Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Loạt bài “Để cuộc sinh hoạt chi bộ có ý nghĩa thiết thực”

Bài 6: Sinh hoạt chi bộ với sự trưởng thành của các đảng viên trẻ

Một buổi sinh hoạt của Chi bộ Trường THPT Tây Thạnh, quận Tân Phú. (Ảnh minh họa)

(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Đảng viên trẻ ở đây là chỉ những đảng viên ít tuổi hơn nhiều so với các đảng viên khác hoặc các đảng viên mới được kết nạp. Đặc điểm chung của những đảng viên này là ít nhiều còn bỡ ngỡ với môi trường sinh hoạt chi bộ, có thể có những rụt rè nhất định, chưa có nhiều kinh nghiệm trong ứng xử với các công việc của chi bộ nói chung và các diễn biến của sinh hoạt chi bộ nói riêng, có khi còn hạn chế về việc nắm bắt các nguyên tắc, các quy định của Đảng… Do đó, để giúp đảng viên trẻ nâng cao nhận thức, kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng… thì việc tổ chức các cuộc sinh hoạt chi bộ đúng quy định, có chất lượng cũng để họ trưởng thành hơn.

Ở một số loại hình tổ chức đảng như trường đại học, doanh nghiệp, khu phố…, có sự cách biệt đáng kể về tuổi đời và tuổi đảng giữa các đảng viên. Chẳng hạn, ở chi bộ một khoa của trường đại học, có thể có đảng viên là giảng viên lớn tuổi, trên dưới 40 tuổi đảng với đảng viên là cán bộ giáo vụ, thư ký hoặc giảng viên trẻ chỉ vừa được kết nạp; hoặc ở chi bộ doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp hay thành viên ban quản trị có thể lớn tuổi, đã vào Đảng lâu năm nhưng cũng có đảng viên mới vào làm; hay ở chi bộ khu phố, có đảng viên là cán bộ hưu trí trên dưới 60 tuổi đảng với đảng viên là cán bộ đoàn ở khu phố, công chức ở UBND phường rất trẻ… Kể cả chi bộ văn phòng của một số cơ quan có các đồng chí lãnh đạo cao cấp sinh hoạt thì gần như luôn tồn tại khoảng cách rất lớn giữa đảng viên là đồng chí lãnh đạo cao nhất với đảng viên là chuyên viên, nhân viên. Sự cách biệt tuổi đời, tuổi đảng, vị trí, chức vụ của các đảng viên trong chi bộ ít nhiều có tác động đến tâm lý và cách ứng xử của các đảng viên trẻ.

Điều này cần được bí thư, cấp ủy thật sự chú ý và có cách ứng xử phù hợp. Đặc biệt, trong sinh hoạt chi bộ, nên quan tâm nhiều biện pháp để rút ngắn sự cách biệt đó.

Đầu tiên, người chủ trì phải bảo đảm cuộc sinh hoạt chi bộ bám sát các quy định của Đảng về việc tiến hành cuộc sinh hoạt. Chẳng hạn, việc mở đầu là điểm danh thì phải làm rõ ai có mặt, ai vắng, vắng có lý do hay không, người đó có thường vắng không, nguyên nhân…; nếu có đảng viên hay vắng, hay đi trễ thì người chủ trì cần nhắc nhở và có biện pháp chấn chỉnh, không nên vì vị nể mà làm kỷ cương của chi bộ bị buông lỏng. Tiếp đó là việc đóng đảng phí; từng đảng viên phải thực hiện nghĩa vụ này và trực tiếp ký tên vào sổ thu đảng phí; không nên vì có đảng viên cậy mình là người trên trước mà hay “quên” và cũng không ai nhắc, bởi nếu có nhiều lần không đóng đảng phí thì theo quy định phải xem xét tư cách đảng viên của đồng chí đó…

Điều dĩ nhiên, bí thư chi bộ, người chủ trì nên cố gắng tạo sự bình đẳng tốt nhất có thể về vị trí, tuổi tác trong cuộc sinh hoạt. Nếu người chủ trì cứ tỏ ra khúm núm, đề cao quá mức một số đảng viên nào đó thì gần như mặc nhiên tạo ra các “vùng cấm” để các đảng viên khác không thể “xâm phạm” đến, dù trao đổi ý kiến, góp ý, càng khó tranh luận hoặc phê bình. Dù có đảng viên là lãnh đạo cấp cao, là bậc trên trước, là người từng giữ vị trí rất quan trọng tại đơn vị… thì về mặt nguyên tắc, trong cuộc sinh hoạt này, các đảng viên vẫn bình đẳng với nhau, các ý kiến vẫn cần được tôn trọng như nhau, mỗi lần đưa tay biểu quyết hoặc mỗi lá phiếu của mỗi người thì vẫn tương đương nhau.

Thí dụ, trong chi bộ khu phố, có đảng viên hưu trí nguyên là cán bộ lãnh đạo cao cấp, đã trên 60 tuổi đảng, còn đồng chí bí thư là người buôn bán tự do, chỉ vài tuổi đảng và đáng tuổi con cháu của đồng chí đảng viên hưu trí; khi chủ trì và điều hành cuộc sinh hoạt, đồng chí bí thư không thể xem đồng chí đảng viên hưu trí là bậc cha chú mà bỏ qua các nguyên tắc, như trong xưng hô, trong điều khiển cuộc họp hay quyết định các nội dung cuộc họp. Chẳng hạn, nếu đồng chí đảng viên hưu trí phát biểu quá dài thì người chủ trì phải nhắc nhở; nếu đồng chí ấy có ý chụp mũ ý kiến của đồng chí khác thì người chủ trì phải có ứng xử khéo léo để không làm cuộc họp căng thẳng hoặc gây ức chế cho các bên…

Trong việc phân công các công việc thì người chủ trì cũng nên phát huy vai trò của các đảng viên, tùy theo điều kiện, năng lực, sức khỏe…, sao cho có thể phát huy tốt nhất thế mạnh, sở trường của từng đồng chí. Chẳng hạn, nên quan tâm để đảng viên lớn tuổi, có nhiều kinh nghiệm tham gia góp ý các dự thảo văn kiện của cấp trên khi có yêu cầu hoặc cho ý kiến trước chương trình công tác năm của chi bộ và phân công một đảng viên trẻ làm công tác tổng hợp (trước khi lấy ý kiến trong chi bộ). Như vậy, đảng viên có nhiều kinh nghiệm thường sẽ có những góp ý sâu sắc mà đảng viên trẻ thì vừa thực hiện công việc tổng hợp nhanh chóng vừa có điều kiện nắm bắt các góp ý đó để bổ sung kiến thức cho mình. Người chủ trì không nên chỉ phân công công việc cho một số đảng viên mà vị nể, không phân công công việc cho các đảng viên khác, vì vậy sẽ không phát huy được trí tuệ, kinh nghiệm, trách nhiệm, tinh thần muốn đóng góp của các đồng chí đó, đồng thời tạo ra sự biệt lệ không cần thiết.

Đặc biệt là trong việc phát biểu, thường một số đảng viên trẻ ngại có ý kiến, nhất là khi trong chi bộ có sự cách biệt lớn về tuổi tác, vị trí… Nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên sẽ tạo nên sức ỳ, sự thụ động cho các đảng viên trẻ, đồng thời cũng trở thành khuyết điểm của các đồng chí đó khi kiểm điểm, phân tích chất lượng đảng viên. Do đó, người chủ trì nên quan tâm, đặt câu hỏi trực tiếp hoặc chỉ định đích danh và khích lệ để các đảng viên trẻ phát biểu. Trong trường hợp cần thiết, có thể đặt ra các tình huống, các vấn đề mà người chủ trì biết rõ là sẽ có đảng viên trẻ nắm chắc và có ý kiến xác đáng; từ đó sẽ tạo sự tự tin cho đảng viên đó và khuyến khích các đảng viên trẻ khác tham gia phát biểu. Nếu các đảng viên có ý kiến tích cực thì nên công khai khen ngợi để tạo sự động viên; nếu các đảng viên có ý kiến chưa phù hợp thì nên nhắc nhở riêng để đồng chí đó rút kinh nghiệm cho những lần sau.

Sự trưởng thành của đảng viên trẻ gắn với các cuộc sinh hoạt chi bộ có thể biểu hiện qua việc nắm chắc các nguyên tắc và quy định về sinh hoạt chi bộ nói riêng và sinh hoạt đảng nói chung. Chẳng hạn, trong các cuộc sinh hoạt định kỳ, đảng viên trẻ hiểu thế nào là nguyên tắc tập trung dân chủ, thế nào là tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thế nào là tự phê bình và phê bình, thế nào là tình đồng chí yêu thương lẫn nhau… Tức là về mặt nhận thức, đảng viên trẻ hiểu rõ và thực hiện tốt các nguyên tắc, xác định được đúng vai trò, vị trí của mình trong chi bộ, không tự ti, không thụ động nhưng cũng thể hiện rõ lớp lang, thứ bậc trong những trường hợp cần thiết.

Sự trưởng thành dĩ nhiên còn thể hiện qua việc hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn và các công việc được giao. Bởi các cuộc sinh hoạt chi bộ được tổ chức tốt sẽ tạo điều kiện cho đảng viên được học tập, được khích lệ và rút kinh nghiệm cho bản thân, từ đó bổ sung kiến thức, cải thiện kỹ năng, nâng cao trách nhiệm và có thể hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn. Đồng thời, với các công việc cụ thể được phân công trong chi bộ một cách hợp lý, các đảng viên trẻ dần nâng cao vai trò và vị trí của mình, ngày càng đóng góp nhiều hơn cho chi bộ.

Còn ngược lại, nếu chi bộ không tổ chức được các kỳ sinh hoạt đúng quy định, không có chất lượng, thì đảng viên trẻ thấy cuộc sinh hoạt thật chán nản, vô bổ, thậm chí thấy vào Đảng không có ý nghĩa tích cực. Khi đó, các đảng viên trẻ khó trưởng thành mà chi bộ cũng không phát huy được vai trò lãnh đạo. Trách nhiệm này của bí thư và cấp ủy là rất lớn!

Vân Tâm


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo