Thứ Bảy, ngày 28 tháng 12 năm 2024

Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 04 tháng 7 năm 2002 về Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 - khóa IX về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới

Trong những năm qua, công tác tư tưởng, lý luận của Đảng bộ Thành phố đã đạt được những thành quả quan trọng, góp phần tăng cường sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội quyết tâm giữ vững ổn định chính trị, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng môi trường văn hóa, xã hội lành mạnh.

Tuy nhiên, công tác tư tưởng, lý luận chưa nắm bắt kịp thời tình hình tư tưởng, tâm trạng chính trị của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; chưa coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận. Việc triển khai công tác tư tưởng, lý luận mới dừng lại những phương hướng chung, chủ đề lớn, chưa xây dựng được các chuyên đề cụ thể, có chiều sâu. Việc đấu tranh phê phán những luận điệu phản động, quan điểm lệch lạc còn lúng túng, chưa mạnh, thiếu tính thuyết phục. Dù có nhiều cố gắng, nhưng năng lực của đội ngũ cán bộ tư tưởng, lý luận vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 - khóa IX “Về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới”, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố đề ra chương trình hành động từ nay đến năm 2005 như sau :

I.- TỔ CHỨC NGHIÊN CỨU CÁC ĐỀ TÀI LÝ LUẬN, TỔNG KẾT THỰC TIỄN :

1/ Những vấn đề xã hội của quá trình phát triển, hiện đại hóa Thành phố trong xu thế hội nhập quốc tế (con người, các giai tầng xã hội, văn hóa đô thị, biến động dân số, các tệ nạn xã hội, phân hóa giàu nghèo...).

2/ Hoàn thành biên soạn lịch sử Đảng bộ Thành phố đến năm 2000.

3/ Tham gia các đề tài lý luận do Hội đồng lý luận Trung ương chủ trì.

(Ba nội dung trên giao cho Ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy chủ trì, phối hợp với Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện).

4/ Tổng kết thực tiễn về sự nghiệp đổi mới, tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trên cơ sở đó đúc kết lý luận, làm rõ con đường phát triển của Thành phố. (Viện Kinh tế Thành phố tổ chức thực hiện).

5/ Công tác xây dựng Đảng trong cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (mô hình tổ chức đảng trong các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội khác nhau, vấn đề quản lý đảng viên...). (Ban Tổ chức Thành ủy tổ chức thực hiện).

6/ Thực trạng suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; nguyên nhân và giải pháp khắc phục. (Trường Cán bộ Thành phố tổ chức thực hiện).

7/ Vấn đề quản lý đô thị trên các bình diện hành chánh, kinh tế, văn hóa, dịch vụ, an ninh. (Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường tổ chức thực hiện).

II. NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG VÀ HIỆU QUẢ CÔNG TÁC GIÁO DỤC LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ :

1/ Tổ chức học tập có hệ thống và thường xuyên chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa yêu nước và truyền thống cách mạng của dân tộc, của Đảng. Phát huy tính sáng tạo, chủ động của người học, dành nhiều thời gian cho việc tự nghiên cứu. Đến năm 2005, cán bộ, đảng viên phải đạt được trình độ :

- Đảng viên phải học xong chương trình lý luận chính trị sơ cấp.

- Đảng viên là cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở cơ sở phải học xong chương trình chính trị trung cấp.

- Đảng viên là cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp quận, huyện, một số sở, ngành cấp Thành phố học xong chương trình lý luận chính trị cao cấp.

- Cán bộ dưới 41 tuổi thuộc diện quy hoạch cán bộ lãnh đạo chủ chốt từ cấp quận, huyện trở lên phải được đào tạo tập trung tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và các Phân viện.

2/ Đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học lý luận chính trị, chú trọng phương pháp giảng dạy theo tình huống, kết hợp đào tạo theo địa chỉ, chức danh và đào tạo rộng rãi. Phối hợp và tránh trùng lắp giữa các chương trình bồi dưỡng của Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể nhân dân.

3/ Biên soạn chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh cán bộ chủ chốt cơ sở; chương trình bồi dưỡng tổ trưởng dân phố.

4/ Triển khai các chương trình bồi dưỡng đại biểu Hội đồng Nhân dân, phóng viên, biên tập viên báo chí, xuất bản, văn nghệ sĩ.

5/ Xây dựng chế độ học tập bắt buộc (tái học tập) với những người đã có bằng cấp về chính trị để kịp nắm bắt những vấn đề mới.

6/ Mở rộng đào tạo các loại cán bộ theo chương trình cử nhân chính trị, cao cấp, trung cấp lý luận; đồng thời triển khai việc phổ cập rộng rãi lý luận chính trị trong nhân dân.

(Các nội dung trên giao cho Trường Cán bộ Thành phố chủ trì phối hợp với Ban Tư tưởng - Văn hóa, Ban Tổ chức Thành ủy và các quận - huyện ủy, đảng ủy cấp trên cơ sở tổ chức thực hiện).

III. NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG VÀ HIỆU QUẢ CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU DƯ LUẬN XÃ HỘI, TUYÊN TRUYỀN CỔ ĐỘNG, GÓP PHẦN GIẢI QUYẾT NHỮNG VẤN ĐỀ KINH TẾ - XÃ HỘI BỨC XÚC :

1/ Xây dựng mạng lưới tổ chức đội ngũ và cơ chế hoạt động nghiên cứu dư luận xã hội từ cơ sở đến Thành phố, làm tốt công tác dự báo, nắm bắt kịp thời các thông tin, đề xuất các giải pháp để giúp cấp ủy chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, xử lý nhanh các “điểm nóng”.

2/ Làm tốt công tác tuyên truyền cổ động nhằm đưa các Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và đối ngoại; thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước, hoàn thành kế hoạch Nhà nước 5 năm 2001 - 2005.

3/ Đổi mới nội dung, phương thức tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị (kỷ niệm các ngày lễ lớn, triển khai các Nghị quyết của Đảng, các chủ trương, chính sách của Nhà nước). Tổ chức hội thảo về khẩu hiệu tuyên truyền cổ động, về nghi lễ trong các cuộc míttinh, hội họp.

(Ba nội dung trên giao cho Ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy tổ chức thực hiện).

4/ Chọn năm 2003 là “Năm xây dựng nếp sống văn hóa”, tuyên truyền cổ động nhân dân thực hiện các chuẩn mực về nếp sống văn hóa, văn minh đô thị. Tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 35 năm chiến thắng Mậu Thân (1968 - 2003), 30 năm ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng (1975 - 2005). (Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân Thành phố chỉ đạo Sở Văn hóa - Thông tin chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện).

IV. NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC BÁO CHÍ - XUẤT BẢN :

1/ Nghiêm túc thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và Nhà nước để báo chí thật sự là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, đồng thời là diễn đàn của nhân dân, để thông qua báo chí nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình. Báo chí nói nhiều hơn về cái mới, cái tốt trong xã hội; khắc phục khuynh hướng “thương mại hóa” và những tiêu cực trong hoạt động báo chí, xuất bản.

2/ Chăm lo xây dựng đội ngũ biên tập, phóng viên báo chí, xuất bản. Coi trọng việc tự học, tự rèn luyện, không ngừng nâng cao bản lãnh và trình độ chính trị, nâng cao trình độ chuyên môn, trau dồi phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp. Tăng cường mở các lớp lý luận chính trị, sinh hoạt chuyên đề cho đội ngũ biên tập, phóng viên.

3/ Nghiên cứu và triển khai các chuyên đề : Chống thương mại hóa báo chí; kinh tế báo chí; viết về điển hình, nhân tố mới; đào tạo cán bộ báo chí, xuất bản. Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 22 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về “Tiếp tục đổi mới, tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí, xuất bản”, Chỉ thị 01 của Ban Bí thư (khóa IX) về báo chí - xuất bản. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, xuất bản.

(Ba nội dung trên giao cho Ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin, Hội Nhà báo Thành phố và các cơ quan chủ quản báo chí tổ chức thực hiện).

V. NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG VÀ HIỆU QUẢ CÔNG TÁC VĂN HÓA - VĂN NGHỆ :

1/ Phát huy vai trò và sức mạnh của văn hóa, văn nghệ trong công tác tư tưởng, trong việc xây dựng con người Việt Nam có những đức tính đã được xác định trong Nghị quyết Trung ương 5 - khóa VIII, góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh, văn minh.

2/ Xây dựng môi trường, bộ mặt văn hóa của Thành phố và đời sống văn hóa ở cơ sở. Đẩy mạnh cuộc vận động thực hiện chương trình mục tiêu 3 giảm; truy quét, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động dịch vụ văn hóa; đấu tranh loại trừ sự xâm nhập và tán phát những sản phẩm phản văn hóa.

3/ Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, năng lực chuyên môn và tư tưởng, chính trị cho cán bộ quản lý và văn nghệ sĩ. Tập trung xây dựng đội ngũ lý luận phê bình nhằm làm tốt vai trò hướng dẫn dư luận và nhận thức thẩm mỹ của quần chúng. .

4/ Định hướng các Hội Văn học - Nghệ thuật tập trung triển khai một số đề tài và đầu tư trọng điểm để xây dựng những tác phẩm có giá trị cao về nghệ thuật và tư tưởng; mở rộng quan hệ hợp tác, giao lưu với các địa phương và với các nước.

5/ Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Phân công, phân cấp rõ ràng về trách nhiệm quản lý, xử lý vi phạm, tránh kẻ hở để kẻ xấu lợi dụng làm hại môi trường văn hóa. Thực hiện nghiêm Chỉ thị 27-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống lãng phí, phô trương trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

6/ Xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa (trung tâm văn hóa, thư viện, bảo tàng, nhà triển lãm, khu lưu niệm, di tích lịch sử...). Có quy hoạch tổng thể và đầu tư mở rộng những công trình có tính lịch sử văn hóa của Thành phố. Tăng đầu tư từ ngân sách Nhà nước để đến năm 2005 các xã đều có nơi sinh hoạt văn hóa - thể thao, các phường có nơi sinh hoạt văn hóa (có thể hình thành theo cụm liên phường).

(Các nội dung trên giao cho Ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin, Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật tổ chức thực hiện).

VI. ĐỔI MỚI NỘI DUNG, PHƯƠNG THỨC CÔNG TÁC TƯ TƯỞNG - VĂN HÓA :

1/ Mở rộng sử dụng hình thức đối thoại trong hoạt động tuyên truyền giáo dục, mở diễn đàn vạch trần những luận điệu sai trái.

2/ Thực hiện phương châm “toàn Đảng làm công tác tư tưởng”, các cấp ủy phải có chương trình, kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư tưởng. Nắm bắt, phân tích, dự báo diễn biến tư tưởng và có biện pháp xử lý kịp thời các tình huống tư tưởng; thông báo thường xuyên, kịp thời tình hình thời sự chính trị phù hợp với từng loại đối tượng, nhất là sinh viên, công nhân, hưu trí, cựu chiến binh. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng làm công tác tư tưởng - văn hóa, trước hết là vai trò của các đoàn thể, tổ chức xã hội ở các địa bàn dân cư, sử dụng nhiều hình thức sinh động để tuyên truyền, giáo dục; thực hiện phương châm “lấy quần chúng giáo dục quần chúng”.

3/ Hướng mạnh về cơ sở, nắm chắc tình hình, tăng cường củng cố trận địa ở cơ sở, tạo thế đứng chính trị vững chắc trên từng địa bàn. Kết hợp các biện pháp tư tưởng, chính trị, tổ chức, kiểm tra, kinh tế, hành chánh; kết hợp phong trào quần chúng với việc thi hành các chính sách hợp lý, hợp lòng dân.

4/ Thành lập Trung tâm thông tin nhằm cung cấp và định hướng thông tin cho báo chí và nhân dân.

(Các nội dung trên giao cho Ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy chủ trì phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện).

VII. THƯỜNG XUYÊN GIÁO DỤC PHẨM CHẤT, ĐẠO ĐỨC CHO CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN, CHỐNG CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN, TƯ TƯỞNG CƠ HỘI, THỰC DỤNG, NGĂN CHẶN ĐÀ SUY THOÁI VỀ ĐẠO ĐỨC, LỐI SỐNG :

1/ Đề cao trách nhiệm của mỗi tổ chức đảng và đảng viên trong đấu tranh loại trừ tham nhũng, lãng phí, quan liêu ở cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, tự giác học tập, rèn luyện đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, thực dụng và tình trạng thoái hóa, biến chất trong Đảng.

2/ Mỗi đảng viên phải nói và làm theo Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, pháp luật Nhà nước, vi phạm Quy định 19 của Bộ Chính trị về những điều đảng viên không được làm; nói và làm trái nguyên tắc Đảng, có những hoạt động chia rẽ, bè phái trong Đảng.

3/ Đề cao và coi trọng giáo dục đạo đức công dân, đặc biệt là trong trường học, trong tổ chức đoàn - đội. Trên cơ sở kết hợp “xây” với “chống”, trong đó lấy “xây” làm chính, cổ vũ mạnh mẽ các nhân tố tích cực, tạo ra môi trường, nếp sống, lối sống lành mạnh, có văn hóa; lấy tích cực, cái tốt đẩy lùi tiêu cực, cái xấu.

(Các nội dung trên giao cho Ban Tổ chức Thành ủy chủ trì phối hợp với Ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức thực hiện).

VIII. ĐẤU TRANH VỚI CÁC QUAN ĐIỂM, LUẬN ĐIỆU SAI TRÁI; LÀM THẤT BẠI CHIẾN LƯỢC “DIỄN BIẾN HÒA BÌNH”, ÂM MƯU BẠO LOẠN LẬT ĐỔ CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH; PHÊ PHÁN NHỮNG NHẬN THỨC LỆCH LẠC :

1/ Các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội nắm chắc diễn biến tư tưởng ở từng địa phương, đơn vị, từng đối tượng, có phương pháp kịp thời xử lý những tình huống phức tạp có thể xảy ra; đề phòng nguy cơ “tự diễn biến” từ trong nội bộ. Nâng cao cảnh giác cách mạng, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, gây chia rẽ, nghi ngờ, mất đoàn kết nội bộ.

2/ Xử lý nghiêm các vi phạm kỷ luật phát ngôn, làm trái những quy định về bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước; phê phán những nhận thức lệch lạc. Nghiêm cấm việc xuất bản, lưu hành những sách, báo và những ấn phẩm có nội dung sai trái.

(Hai nội dung trên giao cho Ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy chủ trì phối hợp với Ban Tổ chức, Ủy ban Kiểm tra, Ban An ninh - Nội chính, Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Thành ủy, Công an Thành phố tổ chức thực hiện).


IX.- CỦNG CỐ TỔ CHỨC, TĂNG CƯỜNG CƠ SỞ VẬT CHẤT, ĐỔI MỚI CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH VÀ TẬP TRUNG ĐÀO TẠO ĐỘI NGŨ CÁN BỘ CÔNG TÁC TƯ TƯỞNG - VĂN HÓA :

1/ Rà soát, kiện toàn bộ máy các tổ chức, đơn vị liên quan đến công tác tư tưởng - văn hóa từ Thành phố đến cơ sở; trước mắt, cần quan tâm các tổ chức sau đây :

- Các bộ phận làm công tác tư tưởng - văn hóa ở phường, xã, thị trấn.

- Các đoàn thể chính trị xã hội - nghề nghiệp.

- Các câu lạc bộ hưu trí thành phố, quận, huyện, phường, xã, thị trấn.

- Đội ngũ cán bộ tuyên huấn của các đảng ủy cấp trên cơ sở.

2/ Từng bước bổ sung giải quyết các nhu cầu cơ bản và cấp bách về hiện đại hóa cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động tư tưởng - văn hóa.

3/ Trên cơ sở quy hoạch, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tư tưởng - văn hóa. Rà soát, kiến nghị với Trung ương bổ sung các chính sách đãi ngộ đối với cán bộ tư tưởng - văn hóa, báo cáo viên, giảng viên...

(Ba nội dung trên giao cho Ban Tổ chức Thành ủy chủ trì phối hợp với Ban Tư tưởng - Văn hóa, Ban Tài chánh Quản trị Thành ủy, Trường Cán bộ Thành phố tổ chức thực hiện).

T/M BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ

PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC

Võ Văn Cương

Tin khác

Thông báo