Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Việc tiêm các mũi vaccine phòng Covid-19 nhắc lại là cần thiết

Các đại biểu tham dự buổi họp báo. (ảnh: Đan Như)

(Thanhuytphcm.vn) – Chiều 4/8, UBND TP họp báo thông tin về tình hình kinh tế tháng 7 và 7 tháng đầu năm; tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP. Chủ trì buổi họp báo có các đồng chí: Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy kiêm Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 và Phục hồi kinh tế TPHCM; Đặng Quốc Toàn, Chánh Văn phòng UBND TP; Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông.

Đề nghị BHXH tiếp tục thanh toán với thuốc Mycophenolate

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 và Phục hồi kinh tế TPHCM, đến 18 giờ ngày 3/8, có 613.846 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TPHCM được Bộ Y tế công bố (tăng 157 ca so với ngày 2/8), bao gồm 612.888 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 958 trường hợp nhập cảnh. Hiện TP đang điều trị 135 bệnh nhân, trong đó có 2 trẻ em dưới 16 tuổi. Trong ngày 3/8, có 21 bệnh nhân nhập viện, 15 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ ngày 1/1/2021 đến nay là 345.326 trường hợp; không có trường hợp tử vong trong ngày, tổng số tử vong cộng dồn từ ngày 1/1/2021 đến nay là 20.488 trường hợp).

Trả lời về việc đánh giá của ngành y tế trước tình trạng dịch Covid-19 ở TPHCM đang có xu hướng tăng, cả số ca mắc cũng như số ca nhập viện, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế Lê Thiện Quỳnh Như cho biết, với sự xuất hiện của các biến thể mới thì sẽ có các đợt gia tăng số ca mắc mới BA.4 và BA.5 đang làm gia tăng số ca mắc ở nhiều nước trên thế giới. TPHCM đã ghi nhận có biến thể này, như vậy số ca mắc sẽ gia tăng.

Bà Lê Thiện Quỳnh Như lưu ý, để bảo vệ cộng đồng, việc tiêm các mũi vaccine nhắc lại là cần thiết; thực hiện mang khẩu trang và vệ sinh khử khuẩn cần thực hiện khi tiếp xúc với nhiều người. Khi có triệu chứng nghi ngờ nên kiểm tra xét nghiệm, nếu dương tính thì tự cách ly nhằm hạn chế lây lan cho người khác. Lưu ý bảo vệ cho nhóm nguy cơ theo các hướng dẫn của ngành y tế.

Liên quan đến thông tin vừa qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM đã có thông báo tạm dừng thanh toán thuốc Mycophenolate và Tacrolimus trong phác đồ điều trị hội chứng thận hư ở trẻ em, bà Lê Thiện Quỳnh Như chia sẻ, Sở Y tế đã tổ chức họp khẩn vào chiều ngày 2/8 với đại diện BHXH TPHCM, lãnh đạo bệnh viện và các chuyên gia về thận của các bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Nhi Đồng TP. Tại cuộc họp, các chuyên gia khẳng định, thuốc Mycophenolate và Tacrolimus không thể thiếu trong điều trị hội chứng thận hư kháng thuốc, thể phụ thuộc hoặc tái phát thường xuyên theo các hướng dẫn điều trị chuẩn trên thế giới và các tài liệu y học chứng cứ.

Sở Y tế đã phân công 3 bệnh viện nhi khẩn trương thống nhất, cập nhật phác đồ điều trị hội chứng thận hư ở trẻ em và trình Hội đồng Khoa học công nghệ Sở Y tế thông qua để áp dụng chung cho các bệnh viện có chuyên khoa nhi toàn TP.

Đồng thời Sở Y tế đã có công văn đề nghị cơ quan BHXH TPHCM tiếp tục thanh toán thuốc Mycophenolate có chỉ định sử dụng trong bệnh nhi bị hội chứng thận hư đang điều trị tại các bệnh viện chuyên khoa nhi trên địa bàn TP.

Nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các bệnh nhi bị hội chứng thận hư và không bị gián đoạn điều trị, gây nguy hiểm đến tính mạng, Sở Y tế kiến nghị Bộ Y tế xem xét sớm cập nhật phác đồ điều trị hội chứng thận hư ở trẻ em đã được ban hành từ năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Không tiêm đại trà vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ

Trả lời câu hỏi về việc TP có triển khai tiêm phòng bệnh đậu mùa khỉ cho người dân hay không, bà Lê Thiện Quỳnh Như cho biết, bác sĩ Socorro Escalante, quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, WHO không khuyến cáo sử dụng vaccine tiêm đại trà cho người dân.

Việc tiêm vaccine phòng đậu mùa khỉ có thể được tiến hành cho các nhóm đối tượng: người đã tiếp xúc với người bệnh - tiêm phòng sau phơi nhiễm; người hỗ trợ các trường hợp mắc bệnh - tiêm chủng chủ động cho nhóm này để phòng ngừa lây nhiễm gồm nhân viên y tế, nhân viên làm việc tại các phòng xét nghiệm. Hiện nay, căn cứ trên sự rủi ro, lợi ích, cộng thêm virus đậu mùa khỉ không dễ lây lan, bệnh có thể tự khỏi nên chúng ta không cần tiêm chủng đại trà vào thời điểm này.

Bà Lê Thiện Quỳnh Như trả lời tại buổi họp báo. (ảnh: Đan Như) Bà Lê Thiện Quỳnh Như trả lời tại buổi họp báo. (ảnh: Đan Như)

Cũng liên quan đến bệnh này, bà Lê Thiện Quỳnh Như thông tin, Bộ Y tế đã có Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người. Sở Y tế sẽ phổ biến đến các cơ sở y tế của TP triển khai thực hiện. Trong đó lưu ý 3 nhóm đối tượng gồm: trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và người suy giảm miễn dịch cần theo dõi sát để cho nhập viện sớm, hạn chế nguy cơ tiến triển nặng.

Tại buổi họp báo, một trong những nội dung được đặt ra là, trong hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ của Bộ Y tế có nội dung trường hợp nghi ngờ và xác định mắc đậu mùa khỉ, người bệnh sẽ cách ly tại cơ sở y tế tối thiểu 14 ngày. Liệu việc này có khiến người bệnh có nguy cơ trở nặng, có nguy cơ quá tải hệ thống chăm sóc sức khỏe như đợt dịch Covid-19 vừa qua?

Trao đổi về nội dung này, bà Lê Thiện Quỳnh Như cho biết, bệnh đậu mùa khỉ không lây dễ dàng và nhanh như các bệnh lây qua đường hô hấp. Do đó số ca mắc sẽ không nhiều. Đối với các trường hợp ban đầu được chẩn đoán xác định nên được theo dõi tại các khoa cách ly của bệnh viện. Người bệnh sẽ được chăm sóc tốt tại cơ sở y tế.

S. Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo