Những tháng gần đây, tại TPHCM, dịch bệnh khiến người dân lo lắng, căng thẳng. Lúc này, những video clip trên các kênh truyền thông đại chúng, mạng xã hội về nghĩa cử cao đẹp đã làm nhiều người ấm lòng. Đó là clip chiến sĩ công an và bộ đội đỡ đẻ cho thai phụ ngay trên vỉa hè; là về hành trình mang oxy, lương thực, thực phẩm hỗ trợ bà con gặp khó khăn; là các nghệ sĩ tham gia hát tại bệnh viện dã chiến ủng hộ tinh thần cho đội ngũ y bác sĩ, tình nguyện viên, người dân đang cách ly… Những hình ảnh với nhiều câu chuyện đẹp được chia sẻ nhanh chóng trên mạng xã hội, góp phần quan trọng vào việc lan tỏa năng lượng tích cực, cổ động mỗi người yêu thương nhau hơn, mạnh mẽ hơn để chống dịch thành công.
Tuy nhiên, mạng xã hội cũng có không ít video tiêu cực. Trong số đó, có những clip chưa phản ánh đầy đủ nội dung sự việc, có thể gây ngộ nhận cho người xem, tác động ít nhiều đến dư luận xã hội, đến những người có liên quan. Chẳng hạn, ngày 29/8/2021, mạng xã hội lan truyền video về cuộc giằng co giữa một tổ trưởng dân phố ở Quận 8 và vài người nữa. Cuộc va chạm xuất phát từ việc một người đã ghi hình lại cuộc nói chuyện của tổ trưởng tổ dân phố với một người khác mà chưa có sự đồng ý của người tổ trưởng.
Việc tự ý ghi hình sau đó đăng lên mạng xã hội là chuyện không mới nhưng chưa bao giờ hết “nóng”. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh, câu chuyện này tiếp tục lại một lần nữa được bàn luận khi mà nhiều video được đăng tải một cách tùy tiện, thiếu xác minh, có sự cắt xén hoặc diễn đạt lại, gây ảnh hưởng đến các cá nhân có liên quan, dẫn đến những đánh giá của người dân sai lệch về công tác phòng, chống dịch tại TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.
Cộng đồng mạng phẫn nộ việc nam thanh niên quay clip và hành xử khiếm nhã bằng các câu nói “sơn móng tay mà lại đi lãnh cơm”, “không phát cơm từ thiện cho bụi đời” với người nhận cơm. (Ảnh chụp màn hình)Ngày 28/8/2021, mạng xã hội lan truyền video quay cảnh một căn nhà ở Bình Chánh có nhiều gạo và cho rằng tổ trưởng tổ nhân dân ở đó “giấu gạo cứu trợ cho người dân”. Ngay khi video được chia sẻ, cộng đồng mạng đã có phản ứng gay gắt với vị tổ trưởng này và từ đó suy diễn lệch lạc về công tác chăm lo người dân của TPHCM trong bối cảnh siết chặt giãn cách xã hội. Tối cùng ngày, lãnh đạo địa phương đã xác nhận sự suy diễn trên là không đúng sự thật, nhưng hình ảnh và câu chuyện bịa đặt trên được lan khắp nơi do nhiều người đã chia sẻ clip. Hay có video của người làm từ thiện quay rõ mặt kèm những lời lẽ miệt thị người yếu thế đang nhận cơm (trước thời điểm TPHCM thực hiện “ai ở đâu ở yên đó”) thể hiện rõ sự xúc phạm, nhất là khi người đó không có cơ hội phản hồi hoặc tự bảo vệ quyền lợi. Một số tài khoản mạng xã hội còn phát các video, có lúc phát trực tuyến (livestream) trong khu vực trung chuyển F1 hoặc tại cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 hoặc tự ý ghi hình cảnh bệnh nhân Covid-19 qua đời, làm người xem hoang mang, sợ hãi.
Việc tự ý quay phim và đăng video lên mạng xã hội mà chưa có sự đồng ý của người có liên quan gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Như hai vị tổ trưởng kia bị cộng đồng mạng công kích, xúc phạm. Người yếu thế bị sỉ vả, miệt thị và bêu riếu, làm tổn hại nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm. Bệnh nhân Covid-19 có thể bị kỳ thị, xa lánh, hay gia đình có người mất càng thêm đau lòng với những hình ảnh bị chia sẻ đó. Việc tự ý quay phim tại các bệnh viện không chỉ xâm phạm quyền riêng tư của đội ngũ y bác sĩ mà còn ảnh hưởng đến tâm lý, hoạt động nghề nghiệp của lực lượng tuyến đầu. Ngoài ra, các video đó còn có thể bị những đối tượng xấu sử dụng để cắt ghép, tạo thành những video mới với nội dung kích động người dân, xuyên tạc về công tác phòng, chống dịch.
Vì vậy, ngày 18/7, Sở Y tế TPHCM ra văn bản khẩn số 4690 gửi các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19, khu cách ly y tế trên địa bàn và các cơ quan, đơn vị trực thuộc, yêu cầu người dân và cán bộ, nhân viên y tế chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quyền bảo vệ hình ảnh cá nhân, quyền được tôn trọng bí mật riêng tư của bệnh nhân và các quy định về cung cấp, đăng tải thông tin trên mạng xã hội.
Mức phạt với các vi phạm trên mạng xã hội. (Ảnh: Dangcongsan.vn)Theo luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật (Đoàn Luật sư TPHCM), hành vi ghi hình khi chưa được sự đồng ý của người khác là vi phạm quyền cá nhân đối với hình ảnh và quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân theo quy định tại Điều 32, Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015. Trường hợp này, người bị xâm phạm có thể yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai, yêu cầu bồi thường hoặc khởi kiện lên tòa án theo quy định pháp luật để yêu cầu bồi thường. Trường hợp người quay phim đăng video về người khác lên mạng xã hội, thì có thể bị xử phạt hành chính từ 10 - 20 triệu đồng, cho hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích, theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Nếu việc đăng tải video gây hậu quả nghiêm trọng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Ngoài ra, để quản lý hiệu quả hoạt động phát video trực tuyến (livestream), ngày 5/7/2021, dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng được đăng công khai trên trên các cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến nhân dân (lần 2). Dự thảo đề xuất: chỉ các mạng xã hội đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội mới có quyền cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến (livestream). Các tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung trên mạng xã hội trong nước hoặc mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam có lượng người theo dõi/đăng ký từ 10.000 người trở lên phải thông báo với Bộ Thông tin và Truyền thông. Các tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung có lượng người theo dõi/đăng ký dưới 10.000 người nếu muốn sử dụng dịch vụ phát video trực tuyến (livestream) hoặc tham gia các dịch vụ có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức thì phải thông báo với Bộ.
Theo Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015, người dân được phép ghi hình mà không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ trong hai trường hợp: một là, hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; hai là, hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. Việc ghi hình được thực hiện trong trường hợp không bị ràng buộc những quy định, yêu cầu khác.
Ngoài ra, người dân có quyền được chụp hình hay quay phim để giám sát cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, việc quay phim cần phải đảm bảo các điều kiện tại khoản 5 Điều 11 Thông tư 67/2019/TT-BCA của Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Đó là không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ; ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông); tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.
Ngoài các trường hợp trên, người dân không được và không nên quay phim và đăng tải video lên mạng xã hội khi chưa được đồng ý dù với bất kỳ mục đích gì. Trước khi bấm nút quay, chúng ta cũng nên tự hỏi: làm vậy thì có đúng quy định của pháp luật không, có thể bị xử phạt thế nào? Nếu người trong video là bản thân hoặc người thân của mình thì người đó sẽ bị ảnh hưởng ra sao? Mỗi người đừng biến việc tự ý ghi hình người khác và đăng video lên mạng xã hội trở thành “thói quen” vì có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Suy cho cùng, đó là hành động không đúng cả về lý lẫn về tình.