Đội phản ứng nhanh số 2 Bệnh viện Chợ Rẫy lên đường chi viện cho tỉnh Gia Lai (Thanhuytphcm.vn) - Cuối tháng 1/2021, dịch bệnh Covid-19 lại một lần nữa bùng phát mà tâm điểm là 2 tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương và bắt đầu lan rộng sang một số địa phương khác. Và như thường lệ, đội ngũ y bác sĩ TPHCM lại lên đường chi viện, chia lửa cho tuyến đầu.
Sẵn sàng lên đường
Là một trong 3 người đầu tiên chi viện cho Đà Nẵng, bác sĩ trẻ Ngô Việt Anh vẫn nhớ như in chuyến công tác dài nhất mình từng trải qua. Anh kể, 12 giờ nhận được lệnh điều động thì 3 giờ đội phản ứng nhanh đã có mặt ở sân bay để chi viện cho Đà Nẵng. Trong vài giờ đồng hồ ngắn ngủi ấy, các anh phải vừa chuẩn bị tư trang cá nhân vừa chuẩn bị trang thiết bị, vật tư y tế đưa ra Đà Nẵng. Không kịp chào bố mẹ, không kịp tạm biệt người vợ mới cưới, cứ thế bác sĩ Việt Anh đến với “chảo lửa” Đà Nẵng và cùng chia lửa với các đồng nghiệp trong thời gian gần 40 ngày đêm.
TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy căn dặn bác sĩ Nguyễn Thanh Linh trước khi lên đường chi viện cho tỉnh Gia Lai Tương tự, với điều dưỡng trẻ Nguyễn Thị Minh Thúy (Khoa Hồi sức cấp cứu, BV Chợ Rẫy), quyết định đi đến tâm dịch Quảng Nam được chị đưa ra chỉ sau vài phút suy nghĩ. Và đến bây giờ chị vẫn cho rằng đó là một quyết định đúng đắn bởi chị đã có chuyến công tác đáng nhớ nhất trong cuộc đời. Trong tình thế cấp bách, khi đặt chân đến Quảng Nam, chị và các đồng nghiệp không hề ngơi nghỉ, xông luôn vào trận chiến. Chị và đội ngũ y bác sĩ TPHCM được phân công nhiệm vụ thành lập một đơn vị điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam. “Lúc mới ra ngoài đó, chúng tôi hoang mang lắm vì không biết bắt đầu từ đâu, mọi thứ rất ngổn ngang và thiếu thốn”, chị Minh Thúy kể. Sau khi họp bàn nhanh, chị và các đồng đội chia nhau mỗi người một việc và rất nhanh sau đó, đơn vị hồi sức cấp cứu điều trị riêng cho các bệnh nhân Covid-19 nặng đã được thiết lập tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, chính thức tiếp nhận bệnh nhân nặng đến điều trị.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan động viên tinh thần các y bác sĩ trước khi lên đường chi viện cho tỉnh Gia Lai Không còn “son rỗi” nhưng bác sĩ Bùi Thị Hạnh Duyên – Trưởng Khoa Hồi sức, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cũng gác lại việc gia đình, xếp lại công việc ở cơ quan để tiến vào tâm dịch. Chưa từng điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 nên với bác sĩ Duyên, đây là đợt “thử lửa” đầu tiên của cuộc đời, trải nghiệm những khó khăn, vất vả chưa từng có. "Khi vào tâm dịch, chứng kiến đồng nghiệp vất vả, nhìn thấy ngày càng có nhiều bệnh nhân nhập viện thì chúng tôi dường như quên hết mọi khó khăn, gác lại hết tất cả những mối bận tâm khác, chỉ quyết tâm làm sao điều trị cho bệnh nhân khỏi bệnh để họ được trở về nhà", bác sĩ Duyên chia sẻ.
Điều đặc biệt trong chuyến công tác vào “tâm dịch” của đội ngũ y bác sĩ TPHCM là những tờ giấy điều động công tác bỏ trống thông tin ngày về. Đây là điều hi hữu, chưa từng có tiền lệ trong những chuyến công tác trước đây nhưng họ đều không bận lòng. “Điều đó không quan trọng bởi chúng tôi luôn tự hứa với mình, bao giờ Quảng Nam - Đà Nẵng hết dịch, bao giờ trả lại sự bình yên cho người dân chúng tôi mới trở về”, Th.S-BS Nguyễn Phú Quốc, Bệnh viện Nhân dân 115 trải lòng.
Các bác sĩ TPHCM vận chuyển bệnh nhân mắc Covid-19 nặng Và đúng như lời hứa, đến khi Quảng Nam – Đà Nẵng hết dịch họ mới quay trở về với công việc đời thường. Bác sĩ Ngô Việt Anh kể, đoàn y bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy hơn 10 người rời Đà Nẵng trên chiếc xe 16 chỗ mà không phải bằng máy bay bởi thời điểm đó tất cả anh em đều thuộc diện F1. Đến bữa cơm thì chỉ tài xế xuống mua cơm, sau đó cả đoàn tìm một đoạn đường vắng vẻ xuống xe ăn cơm ngay bên vệ đường. Trong suốt hành trình Đà Nẵng – TPHCM, đoàn y bác sĩ chi viện hoàn toàn không tiếp xúc với bất cứ ai và khi về đến Thành phố thì cách ly tập trung 14 ngày sau đó. “Mình chịu cực khổ một chút để đảm bảo an toàn cho người dân” – Bác sĩ Việt Anh chia sẻ.
Bỏ Tết toàn tâm đuổi dịch Covid-19
Rạng sáng ngày 3/2, đội phản ứng nhanh đầu tiên của Bệnh viện Chợ Rẫy lên máy bay “chi viện” cho tỉnh Gia Lai – địa phương bắt đầu có dấu hiệu bùng phát Covid-19 khi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai phải tạm ngưng hoạt động vì dịch bệnh. TS.BS Phùng Mạnh Thắng, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn – Đội trưởng Đội phản ứng nhanh số 1 chia sẻ: “Tinh thần của các thành viên đội phản ứng nhanh Bệnh viện Chợ Rẫy là luôn sẵn sàng tư trang, hành lý để đi hỗ trợ chống dịch cho các địa phương, chỉ cần có lệnh là chúng tôi lên đường”.
Là thành viên nữ duy nhất, bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ, Phó Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới cho biết, chị và các đồng đội của mình lên đường đến Gia Lai chỉ sau 2 giờ đồng hồ nhận lệnh dù biết chắc chắn rằng tham gia chuyến đi này đồng nghĩa với việc bản thân không có kỳ nghỉ Tết. Chị hóm hỉnh bông đùa: “Lại thêm một năm nữa nàng mất Tết”. Cũng thời điểm này của Tết năm ngoái, bác sĩ Thơ và các đồng nghiệp của Khoa Bệnh Nhiệt đới cũng phải “trực chiến” điều trị cho hai bệnh nhân Covid-19 đầu tiên của Việt Nam là LiDing và Lizhichao. Cũng từ đó suốt một năm qua bằng kinh nghiệm của mình bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ đã trở thành thành viên chủ chốt của đội phản ứng nhanh Bệnh viện Chợ Rẫy sẵn sàng lên đường hỗ trợ các địa phương khi có dịch như Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận…
Điều dưỡng Nguyễn Thị Minh Thúy, Bệnh viện Chợ Rẫy hướng dẫn các đồng nghiệp tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam Đến ngày 4/2, Đội phản ứng nhanh số 2 của Bệnh viện Chợ Rẫy lại tiếp tục lên đường đến với Gia Lai với nhiệm vụ phối hợp Sở Y tế Gia Lai hỗ trợ địa phương và phối hợp với đoàn đã đi trước xác lập các bệnh viện dã chiến tại đây. Bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Đội trưởng Đội phản ứng nhanh số 2 – người được mệnh danh là “bác sĩ 91” khi trực tiếp điều trị cho bệnh nhân 91 (phi công người Anh) và cũng là một trong những người đầu tiên chi viện cho “chảo lửa” Đà Nẵng lại tiếp tục lên đường. Anh tâm sự: “Dịch bệnh bùng phát những ngày qua và khi các đồng nghiệp ở khắp nơi phải gồng mình chống dịch thì chúng tôi không còn nghĩ đến ngày Tết nữa, chỉ mong sao dịch sớm được khống chế để đảm bảo an toàn cho người dân. Với chuyến đi này chúng tôi sẽ giúp cho các đồng nghiệp ở Gia Lai ổn định được tình hình thì mới trở về, không quan tâm ngày về là ngày bao nhiêu”. Trước đó, bác sĩ Linh cũng từng “tả xung hữu đột” khi chi viện cho Đà Nẵng khi nơi đây ở trong tình trạng “nước sôi lửa bỏng”.
Có mặt tại buổi tiễn các nhân viên y tế đến vùng dịch chi viện, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan một lần nữa bày tỏ sự cảm phục trước tinh thần quên mình vì người dân của đội ngũ y bác sỹ. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho rằng tinh thần “quên mình vì cộng đồng” của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế là niềm tự hào của Thành phố. Và niềm tự hào đó chắc chắn sẽ giúp lan tỏa tinh thần “chống dịch như chống giặc” đến với mỗi người dân Thành phố.
Và dẫu cho xuân đã rộn ràng ngoài kia thì các “chiến sĩ áo trắng” vẫn sẵn sàng gác lại niềm vui sum vầy cùng gia đình, lên đường đến với vùng dịch với lời hứa “bao giờ hết dịch mới trở về”. Họ sẵn sàng quên đi hạnh phúc cá nhân, có người phải cạo trọc đầu, có người phải hoãn cả đám cưới, bỏ lại mẹ già, con nhỏ ở lại hậu phương vì sự bình yên của Tổ quốc, vì sự an toàn của nhân dân.