(Thanhuytphcm.vn) – Ngày 16/5, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê chủ trì hội thảo.
Tại hội thảo, đa số các đại biểu cho rằng, Dự thảo Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến cụ thể hóa quyền của công dân, góp phần hiện thực hóa phương châm công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước nói chung, trong việc cấp, kiểm tra, kiểm soát giấy tờ, thủ tục xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam nói riêng.
Bên cạnh đó, dự án luật cũng khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật, bảo đảm sự đồng bộ và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Đồng thời, nâng cao giá trị pháp lý đối với hoạt động quản lý nhà nước về xuất, nhập cảnh, trong đó cũng xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cũng như công dân Việt Nam và góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về xuất, nhập cảnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Góp ý cho dự thảo luật, một số ý kiến cho rằng quy định tại Khoản 3, Điều 6 “Hộ chiếu là tài sản của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cấp riêng cho từng công dân” là chưa thực sự hợp lý, bởi vì: nếu coi Hộ chiếu là tài sản thì sẽ phải xác định rõ quyền sở hữu, sử dụng, định đoạt của chủ sở hữu.
Có ý kiến đề nghị cần bổ sung thêm Khoản 3 Điều 6. Cụ thể là: “Hộ chiếu còn thời hạn có giá trị thay thế căn cước công dân, chứng minh nhân dân trong một số trường hợp pháp luật quy định”. Bởi vì chỉ trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn như: di chuyển bằng máy bay, tàu lửa, tàu thủy… Hộ chiếu mới có thể thay thế cho căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân, chứ không thể thay thế hoàn toàn trong mọi hoạt động của công dân được.
Phó Trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP Lê Mạnh Hà đề nghị cần cấp số hộ chiếu trùng với số định danh cá nhân của Căn cước công dân (CCCD), nhưng khác phần chữ phía trước để phân biệt. Bên cạnh đó, cần quy định thời hạn của hộ chiếu như thời hạn của Giấy căn cước công dân với người từ đủ 14 tuổi trở lên. Tuy nhiên, việc cấp giấy CCCD có bất cập về mốc tuổi nên có thể CCCD chỉ mấy tháng phải đổi, vì vậy thêm phần quy định thời gian 3 năm sử dụng qua các mốc tuổi mà CCCD quy định
Một số ý kiến đề nghị bổ sung dự thảo quy định tại Khoản 4, Điều 6, Dự thảo luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, trong đó cần quy định rõ thời gian gửi thực hiện của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, đề xuất quy định rõ trong không quá 3 ngày làm việc, không nên chỉ quy định chung chung là thực hiện ngay như dự thảo.