Lễ ký kết chương trình phối hợp giám sát tinh thần trách nhiệm, thái độ giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức Quận 1.(Thanhuytphcm.vn) – Ngày 16/11/2020, Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM và thực hiện từ 1/7/2021. Theo Nghị quyết, chính quyền địa phương ở TPHCM gồm HĐND và UBND ở cấp thành phố; chính quyền cấp quận, phường là UBND quận, phường và việc thành lập TP Thủ Đức trực thuộc TPHCM.
TPHCM là đô thị đặc biệt, là đầu tàu kinh tế, có sức thu hút, lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Quy mô và mật độ dân số cao nhất cả nước (thống kê năm 2020, TP có 9 triệu dân, thực tế có trên 10 triệu người đang sinh sống, học tập và làm việc), đóng góp gần 1/4 GDP cả nước.
Việc thực hiện chính quyền đô thị có ý nghĩa rất lớn đối với TPHCM, không chỉ đổi mới về cơ chế, chính sách, mà còn góp phần xây dựng bộ máy chính quyền các cấp tại TP tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; các quyết định, chương trình, kế hoạch của chính quyền TP được triển khai bảo đảm tính thống nhất, thông suốt từ TP đến cơ sở, người dân và doanh nghiệp; giải quyết nhanh những vấn đề phát sinh từ thực tiễn cuộc sống của từng địa phương và TP, đồng thời phát huy tính chủ động sáng tạo của chính quyền các cấp TP, bảo đảm sự ổn định và phát triển TP.
Việc không tổ chức HĐND quận, phường đã được TPHCM thực hiện thí điểm từ năm 2009 đến 2016 theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường với 24 quận, huyện và 259 phường. Đánh giá gần 7 năm thực hiện thí điểm đã cho thấy nhiều kết quả tích cực như: tinh gọn bộ máy, khắc phục sự trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các ngành, các cấp, tiết kiệm ngân sách, đảm bảo tính thống nhất, thông suốt, nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền nhà nước, phát huy được quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân ở cơ sở. Do giảm tầng nấc, không phải thông qua nhiều cấp chính quyền nên thời gian triển khai các kế hoạch được nhanh hơn, chính xác hơn, phù hợp với tính chất, yêu cầu quản lý của một đô thị đông dân. Hoạt động giám sát tiếp tục được phát huy thông qua đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND TP, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội… Việc thực hiện quyền dân chủ của nhân dân trên địa bàn vẫn được bảo đảm, một số mặt thực hiện dân chủ cơ sở được tăng cường, kinh tế - xã hội phát triển, quốc phòng - an ninh giữ vững, đời sống các mặt của người dân không ngừng tăng lên.
Thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM được kỳ vọng có sự thay đổi không chỉ là việc thay “chiếc áo đã quá chật” mà sự chuyển động của mô hình mới sẽ gắn với đổi mới cơ chế, chính sách, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức, xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy tính chủ động sáng tạo của chính quyền TPHCM đảm bảo sự ổn định và phát triển Thành phố. Hoạt động giám sát của nhân dân thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục được phát huy thông qua việc đẩy mạnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn theo Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sẽ góp phần phát huy được quyền làm chủ của nhân dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, gắn với thực hiện có hiệu quả Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn TP…
Đại biểu tham gia góp ý tại buổi lấy ý kiến phản biện xã hội.Để thực hiện có hiệu quả Chính quyền đô thị tại TPHCM, hệ thống MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở cần quan tâm tập trung thực hiện các nội dung sau:
Một là, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cần tích cực đổi mới phương thức hoạt động, tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn với UBND cùng cấp, các cơ quan, tổ chức có liên quan; xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả; tránh làm hình thức để đảm bảo vai trò giám sát của nhân dân trong việc tham xây dựng chính quyền vững mạnh; chọn lọc nội dung hoạt động có trọng tâm, trọng điểm theo hướng tập trung cho cơ sở, gắn bó với đoàn viên, hội viên, khắc phục triệt để tình trạng “hành chính hóa”;
Hai là, khi không tổ chức HĐND, việc báo cáo các nội dung theo quy định của pháp luật cần giải quyết theo hướng, đầu mối báo cáo tại HĐND TP về hoạt động của tất cả cơ quan các cấp tập trung vào các cơ quan, tổ chức cấp TP. Ủy ban MTTQ Việt Nam TP tổng hợp tình hình chung của TP, kể cả của quận, phường và thể hiện trong Thông báo của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP trình tại kỳ họp HĐND thành phố.
Ba là, đảm bảo vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong điều kiện không tổ chức HĐND; MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có tính độc lập đảm bảo để hoạt động có chất lượng, hiệu quả; tiếp tục phát huy việc giám sát của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội TP đối với hoạt động của UBND quận, phường.
Bốn là, thông qua hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để thực hiện đúng, đủ quan điểm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” bên cạnh việc phát huy cao độ vai trò của HĐND TP và các Tổ Đại biểu HĐND tại các quận, cũng như nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ sở theo Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở.
Năm là, tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 935-QĐ/TU ngày 28/4/2017 về Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, người đứng đầu chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn TPHCM; Quyết định số 936-QĐ/TU ngày 28/4/2017 về việc Quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tiếp thu góp ý của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trên địa bàn TPHCM và Quyết định số 994-QĐ/TU ngày 25/5/2017 về việc ban hành Quy chế lấy ý kiến nhân dân thông qua MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan có liên quan góp ý các chủ trương chính sách của cấp ủy và chính quyền các cấp trước khi ban hành của Ban Thường vụ Thành ủy.