Thứ Ba, ngày 25 tháng 3 năm 2025

Cần xây dựng thế trận phòng không nhân dân liên hoàn, rộng khắp, vững chắc

Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM Hà Phước Thắng điều hành hội thảo

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 11/4, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật Phòng không nhân dân và Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM Hà Phước Thắng chủ trì hội thảo.

Dự án Luật Phòng không nhân dân gồm 8 Chương, 55 Điều, quy định rõ phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc tổ chức, nội dung, điều khoản hoạt động công tác phòng không nhân dân (PKND); nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các Bộ, Ngành Trung ương, địa phương, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp; công tác bảo đảm an toàn phòng không, quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trong vùng trời Việt Nam…

Tại hội thảo, góp ý dự án Luật PKND, các đại biểu cho rằng, dự án Luật cần hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động PKND, quản lý các hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không. Đồng thời, nâng cao năng lực công tác PKND, phát huy vai trò của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị, đoàn thể, doanh nghiệp và quần chúng nhân dân, góp phần củng cố quốc phòng, an ninh trong tình hình mới và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, cần bổ sung "Thủ đô, vùng Thủ đô trọng điểm PKND". Theo các đại biểu, Thủ đô và vùng Thủ đô là khu vực đặc thù của lãnh thổ Việt Nam, phải được tổ chức PKND với sự quan tâm đặc thù, đặc biệt.

Góp ý về chính sách của Nhà nước về PKND, luật sư Trương Thị Hòa cho rằng, cần xây dựng thế trận PKND liên hoàn, rộng khắp, vững chắc cả trong nội địa, biên giới, trên biển, đảo; phát hiện địch sớm, thông báo, báo động kịp thời, phòng tránh hiệu quả bảo đảm an toàn cho con người; đánh địch từ xa đến gần, trên các hướng.

Góp ý về xây dựng thế trận PKND, các đại biểu cho rằng, cơ quan quân sự địa phương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xác định và đề xuất với Chủ tịch UBND cùng cấp quyết định xây dựng thế trận PKND của địa phương căn cứ vào tình hình an ninh trật tự và địa hình, địa lý của địa phương.

Đại tá Phạm Đức Châu Trần góp ý tại hội thảo Đại tá Phạm Đức Châu Trần góp ý tại hội thảo

Đối với hợp tác quốc tế về phòng không nhân dân, các đại biểu cho rằng, cần bổ sung diễn tập PKND định kỳ hoặc bất thường khi có yêu cầu về tình hình an ninh trật tự.

Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) gồm 8 chương, 47 Điều, quy định rõ quản lý sử dụng vật liệu nổ; Quản lý, sử dụng tiền chất thuốc nổ; Quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ; Tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; Quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ…

Góp ý về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Đại tá Phạm Đức Châu Trần, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh TPHCM cho rằng, cần bổ sung thêm nội dung bom mìn vật nổ sau chiến tranh là tên gọi chung cho các loại bom, mìn, lựu đạn, quả nổ, ngư lôi, thủy lôi, vật liệu nổ, đầu đạn tên lửa, đạn pháo và đầu đạn pháo, các loại đạn, ngòi nổ, thuốc nổ, phương tiện gây nổ còn tồn lưu sau chiến tranh.

Góp ý về thủ tục cấp Giấy phép sửa chữa công cụ hỗ trợ, Luật sư Trương Thị Hòa đề nghị xem xét lại quy định phải có Giấy phép sửa chữa công cụ hỗ trợ vì việc sử dụng, mua bán công cụ hỗ trợ đã được kiểm soát bằng giấy phép, sửa chữa các công cụ hỗ trợ không làm thay đổi về số lượng, chủng loại các công cụ hỗ trợ, vì vậy không cần thiết phải kiểm soát bằng giấy phép. Hơn nữa, yêu cầu hoạt động này phải xin phép sẽ phát sinh thủ tục hành chính khá lớn.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo