Hồ Chí Minh là một lãnh tụ vĩ đại, nhưng rất khiêm tốn. Trong lúc không ít nhân vật lãnh đạo đề xướng học thuyết riêng, thậm chí có khi còn bài bác, công kích nhau, thì Hồ Chí Minh không cực đoan, mà nhìn nhận các trào lưu tư tưởng, học thuyết trên thế giới một cách khách quan, chắt lọc cái hay cái phù hợp, tương đồng. Từ trong các học thuyết, các sự kiện, Người “đãi cát tìm vàng”, chọn ra cái tinh hoa để học tập và hành động theo nó. Đây là một thái độ bao dung, khách quan và biện chứng.
Để tìm con đường giải phóng dân tộc, từ năm 21 tuổi (1911) người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã xuất dương, bôn ba khắp Á, Âu, Phi, Mỹ. Đến nước Mỹ, bên Thần Tự Do, trên đầu chói sáng, Người còn thấy bên dưới chân Thần Tự do, còn có cảnh bất bình đẳng của kẻ giàu người nghèo, của người da màu và người da trắng... Cho đến khi đọc Luận cương Lênin, trong phòng kín Người muốn reo lên: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Chủ nghĩa Mác - Lênin trở thành kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam. Hồ Chí Minh đã phát triển chủ nghĩa Mác trong điều kiện nước ta: độc lập dân tộc tiến đến chủ nghĩa xã hội. Hồ Chí Minh và Đảng ta học tập chủ nghĩa Mác - Lênin nhưng không cực đoan, bảo thủ, đã nghiên cứu và tiếp thu cái hay cái tốt của đạo đức Khổng Tử, Phật giáo, tính bác ái của Thiên Chúa giáo, con đường đi của các đảng anh em. Chúng ta không công kích, bài xích ai, mà học tập cái hay cái tốt của các nước để mưu cầu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh”. Nói chung, thái độ nhìn nhận của Đảng ta là, trong toàn bộ cái dở, cái đối kháng, có cái hay, cái phù hợp, là thái độ khách quan, theo duy vật biện chứng của người có nhân sinh quan cách mạng.
Đó cũng là thái độ đúng đắn trong việc giữ gìn và phát huy nền văn hóa truyền thống. Trong thời đại hội nhập, phải đề phòng du nhập văn hóa ngoại lai, lối sống thác loạn, nhưng phải tạo cho thanh niên làm quen tác phong công nghiệp, văn minh đô thị, ham học hỏi; đó là thái độ tiếp thu có chọn lọc. Trăm học thuyết, trăm cách phát triển, trăm hoa đua nở, chúng ta biết chọn cái hay cái tốt để theo, chọn hoa thơm để ngửi, loại phần dở, phần xấu, tránh hoa độc, hoa thối.
Trong phê bình của đồng chí bạn bè, có cái sai cái đúng. Một đảng viên chân chính là người biết nghiêm khắc nhìn nhận, tiếp thu cái đúng để sửa chữa tiến bộ. Cũng không nên công kích và oán thán cho là đồng chí nói xấu với dụng ý hại mình. Thái độ đúng đắn của người đảng viên là không tự cao tự đại, bên cạnh việc bảo lưu ý kiến, phải phục tùng tổ chức, tuân theo nguyên tắc.
Ở xã hội ta, cái tốt cái xấu đan xen nhau, nhưng phải thấy cái tốt đang phát triển, nhiều hơn cái xấu. Chỉ nhìn thấy mặt xấu, tiêu cực rồi chê trách, đả phá là không thực sự cầu thị. Trước sau gì cũng bị kẻ xấu lợi dụng. Cái hay cái tốt luôn ở quanh ta nên cần tìm gương người tốt việc tốt, nêu gương cổ súy để mọi người học tập, noi theo.
Cả nước đang học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, chính là thực hiện lời dạy của Người có tư tưởng lớn, bao dung, đổi mới trong một con người, ngoài phần chủ đạo tốt (hoặc xấu), còn có phần ít xấu (hoặc tốt). Do đó, học tập cái hay cái tốt, biết trân trọng chắt lọc cái hay cái tốt ở quanh ta, là thái độ đúng đắn của người cộng sản. Không nên cực đoan cho các ý kiến phản biện là thù địch, thấy cái gì của chủ nghĩa khác, học thuyết khác cũng đều xấu, đá đổ và bài xích.
Trong công tác cán bộ, thái độ chủ quan, định kiến về thành phần giai cấp, xuất thân từ khâu quy hoạch đến đề bạt sử dụng, không dựa vào thực tài, là trái với tư tưởng Hồ Chí Minh. “Dụng nhân như dụng mộc”, phải phát huy mặt tốt của cán bộ để bố trí đúng người đúng việc, có lợi cho cách mạng. Suy cho cùng, kế thừa có phân tích, chọn lựa, học cái hay cái tốt, tránh cái sai cái xấu là thái độ học tập đúng đắn của người cách mạng.