ĐB Dương Ngọc Hải (TPHCM) (Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 30/10, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Về dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều đồng ý ban hành nghị quyết; mở rộng phạm vi áp dụng và rút ngắn thời gian thí điểm (hiện dự kiến 3 năm).
Từ thực tiễn quản lý ngành, ĐB Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, Công an TP Hà Nội đang phải quản lý số lượng vật chứng, tài sản rất lớn, có những loại tồn đọng nhiều năm nay. Tình trạng này gây ra lãng phí vô cùng lớn. Trước hết là lãng phí chính tài sản, vì để lâu bị mất giá trị. Thứ 2, là phải xây dựng, vận hành hệ thống kho vật chứng. Thứ 3, phải có người trông coi.
“Mới đây, chúng tôi tiếp nhận mấy chục tấn đất hiếm là tang vật vụ án, không biết làm thế nào để không làm mất giá trị chứng minh, không thất thoát. Thế là phải xây cả một cái nhà tạm để giữ” - ĐB Nguyễn Hải Trung nêu. ĐB cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo nghị quyết quá hẹp, chỉ áp dụng cho một số vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực chỉ đạo, do đó, cần mở rộng phạm vi điều chỉnh và rút ngắn thời gian thí điểm.
ĐB Dương Ngọc Hải (TPHCM) cũng đề cập đến những vướng mắc trong quá trình xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, cho rằng, có những vụ kéo dài hàng chục năm chưa chưa được giải quyết, đến khi vụ án được khởi tố và đưa ra xét xử, các đối tượng đã có thời gian để thực hiện hành vi tẩu tán tài sản. Vì vậy, ĐB cho rằng, nghị quyết thí điểm là rất cần thiết, nhằm giải quyết triệt để các vướng mắc đó, đồng thời phục vụ cho công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời điểm hiện nay. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, kể cả khi xử lý các nguồn tin về tội phạm, việc xử lý vật chứng, tài sản cần diễn ra sớm, để tài sản có thể được đưa vào khai thác sử dụng, tránh lãng phí. ĐB Nguyễn Thanh Sang (TPHCM) cũng nhận định, phạm vi thí điểm còn hạn chế, chưa bao quát hết các trường hợp cần thiết; đề xuất nghị quyết nên cho phép thí điểm áp dụng với các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận tổ Một vấn đề khác mà các ĐB chỉ ra là tài sản tiền mặt đang bị thu giữ hàng tỷ, hàng chục tỷ đồng, hiện tại chúng được giữ trong tài khoản tạm giữ mà không sinh lãi. Nếu có cơ chế để chuyển số tiền này vào tài khoản ngân hàng, số tiền lãi sinh ra có thể được sử dụng để khắc phục hậu quả cho người bị hại, hoặc nếu tài sản bị xung công, lãi này sẽ trở thành tài sản của Nhà nước. Hiện nay, hàng ngày và hàng giờ tài sản thu giữ đang bị lãng phí vì không sinh lời.
Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, “vấn đề nào đã thấy, đã rõ, đã chín, được thực tế kiểm nghiệm, chứng minh thì chúng ta sửa, còn vấn đề chưa rõ, chưa chín, chưa được thực tế chứng minh thì tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện khung pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực quốc tế, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư vào sản xuất kinh doanh”.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Luật Đầu tư, Luật PPP phải bảo đảm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Vừa qua áp dụng các luật này cho thấy, muốn thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài vào thì phải sửa đổi một số điều khoản. Luật Đấu thầu cũng phải sửa đổi để bảo đảm chọn được nhà thầu có năng lực, thi công được các công trình chất lượng, tầm cỡ quốc gia. Hiện nay, chúng ta đang triển khai xây dựng các tuyến đường cao tốc từ miền Bắc, miền Trung, miền Nam; xây dựng sân bay quốc tế Long Thành; sắp tới, Quốc hội cũng sẽ bàn, cho ý kiến về chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với số vốn dự kiến khoảng 67 tỷ USD...
Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM thảo luận tại tổ Chủ tịch Quốc hội cũng nhắc lại khi Quốc hội thông qua một luật sửa Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng thì Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cam kết trong tháng 7/2024 cả Trung ương và địa phương sẽ hoàn thành tất cả các hướng dẫn, nhưng đến tháng 9 mới cơ bản ban hành xong nghị định, thông tư và đến bây giờ nhiều địa phương vẫn chưa có hướng dẫn. “Địa phương chưa hướng dẫn thì làm sao thực hiện được là 4 cái luật này? Đây là vấn đề chúng ta hứa trước Quốc hội, tức là hứa trước quốc dân đồng bào nên phải có cam kết chính trị quyết liệt thực hiện cho đúng”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, các nội dung Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung tại kỳ họp này thì Quốc hội ủng hộ, nhưng đồng thời phải có cam kết chính trị bảo đảm thực hiện nghiêm túc những vấn đề đã hứa. Theo đó, dự án Luật sửa đổi, bổ sung phải bảo đảm 3 vấn đề: trình tự, thủ tục; hồ sơ; phải chất lượng.
Để bảo đảm thông qua dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tán thành quan điểm của Ủy ban Kinh tế tại Báo cáo thẩm tra. Trong đó, cần tập trung vào một số vấn đề: danh mục dự án trong nội dung các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh phải rõ; thủ tục đầu tư đặc biệt thì thế nào là đặc biệt - phải phân tích, làm rõ; về phân cấp thêm cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với các dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển, đặc biệt quy mô vốn đầu tư là dưới 2.300 tỷ đồng cũng phải quy định cho rõ…