Thứ Năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024

7 bệnh nhân được cứu chữa từ nguồn mô, tạng của thanh niên 18 tuổi bị chết não

Các bác sĩ, nhân viên y tế dành phút mặc niệm tưởng nhớ anh N.P.K người đã hiến mô tạng sau khi chết não.

(Thanhuytphcm.vn) – Ngày 26/11, Bệnh viện Thống Nhất thông tin về trường hợp hiến mô tạng đầu tiên tại bệnh viện và từ nguồn mô tạng được hiến này đã cứu giúp được 7 bệnh nhân khác.

Cứu giúp được 7 bệnh nhân

Đại diện Bệnh viện Thống Nhất thông tin, ngày 17/11, Bệnh viện Thống Nhất tiếp nhận một bệnh nhân nam tên N. P. K, 18 tuổi, quê An Giang vào cấp cứu do bị chấn thương sọ não rất nặng, dập não, tụ máu màn cứng trong tình trạng hôn mê sâu... Các bác sĩ Khoa Cấp cứu Bệnh viện Thống Nhất đã hồi sức và tiến hành đặt nội khí quản và hội chẩn Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức và Ngoại thần kinh phẫu thuật cấp cứu. Các bác sĩ của Bệnh viện Thống Nhất đã tích cực, tận tâm cứu chữa, tuy nhiên do tình trạng bệnh nặng, các bác sĩ đã tiến hành giải thích cho gia đình bệnh nhân.

Chi hội Vận động hiến ghép mô tạng của Bệnh viện Thống Nhất tiến hành gặp gỡ cha mẹ, ông bà nội của bệnh nhân. Sau khi được giải thích kỹ thì gia đình đã có nghĩa cử rất cao đẹp đó là đồng ý hiến tặng các mô tạng khi bệnh nhân chết não.

Sau 7 ngày điều trị tích cực, khi nguy cơ chết não của bệnh nhân cận kề, bệnh viện đã kích hoạt toàn bộ hệ thống để đánh giá tình trạng bệnh nhân từ cơ sở pháp lý đến chuyên môn bằng các hội đồng độc lập.

Ngày 23/11, chuyên gia của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đã đến cùng với Bệnh viện Thống Nhất tư vấn, tìm hiểu nguyện vọng của gia đình người bệnh, hướng dẫn các thủ tục pháp lý trong việc hiến mô tạng.

Đến sáng 24/11, sau khi có kết luận của hội đồng đánh giá tình trạng chết não, PGS.TS.BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất đã chủ trì hội chẩn chuyên môn cùng các chuyên gia đến từ Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.

Các chuyên gia đã thống nhất và quyết định bắt đầu phẫu thuật lấy tạng vào lúc 10 giờ 45 ngày 24/11/2024. Ca phẫu thuật lấy tạng từ người hiến chết não đã thành công, 7 đơn vị tạng đã được vận chuyển nhanh chóng đến các bệnh viện để ghép cho người nhận. Cụ thể, 2 quả thận ghép cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Thống Nhất, 1 quả tim và 1 phần gan ghép cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Đức, 1 phần gan được ghép cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, 2 giác mạc được ghép cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Huế.

PGS.TS.BS Lê Đình Thanh bày tỏ niềm xúc động trước nghĩa cử cao đẹp, nhân văn của gia đình anh Ng.Ph.K đã đồng ý hiến tặng mô tạng của anh K. khi bệnh nhân đã chết não; đồng thời chia sẻ: “Chúng tôi đã kiểm tra rất kỹ, từ đánh giá lâm sàng, xét nghiệm cận lâm sàng và họp hội chẩn chuyên môn 3 lần. Chúng tôi phải đánh giá và họp đi họp lại nhiều lần, bởi đây là sinh mạng của một con người. Chỉ đến khi các cuộc họp đều đi đến thống nhất là bệnh nhân đã chết não thì chúng tôi mới tiến hành lấy tạng”.

PGS.TS.BS Lê Đình Thanh chia sẻ thông tin với các cơ quan báo chí. PGS.TS.BS Lê Đình Thanh chia sẻ thông tin với các cơ quan báo chí.

Từ gan của một người hiến có thể mang lại sự sống mới cho 2 người bệnh

Là một trong những người tham gia quá trình lấy tạng và ghép tạng lần này, TS Trần Công Duy Long, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, cho biết, tối 23/11, đơn vị nhận được thông tin có người hiến tạng ở Bệnh viện Thống Nhất. Sau khi rà soát bệnh nhân đăng ký chờ ghép tạng trên hệ thống Điều phối ghép tạng quốc gia, có hai bệnh nhân phù hợp để nhận gan. Đó là một bệnh nhân ở Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) và một bệnh nhi 3 tuổi (bị xơ gan giai đoạn cuối) ở Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM. Khi hội đồng chuyên môn đã đánh giá bệnh nhân hoàn toàn chết não, các bác sĩ đã có mặt tại Bệnh viện Thống Nhất để tiến hành lấy tạng từ người hiến.

Do lá gan dự kiến ghép cho 2 người bệnh nên e kíp đã dùng kỹ thuật tách gan ngay trong cơ thể người hiến. Một nửa đã được dành cho bệnh nhân ở Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Một nửa ngay sau đó đã được ghép thành công cho bệnh nhi tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM. “Sáng hôm sau, bệnh nhi đã tỉnh và hỏi mẹ đâu? ba đâu? Điều đó làm chúng tôi rất hạnh phúc” – TS Trần Công Duy Long chia sẻ.

Chia sẻ về kết quả ca ghép gan tại Bệnh viện Việt Đức đã thành công, TS.BS Ninh Việt Khải, Phó Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Việt Đức bày tỏ: “Việc chia gan để ghép mang ý nghĩa lớn, ghép được triệt để nguồn tạng được hiến. Từ gan của một người hiến có thể mang lại sự sống mới cho hai người bệnh khác”.

Nhớ lại thời điểm vận động gia đình anh K. hiến mô tạng khi bệnh nhân chết não, ThS Phạm Thị Đào, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia xúc động: “Khi tôi trò chuyện với người bà của anh K, bà đã nói nếu không cứu được cháu mình thì cứu người khác. Tôi nghe rất xúc động”.

PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất gửi lời tri ân người hiến và gia đình người hiến mô tạng; đồng thời cho biết, với trường hợp này, các phần tạng từ người hiến có thể cứu được bệnh nhân khác đã được sử dụng hiệu quả như dặn dò của lãnh đạo bệnh viện.

Theo PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế, Bệnh viện Thống Nhất đã triển khai ghép tạng và với hai ca ghép thận từ nguồn hiến của anh K, Bệnh viện Thống Nhất đã thực hiện được gần 20 ca ghép thận. Hai trường hợp này là 2 trường hợp được ghép thận từ người cho chết não đầu tiên tại Bệnh viện Thống Nhất.

Ng. Nam


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo