Các gợi ý của ngành y tế về cách thức sinh hoạt trong hoàn cảnh dịch bệnh để bảo đảm sức khỏe và trạng thái tinh thần tốt nhất(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Trong tiếng Việt, để thể hiện tính cộng đồng trách nhiệm, tạo sự qua lại với nhau nhằm giúp đỡ nhau, đồng hành với nhau, nhất là trong lúc khó khăn, bối cảnh ngặt nghèo, chúng ta hay dùng từ “san sẻ” và “chia sẻ”. Từ điển tiếng Việt giải thích, “san sẻ” là chia bớt cho nhau để cùng hưởng, cùng chịu (nói khái quát), như “san sẻ từng bát cơm, manh áo”, “san sẻ tình cảm”…; và có nghĩa gần như “san sớt” (chia bớt cho nhau một cái gì đó trong điều kiện thực sự cần thiết). Còn “chia sẻ” mang nghĩa cùng chia với nhau để cùng hưởng hoặc cùng chịu, như “chia sẻ một phần trách nhiệm”, “chia sẻ cho nhau niềm vui, nỗi buồn”…; và có nghĩa gần như “chia sớt”. Hai từ này có nghĩa gần nhau nhưng không hoàn toàn giống nhau về sắc thái.
Theo cách hiểu thông thường, san sẻ thể hiện sự san sớt về các yếu tố vật chất nhiều hơn. Như trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, đó là sự san sẻ về nhiều thứ. Chẳng hạn, khi được địa phương hỗ trợ, người chưa thiếu hoặc không thiếu có thể san sẻ những phần quà đó cho người khác cần hơn; hoặc nhường nhau các món hàng trên kệ siêu thị, chỉ mua lượng vừa phải và để lại cho những người khác, thay vì gom hết để trữ; hay gia đình mình có thứ gì có thể giúp người khác được thì sẵn lòng trên tinh thần “một nắm khi đói bằng một gói khi no”, “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”… Kể cả trường hợp bản thân thuộc diện được trợ cấp do bị ảnh hưởng của dịch nhưng nếu không quá khó khăn thì vẫn có thể nhường lại cho người khác hoặc nhận nhưng giúp cho những người mà mình thấy cần giúp, trong bối cảnh thành phố đang rất thiếu các nguồn kinh phí.
Trong lúc khó khăn do dịch bệnh, sự quan tâm, thăm hỏi, động viên nhau... là một hình thức chia sẻ tích cực và có ý nghĩa. (Ảnh: WHO)Trên thực tế, từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam, sự san sẻ của cộng đồng được thể hiện rất rõ nét. Tùy điều kiện cụ thể của mỗi người, gần như người nào cũng có sự san sẻ nhất định. Như rất nhiều người tham gia đóng góp quỹ vaccine ngừa Covid-19, trong đó có những người thu nhập thấp, số tiền cụ thể họ góp dù chưa nhiều nhưng lại chiếm tỷ lệ đáng kể so với tổng thu nhập của họ, nên thể hiện tấm lòng rất đáng trân quý. Hay nhiều người khác đã đóng góp sức người, sức của cho các hoạt động phòng chống dịch, như tặng tiền, hiện vật để hỗ trợ lực lượng tuyến đầu và người gặp khó khăn, trực tiếp tham gia các hoạt động tình nguyện tại địa phương nhằm giúp chính quyền cơ sở chăm lo cho nhân dân…
Còn chia sẻ thường được hiểu ở góc độ tinh thần, phi vật chất. Chẳng hạn, đó là thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm, động viên, ủng hộ, đồng hành… để thực hiện các chủ trương, giải pháp phòng chống dịch của chính quyền các cấp; trong quá trình đó có thể có những cách thức ít nhiều ảnh hưởng đến tự do cá nhân, điều kiện sinh hoạt của bản thân nhưng mỗi người nhận thức được rằng điều đó là cần thiết trong hoàn cảnh hiện tại, vui vẻ chấp hành để cùng toàn thành phố đạt được mục tiêu kiểm soát dịch. Hay trong lúc nhiều người còn khó khăn và điều kiện mua bán có giới hạn, bản thân và gia đình có thể sinh hoạt tiết kiệm hơn, giảm bớt các nhu cầu xa xỉ hoặc chưa cấp thiết, không phải chỉ để phù hợp với hoàn cảnh mà còn không tỏ ra bất nhẫn với nhiều người đang khó khăn, thiếu thốn, trên quan niệm “ăn theo thuở, ở theo thời”. Hoặc có ý thức tự bảo vệ, tránh bị lây nhiễm để giữ an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng cũng được coi là một biểu hiện chia sẻ đáng quý.
Chương trình "Tấm lòng mùa dịch, san sẻ yêu thương" của Bộ Thông tin và Truyền thông tặng quà đến với người khó khăn ở TPHCM. (Ảnh: nld.com.vn)Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện các giải pháp phòng chống dịch, có lúc, có nơi còn xảy ra những thiếu sót, chậm trễ, ít nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của một số người. Tinh thần chia sẻ là thể hiện sự thấu hiểu, thông cảm, không phê phán, bức xúc hoặc phản ứng gay gắt, nhất là không làm lây lan thông tin hoặc tình hình chưa hay đó đến với nhiều người khác mà không có tính chất vì cộng đồng. Sự tích cực hơn cả là có thể góp ý với người có trách nhiệm trên ý thức xây dựng nhằm giúp tình hình được cải thiện tốt hơn. Chẳng hạn, khi được mời đi tiêm vaccine ngừa Covid-19, nhận thấy tại điểm tiêm chưa thực hiện tốt việc giãn cách thì có thể góp ý khéo với người phụ trách ở đó để điều chỉnh ngay, khắc phục ngay, chứ không phải lặng lẽ quay phim, chụp ảnh rồi phát tán lên mạng xã hội, kèm theo lời phê phán, chỉ trích…
Tinh thần san sẻ, chia sẻ nên là một thái độ, một cách ứng xử, một lối sống tích cực của mỗi người trong xã hội văn minh, tiến bộ, đúng quan điểm “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”. Dù trong điều kiện nào, mỗi người không nên quá đề cao cái tôi cá nhân, không cậy mình ở địa vị hay có chức vụ này nọ mà khệnh khạng, đòi hỏi quyền lợi một cách thái quá và phải hiểu đúng tinh thần bình đẳng của mọi người. Thực tế có nhiều người dù có vẻ ở địa vị xã hội không cao nhưng vẫn có những hành động, ứng xử, đóng góp mang ý nghĩa sâu sắc đối với nhiều người khác, đối với xã hội. Những người đó đáng trân trọng hơn nhiều so với một số người có trình độ học vấn cao, có chức vụ nhất định nhưng thể hiện sự kém văn hóa, vị kỷ, ít nhân văn…
Còn trong điều kiện dịch bệnh hiện nay, càng cần hơn sự thấu cảm, tức là phải hiểu rõ thực tế, tình hình của xã hội, của mọi người chứ không phải chỉ biết bản thân mình, đồng thời chia sẻ, thông cảm với những khó khăn, bất tiện, hạn chế của người khác. Mỗi người không nên chỉ đặt ở vị trí của mình mà tùy tiện phán xét, công kích người khác, đồng thời tránh làm lây lan năng lượng tiêu cực đến với mọi người. Càng khó khăn thì chúng ta nên đoàn kết, nhân ái, hy sinh hơn, suy cho cùng không phải chỉ để cho người khác mà chính là cho bản thân, cho người thân của mình, trong đó có con em của mình!