Thứ Sáu, ngày 3 tháng 1 năm 2025

Cần đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy, tạo được cảm hứng cho sinh viên khi học các môn lý luận chính trị

Đồng chí Đoàn Văn Báu, Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu kết luận buổi khảo sát

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 13/5, tại trường Đại học Văn Lang, đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Đoàn Văn Báu, Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương làm Trưởng đoàn đã khảo sát việc thực hiện Kết luận số 94-KL/TW ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Cùng tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Nguyễn Thanh Đoàn, Trưởng Phòng Khoa giáo, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thị Là, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối Đại học, Cao đẳng TP; Võ Văn Tuấn, Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Văn Lang; PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang.

Báo cáo tại buổi làm việc, PGS. TS. Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết các bộ môn Lý luận chính trị (LLCT) thuộc Khoa Khoa học Cơ bản Trường Đại học Văn Lang phụ trách giảng dạy cho sinh viên đại học và giảng dạy Triết học cho chương trình sau đại học. Năm 2019, thực hiện nội dung chương trình mới, môn LLCT được chuyển từ 3 môn sang 5 môn. Căn cứ vào điều kiện thực tế, Trường đã sắp xếp, tổ chức lại các bộ môn này thành 3 bộ môn, gồm: bộ môn Triết học và Chủ nghĩa xã hội khoa học (CNXHKH); bộ môn Kinh tế chính trị Mác - Lênin; bộ môn Lịch sử Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Hiện nay, Bộ môn có 19 giảng viên: 1 phó giáo sư, 7 tiến sĩ, 11 thạc sĩ. Thuận lợi lớn nhất mà các môn LLCT có được là sự chỉ đạo sâu sát, quan tâm, tạo điều kiện của Ban lãnh đạo Nhà trường; đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn phù hợp, tâm huyết với nghề, tinh thần trách nhiệm cao với công việc. Bên cạnh đó, có một số khó khăn nhất định như: Sinh viên với đa dạng về xuất phát điểm nên không đồng đều về nhận thức; quỹ phòng học dành cho lớp học có quy mô sinh viên lớn chưa nhiều; sự phát triển của xã hội, khoa học công nghệ ảnh hưởng rất lớn đến việc tiếp cận thông tin, xử lí thông tin của sinh viên nên đặt ra cho giảng viên nhiều yêu cầu hơn so với trước đây.

Hằng năm và mỗi học kỳ, Trường đều xây dựng kế hoạch đào tạo, từ đó các khoa triển khai thực hiện, thiết kế chương trình đào tạo cho phù hợp. Đối với các môn LLCT là môn học chung được Phòng Đào tạo sắp xếp thời khóa biểu, các bộ môn phân công giảng viên, thực hiện giảng dạy theo đúng như quy định và kế hoạch đào tạo của Trường. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 diễn ra, để đảm bảo tiến độ học tập và tốt nghiệp của sinh viên, Nhà trường đã triển khai và cho phép các môn LLCT giảng dạy trực tuyến qua phần mềm MS Teams. Từ kết quả bước đầu thực hiện, Nhà trường tiếp tục triển khai giảng dạy các môn học này bằng hình thức blended-learning (vừa dạy - học trực tiếp trên lớp, vừa qua phần mềm MS Teams kết hợp với quá trình tự học của sinh viên trên LMS của Trường). Để đáp ứng với yêu cầu thực tế, các môn LLCT đã từng bước có những cải tiến, điều chỉnh từ nội dung bài giảng, cách thức đánh giá sinh viên đến phương pháp giảng dạy nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo của Trường và quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

Đổi mới phương pháp giảng dạy là một trong những nội dung quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo của Trường, của khoa, của từng bộ môn và từng giảng viên. Vì vậy, trong thời gian vừa qua, các bộ môn rất quan tâm đến việc này. Giảng viên được tham gia tập huấn, học tập các khóa học về phương pháp giảng dạy mới, hiện đại như: Phương pháp giảng dạy online, Phương pháp giảng dạy trực tuyến, Phương pháp giảng dạy tích cực, chuyển đổi số… Trên cơ sở đó, giảng viên đã vận dụng các phương pháp này vào trong quá trình giảng dạy, đánh giá người học góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Trường.

Đồng chí Võ Văn Tuấn, Bí thư Đảng ủy Nhà trường báo cáo trao đổi với đoàn khảo sát Đồng chí Võ Văn Tuấn, Bí thư Đảng ủy Nhà trường báo cáo trao đổi với đoàn khảo sát

Qua quá trình triển khai thực hiện Kết luận 94-KL/TW, Nhà trường cũng có một số đề xuất, kiến nghị: Bộ GD&ĐT cần xem xét về phương thức tổ chức để mở rộng đối tượng tham gia tập huấn để cập nhật kiến thức, thông tin hàng năm bằng nhiều hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến; nội dung tập huấn cần bổ sung thêm những nội dung về chuyên môn cho từng môn học, những điểm mới trong các công trình nghiên cứu khoa học, thành tựu khoa học và định hướng cho giảng viên cách tiếp cận để đưa vào bài giảng phù hợp; cần có một chương trình lý luận chính trị dành riêng cho sinh viên người nước ngoài khi học tập tại Việt Nam...

Kết luận hội nghị, đại diện đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận những kết quả đạt được của Trường Đại học Văn Lang cùng những cố gắng của đội ngũ giảng viên trong thực hiện Kết luận số 94-KL/TW. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo về giáo dục LLCT toàn diện, có chiều sâu. Nhà trường đã chủ động, sáng tạo xây dựng chương trình học tập LLCT phù hợp cho các đối tượng, xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên có chất lượng đáp ứng yêu cầu giáo dục LLCT. Đồng chí mong muốn cán bộ giảng viên của Trường tiếp tục nghiên cứu sâu Kết luận số 94-KL/TW, sáng tạo trong giảng dạy, tạo được cảm hứng cho sinh viên khi học các môn LLCT, tạo ra nhận thức lý luận chính trị đúng để từ đó có hành động chính trị đúng. Đồng thời tiếp thu, tổng hợp kiến nghị, đề xuất để báo cáo, tham mưu giải pháp, nhằm nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân thời gian tới.

Khánh Huy


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo