Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM đạt Chứng nhận Kim cương trong điều trị đột quỵ

Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 25/11, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, bệnh viện đã đạt chứng nhận Kim cương trong lĩnh vực điều trị đột quỵ được cấp bởi Tổ chức Đột quỵ Thế giới (WSO).

TS.BS. Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Trung tâm Khoa học Thần kinh, Trưởng Đơn vị Đột quỵ Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cho biết, chứng nhận Kim cương là chứng nhận dành cho các đơn vị và trung tâm đột quỵ đạt hàng loạt tiêu chuẩn khắt khe và nghiêm ngặt do WSO đề ra. Các chỉ số cần đạt được liên quan đến quy trình cấp cứu và điều trị đột quỵ như: thời gian từ cửa bệnh viện đến lúc được tiêm thuốc tan cục máu (thời gian cửa - kim), thời gian từ lúc người bệnh đến cửa bệnh viện đến khi được đâm kim can thiệp lấy huyết khối (thời gian cửa - can thiệp), tỉ lệ người bệnh được chụp CT hoặc MRI cấp cứu, tỉ lệ người bệnh đột quỵ được điều trị tái thông...

Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM đã đạt được một loạt các chỉ số chất lượng cao nhất trong lĩnh vực này. Các chỉ số đáng chú ý bao gồm: Thời gian cửa - kim chỉ trong không tới 30 phút, so với tiêu chuẩn chung là dưới 60 phút. Thời gian cửa - can thiệp nằm trong mức tối ưu; 100% người bệnh nghi đột quỵ đều được chẩn đoán bằng CT hoặc MRI trong vòng 15 phút đầu tiên, trong khi mức tiêu chuẩn đặt ra là 45 phút. Đáng chú ý nhất, tỷ lệ người bệnh đột quỵ được điều trị tái thông hiện nay đã đạt mức hơn 25%. Không có bất kỳ ca bệnh đột quỵ nào bị bỏ sót hoặc chậm trễ trong quá trình cấp cứu, điều trị và chăm sóc tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM.

TS.BS. Nguyễn Bá Thắng khuyến cáo, hiện nay, vẫn còn những quan niệm sai lầm khi cấp cứu đột quỵ như: cạo gió, trích máu, cúng bái; uống thuốc truyền miệng; vận chuyển người bệnh bằng xe 2 bánh, chờ cho người bệnh khỏe lại… Đây là những nguyên nhân khiến người bệnh không được cấp cứu đúng cách, gây nhiều hậu quả đáng tiếc. Với những trường hợp có dấu hiệu bị đột quỵ cần nhanh chóng đưa người bệnh vào bệnh viện càng sớm càng tốt để được cấp cứu và điều trị kịp thời.

Ng. Nam


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo