Các đoàn thể thao đã hòa vào nhau tạo ra bầu không khí sôi động trên Sân vận động quốc gia Nhật Bản(Thanhuytphcm.vn) - Tối 8/8, Lễ bế mạc Olympic Tokyo 2020 đã diễn ra trên Sân vận động Quốc gia Nhật Bản, chính thức khép lại kỳ Thế vận hội đặc biệt nhất trong lịch sử sau 17 ngày tranh tài.
Chương trình lễ bế mạc được đơn giản hóa do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Số lượng người tham dự ít hơn do nhiều đoàn thể thao đã về nước sau khi thi đấu xong. Lễ bế mạc Thế vận hội Tokyo vẫn không có khán giả vào theo dõi trực tiếp để phòng tránh dịch bệnh.
Chủ đề của Lễ bế mạc Olympic 2020 là "Worlds We Share". Ban tổ chức muốn phản ánh tinh thần Olympic và "thể hiện ý tưởng rằng mỗi chúng ta đều sống trong thế giới của riêng mình", chúng ta chia sẻ điều đó, để kết nối lại, cùng vượt qua khó khăn.
Ông Thomas Bach, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế phát biểu tại lễ bế mạcLễ bế mạc Olympic Tokyo được bắt đầu bằng màn pháo hoa rực rỡ. Sau lễ thượng cờ Nhật Bản, đại diện của hơn 200 đoàn thể thao với lá cờ của quốc gia mình tiến ra sân vận động Olympic. Khác với Lễ khai mạc, các đoàn thể thao đã hòa vào nhau tạo ra bầu không khí sôi động trên Sân vận động Quốc gia Nhật Bản. Tại vòng tròn trung tâm, các nghệ sĩ, vận động viên cùng nhau trình diễn các trò chơi dân gian của Nhật Bản, biểu diễn một số môn vừa tranh tài tại Olympic.
Tại lễ bế mạc, Ban tổ chức đã tiến hành trao huy chương cho các VĐV đạt thành tích cao của hai nội dung marathon nam và nữ. Một lễ trao huy chương đặc biệt nhất của Olympic Tokyo lần này. Ở nội dung marathon của nữ, HCV và HCB đều thuộc về các VĐV của Kenya - Peres Jepchirchir và Brigid Kosgei, chân chạy người Mỹ Molly Seidel giành HCĐ. Ở nội dung marathon của nam, VĐV marathon huyền thoại người Kenya Eliud Chipchoge giành HCV, HCB thuộc về Abdi Nageeye của Hà Lan, còn VĐV người Bỉ Bashir Abdi nhận HCĐ.
Trao cờ đăng cai Thế vận hội tiếp theo cho Pháp, chủ nhà Olympic Paris 2024Có thể nói, Olympic Tokyo 2020 đã để lại nhiều ấn tượng khó quên, nhất là những nỗ lực, cố gắng của nước chủ nhà Nhật Bản, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức từ dịch bệnh Covid-19 và những yếu tố khác. Theo Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) Thomas Bach, Olympic Tokyo là kỳ thế vận hội được chuẩn bị kỹ lưỡng và công phu nhất.
Ở phần cuối của Lễ bế mạc Olympic Tokyo, Ban tổ chức tiến hành trao cờ Olympic cho quốc gia đăng cai Thế vận hội tiếp theo - nước Pháp. Kỳ Olympic thứ 33 trong lịch sử sẽ diễn ra vào năm 2024 ở Paris.
Trao huy chương cho các VĐV chiến thắng nội dung marathon tại lễ bế mạcKết thúc Olympic Tokyo, đoàn thể thao Mỹ đã có cuộc bứt phá ngoạn mục để đoạt ngôi đầu chung cuộc bảng tổng sắp huy chương. Từ chỗ kém đoàn Trung Quốc 5 HCV trước 2 ngày thi đấu cuối của Olympic 2020, đoàn Mỹ đã vượt lên ngôi đầu đầy kịch tính. Ở ngày thi đấu ngày áp chót của Olympic, các VĐV Mỹ đã giành đến 5 HCV và thu hẹp khoảng cách với đoàn dẫn đầu là Trung Quốc xuống 2 HCV. Và trong ngày thi đấu cuối, Mỹ đoạt thêm 3 HCV với sự thăng hoa của bóng rổ nữ, bóng chuyền nữ và đua xe đạp lòng chảo. Kết quả này vừa đủ để đoàn Mỹ vượt mặt Trung Quốc với nhiều hơn 1 HCV để giành ngôi nhất toàn đoàn. Đây là lần thứ 10 trong lịch sử và là lần thứ 3 liên tiếp Mỹ nhất toàn đoàn tại một kỳ Olympic. Mỹ giành tổng cộng 39 HCV, 41 HCB, 33 HCĐ. Trung Quốc xếp nhì toàn đoàn với 38 HCV, 32 HCB, 18 HCĐ. Đoàn chủ nhà Nhật Bản đứng thứ 3 sau khi giành tổng cộng 27 HCV, 14 HCB và 17 HCĐ. Trong top 10 còn có Vương quốc Anh (22 HCV), Ủy ban Olympic Nga (20 HCV), Úc (17 HCV), Hà Lan, Đức, Pháp và Ý cùng có được 10 HCV. Có tổng cộng 93 đoàn giành được huy chương, trong đó có 65 đoàn giành HCV trong tổng số 340 tấm HCV được trao tại Olympic 2020. Tính riêng khu vực Đông Nam Á, Philippines trở thành đoàn thể thao thành công nhất khi giành được 1 HCV, 2 HCB và 1 HCĐ. Đứng tiếp theo là Indonesia với 1 HCV, 1 HCB và 3 HCĐ. Hai đoàn Đông Nam Á còn lại có huy chương là Thái Lan với 1 HCV, 1 HCĐ, còn Malaysia đoạt 1 HCĐ. Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic lần này không giành được tấm huy chương nào.