Thứ Bảy, ngày 6 tháng 7 năm 2024

Cần các giải pháp đồng bộ giúp doanh nghiệp vượt khó và tăng cường năng lực nội sinh

Các đại biểu thảo luận tại diễn đàn

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 19/9, sau phiên khai mạc, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 đã diễn ra hai phiên thảo luận chuyên đề với chủ đề: “Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó”; “Nâng cao năng suất lao động, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh mới”.

Phiên thảo chuyên đề thứ 1 với chủ đề “Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó” tập trung vào việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng vào các vấn đề khó khăn của doanh nghiệp, khả năng hấp thụ vốn, chính sách tài khoá, chính sách tiền tệ và các chính sách khác giúp doanh nghiệp vượt khó và tăng cường năng lực nội sinh…

Tại đây, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam đang đối diện với những thách thức to lớn. Trong 8 tháng đầu năm 2023, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và tái gia nhập thị trường vẫn giảm nhẹ khoảng 0,03% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý số doanh nghiệp ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường tăng đến 15,6% so với 8 tháng đầu năm 2022, lên tới 124.700 doanh nghiệp. Đây là một chỉ báo quan trọng cho thấy “sức khỏe” của khu vực doanh nghiệp đáng báo động.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trình bày tham luận "khơi thông nguồn lực, phát huy nội lực, đưa nền kinh tế sớm phục hồi và bứt phá phát triển" cũng nhấn mạnh, để bảo đảm lưu thông các nguồn lực trong nền kinh tế thị trường, cần hạn chế phân bổ nguồn lực theo cơ chế “xin – cho”, “hành chính”; ưu tiên thúc đẩy phát triển các thị trường, đặc biệt là các thị trường “đầu vào”, tạo cơ sở để việc phân phối các nguồn lực diễn ra theo đúng nguyên tắc thị trường (cạnh tranh). Các thị trường đầu vào càng đồng bộ, hiệu quả phát triển càng cao. Theo PGS-S Trần Đình Thiên, cần đảm bảo hạ tầng thông suốt, cơ chế thông thoáng, vận hành thông minh. Đó là những đúc kết mang tính nguyên tắc – nguyên lý, nhưng thực chất là trực tiếp hướng tới giải quyết những vấn đề căn cốt đang đặt ra cho cho nền kinh tế Việt Nam ở khía cạnh tạo động lực và giải phóng năng lực phát triển.

Tại phiên thảo luận, GS.TS Tô Trung Thành, trường Đại học Kinh tế Quốc dân nêu ý kiến cho rằng, một trong những trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay là thủ tục hành chính, quy trình tiếp cận gói hỗ trợ. Do đó, để chính sách đến doanh nghiệp thì cần cải cách, xử lý minh bạch đối tượng và giảm thiếu thủ tục quy trình tiếp cận gói hỗ trợ. Cần giải pháp đặc thù cho nhóm đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Về ngành nghề, do dư địa chính sách đang bị thu hẹp dần, do đó, cần tập trung chính sách cho các ngành lĩnh vực có tính lan tỏa thì mới có thể sử dụng nguồn lực hiệu quả.

Trong khi đó, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú khi đề cập về vấn đề điều hành chính sách tiền tệ từ nay đến hết năm và đầu năm 2024 đã nêu, Ngân hàng nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, đồng thời tạo dư địa, tạo thanh khoản cho thị trường, cho nền kinh tế, đặc biệt thanh khoản cho các tổ chức tín dụng để tạo dư địa cho các ngân hàng thương mại có giá vốn rẻ để có thể cho vay lãi suất thấp. Thời gian tới, Ngân hàng nhà nước sẽ tiếp tục duy trì quan điểm điều hành như vậy, tìm điểm cân bằng giữa lãi suất và tỷ giá và điều hành chặt chẽ, hợp lý để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát.  

Nêu ý kiến tại hiên thảo luận, ông Jochen Schmittmann, Đại diện thường trú Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam nhận định, nếu lạm phát được duy trì trên toàn cầu, cần có chính sách tài khóa tiền tệ chặt chẽ hơn. Đối với Việt Nam, tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm xuống 3,7% trong những tháng đầu năm 2023, nhưng về tương lai, kinh tế Việt Nam có thể phục hồi, nhất là xuất khẩu và tín hiệu tích cực từ thị trường bất động sản. Tuy vậy, Việt Nam sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nhu cầu hàng hóa giảm xuống ảnh hưởng đến thị trường, trong đó có thị trường lao động. Do đó, cần có giải pháp ứng phó phù hợp, trong đó cần có các chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn trong thời gian tới…

Chuyên đề thảo luận thứ 2 với chủ đề “nâng cao năng suất lao động, đảm bảo an sinh trong bối cảnh mới”. Phát biểu tại đây, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho biết, nâng cao năng suất lao động là động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng quy mô của nền kinh tế, đẩy mạnh quá trình tái sản xuất mở rộng, thích ứng với xu thế toàn cầu và chống chọi tốt với các cú sốc từ bên ngoài; cải thiện thu nhập và điều kiện làm việc cũng như tạo việc làm, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển lành mạnh, bền vững.

Tiến sĩ Nguyễn Lê Hoa, Trưởng phòng nghiên cứu năng suất, Viện Năng suất Việt Nam cho rằng, năng suất lao động Việt Nam thấp; thiếu hụt lao động lành nghề có kỹ năng cao; thành phần kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng lớn nhưng hầu hết là quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên khó có thể nâng cao năng suất lao động trong lĩnh vực này. Tiến sĩ Nguyễn Lê Hoa cho rằng, thời gian tới, các hoạt động thúc đẩy nâng cao năng suất lao động Việt Nam cần được triển khai mạnh mẽ hơn. Trong đó, tập trung vào liên kết phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương để xây dựng các chính sách đồng bộ và xuyên suốt; tạo điều kiện thúc đẩy nguồn lực và tạo điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân phát huy vai trò trong việc tăng năng suất lao động; tăng năng lực thực thi chính sách thúc đẩy năng suất, tập trung vào ngành đóng góp giá trị gia tăng cao và sử dụng nhiều lao động.

Phát biểu tham luận, ông Felix Weidencaff, chuyên gia về việc làm, Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Khu vực Châu Á Thái Bình Dương nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng năng suất. Ông cho rằng, Việt Nam cần có động lực mới về tăng trưởng năng suất. Theo đó, chuyển đổi, phát triển kinh tế bền vững và chuyển đổi việc làm, tăng năng suất lao động cần đi đôi với nhau. Bên cạnh đó, cần hoàn thể chế và chính sách của thị trường lao động để giải quyết những thách thức kép đặt ra… Việt Nam cũng cần phát triển nguồn nhân lực và tăng cường việc làm để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế tri thức, công nghệ và công nghiệp 4.0; thay đổi bản chất của thất nghiệp và những thách thức mới; thiết lập hệ thống thông tin thị trường lao động hiệu quả. Đồng thời, tăng năng suất và việc làm bền vững, đặc biệt tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo