện đại”, những chữ đẹp, câu đối hay vẫn được gửi đến những người chuộng chữ không chỉ chúc người mua chữ được nhiều may mắn như ước nguyện mà còn gửi gắm nhiều tâm sự, nỗi lòng. Và câu đối vẫn là một thể loại sử dụng chữ nghĩa độc đáo thể hiện qua nét thư pháp sống động, tài hoa.

Câu đối là một loại văn thuộc biền văn (“biền” nghĩa đen là hai con ngựa đi song song nhau), là loại văn không có vần nhưng có đối, vốn thường thấy trong các thể cổ như chiếu, hịch, cáo, văn sách, kinh nghĩa (lối hát cổ)… Đối là 2 chữ, câu, hoặc đoạn văn đi sóng đôi với nhau cân xứng cả về ý lẫn lời. Yêu cầu về đối thì có đối ý (hai ý tưởng cân xứng nhau) và đối chữ. Trong đối chữ phải có đối về thanh của chữ và đối về loại của chữ; về thanh, vần bằng đối với vần trắc và ngược lại; đối về loại, hai chữ phải cùng một loại, thực tự (chữ nặng, như trời đất, cây cỏ, nhà cửa, ao vườn…) phải đối với thực tự, hư tự (chữ nhẹ, như thì, là, mà, vậy, ru…) phải đối với hư tự, tức là, danh từ đối với danh từ, tính từ đối với tính từ, trạng từ đối với trạng từ, động từ đối với động từ… Nếu 2 câu mà đối được cả về ý lẫn chữ thì được gọi là đối chỉnh hay đối cân. Điều này đòi hỏi các câu phải theo một khuôn phép nhất định về dùng ý và dùng từ nhưng cũng có những sáng tạo để câu đối không chỉ thể hiện ý mà còn tình, không chỉ thể hiện nghĩa mà còn có dụng ý hoặc thái độ.

Các câu đối trong dịp Tết còn dặn dò, nhắc nhở nhau những điều tốt đẹp. Ảnh minh họa (Ảnh: Nguyễn Hoàng) Các câu đối trong dịp Tết còn dặn dò, nhắc nhở nhau những điều tốt đẹp. Ảnh minh họa (Ảnh: Nguyễn Hoàng)

Riêng trong dịp Tết, các câu đối xưa cũng như nay đều có nội dung phản ánh cảnh sắc, tình cảm và các mong mỏi trong những ngày đầu năm mới. Những câu như Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/ Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh hay Đuốc ngất trời một cây nêu tối bữa ba mươi, ri cũng tết/ Vang đất đùng ba tiếng pháo rạng ngày mồng một, rứa là xuân hoặc Giao thừa hái lộc, cung kính ông bà, rượu rót đôi ly, nghe lời chúc/ Mồng một đơm hoa, nhớ ơn cha mẹ, trà dâng ba chén, nhận lì xì hay Tết đến, rượu ngon đưa mấy chén/ Xuân về, bút mới thử vài trang (Nguyễn Khuyến)… thể hiện phong tục, quang cảnh của dịp tết với thói quen đón tết của dân ta thế nào, ngày tết có những gì, người ta ăn tết ra sao…

Còn những câu như Chúc Tết đến trăm điều như ý/ Mừng xuân sang vạn sự thành công, Tết đến gia đình vui sum họp/ Xuân về con cháu hưởng bình an, Chúc Tết đến trăm điều như ý/ Mừng xuân sang vạn sự thành công, Đất nước phồn vinh câu chúc tết/ Gia đình hòa thuận thiệp mừng xuân… thể hiện mong muốn trong dịp tết đến xuân về thì bản thân, gia đình được mạnh khỏe, hạnh phúc, bình an, người với người sống chan hòa, nhân ái và đất nước thì được phồn vinh, thái bình. Trong quan niệm của người Việt ta từ xưa đến nay, nhà gắn với nước nên thường mọi người mong muốn cho bản thân, gia đình thì cũng mong mỏi cho nhiều người khác, tức là cho dân tộc, cho đất nước. Bởi khi đất nước điêu linh, loạn lạc, lầm than thì mỗi người cũng chẳng có niềm vui…

Các câu đối trong dịp Tết còn dặn dò, nhắc nhở nhau những điều tốt đẹp. Xuân sang cội phúc sinh nhành lộc/ Tết về cây đức trổ thêm hoa, Sắc xuân tô thắm lòng nhân ái/ Hương tết đượm nồng nghĩa vị tha, Ơn nuôi dưỡng sâu tựa biển Đông/ Nghĩa sanh thành cao như non Thái, Cây sinh ngàn nhánh do từ gốc/ Nước chảy muôn nơi bởi có nguồn… Đó là lòng hiếu kính với cha mẹ ông bà, là những người trực tiếp sinh thành, dưỡng dục. Đó là luôn nhớ ơn nguồn cội, không chỉ của gia đình, dòng tộc mà còn của cha ông, của đất nước. Đó là phải sống yêu thương, chan hòa, vị tha nhau, không tranh giành, ganh ghét, đố kỵ nhau. Đó là phải dày công tu thân, tích đức, không chỉ để cho bản thân mà còn cho con cháu, cho nhiều đời sau nữa. Những điều đó xưa cũng như nay, cha mẹ, ông bà luôn răn con cháu, chúng ta luôn dặn dò nhau nhưng những tết thường được nhắc nhiều hơn bởi đây là dịp gia đình sum vầy, đoàn tụ, mỗi người có cơ hội lắng lòng để suy nghĩ nhiều hơn những ngày khác tất bật vì công việc.

Hiện nay, cuộc sống hiện đại có nhiều thay đổi nhưng những nét hay, nét đẹp trong văn hóa nói chung, trong thụ hưởng ngày Tết nói riêng vẫn được gìn giữ và phát huy. Ảnh minh họa (Ảnh: Nguyễn Hoàng) Hiện nay, cuộc sống hiện đại có nhiều thay đổi nhưng những nét hay, nét đẹp trong văn hóa nói chung, trong thụ hưởng ngày Tết nói riêng vẫn được gìn giữ và phát huy. Ảnh minh họa (Ảnh: Nguyễn Hoàng)

Nhiều năm nay, đất nước ta, nhân dân ta gắn mừng Xuân với mừng Đảng, bởi Đảng ra đời vào mùa Xuân năm Canh Ngọ (1930), chính Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta giành được những thắng lợi vĩ đại, đưa đất nước ta bước vào những mùa xuân mới huy hoàng, rực rỡ, tiến tới một mùa xuân của nhân loại, là chủ nghĩa cộng sản, như nhà văn Paul Vaillant Couturier (1892 – 1937) đã tiên đoán. Vì thế, những câu đối mừng Xuân mừng Đảng cũng đã ra đời không chỉ để ngợi ca mà còn dặn dò, nhắc nhở.

Có thể kể những câu như: Đảng vững Dân tin, 90 tuổi thanh xuân, cơ đồ lưu vạn thuở/ Nhà an Nước thịnh, 4.000 năm văn hiến vững ngàn thu; Mọi nhà nỗ lực sản xuất kinh doanh, hết sức kiệm cần, hạnh phúc gia đình bừng lộc Tết/ Cả nước đồng tâm làm giàu chính đáng, hăng say lao động, niềm vui xã hội tỏa hương Xuân; Làng văn hóa Tết về, tiếng thơm bay chín núi/ Bản ấm no xuân đến, lời hát rộn mười mường; Tư tưởng Người tỏa sáng nghĩa nhân, đưa dân tộc qua đêm đen nô lệ/ Đường lối Đảng chói ngời chân lý, dắt giống nòi đến bờ bến vinh quang; Mừng xuân hội nhập đa phương tự chủ giữ bền quốc thể/ Vui Tết đầu tư bách lối tài hoa nâng dáng quê hương; Tết đủ xuân đầy, gia đình hạnh phúc, thuận hòa hiếu thảo/ Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh… Đó là những lời ngợi ca công lao của Đảng, của Bác Hồ, là sự đúc kết các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, sự gắn kết niềm vui, hạnh phúc của từng cá nhân, gia đình với sự phát triển, lớn mạnh của đất nước, sự động viên nhau cùng chung tay góp sức để xây dựng quê hương dưới sự lãnh đạo của Đảng… Những câu đối đó không chỉ biểu hiện tính phong phú của thể loại đối trong văn học mà còn là những lời nhắc nhở, hiệu triệu mọi người vững bước tiến lên dưới cờ Đảng vinh quang.

Tuy chịu ảnh hưởng của văn học nước ngoài nhưng thể loại câu đối ở Việt Nam ta có sự sáng tạo đặc sắc để thể hiện cảnh, ý, tình, tư tưởng… rất sâu sắc trong 2 câu rất ngắn, chỉ vài chục chữ. Trong đời sống hiện đại, câu đối vẫn rất được chuộng, đặc biệt trong những ngày Xuân vui tươi, đầy ý nghĩa của cả đất trời, của đất nước, của xã hội, của lòng người!

Nguyễn Minh Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo