Thứ Sáu, ngày 20 tháng 9 năm 2024

Kỷ niệm 75 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 – 19/12/2021)

Từ khát vọng hòa bình đến khát vọng phát triển

Bút tích Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/12/1946. (Ảnh tư liệu)

(Stxdd.thanhuytphcm.vn) – 75 năm trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, sau rất nhiều nhân nhượng với các nỗ lực cứu vãn nền hòa bình ở Việt Nam của Đảng và Chính phủ ta. Lời kêu gọi chỉ chưa đến 200 chữ ấy đã toát lên khát vọng hòa bình mạnh mẽ và tinh thần đó đã khẳng định quyết tâm kháng chiến để giữ cho được độc lập, thống nhất và hòa bình cho đất nước, cho dân tộc.

Chúng ta nhớ lại một khẳng định đặc biệt sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề hòa bình. Cuối tháng 12/1945, Người trả lời phóng viên các báo hằng ngày và hằng tuần của Việt Nam về vấn đề đoàn kết. Nguyên trước đó, ngày 24/12/1945, Việt Minh, Việt Nam Cách mạng đồng minh (Việt Cách) và Việt Nam Quốc dân đảng (Việt Quốc) đã ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác nhằm tăng cường sự đoàn kết, củng cố mặt trận liên hiệp quốc dân để tập trung lực lượng vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong thỏa thuận này, có việc đặc cách ghế đại biểu Quốc hội dành cho Việt Quốc. Vì vậy, khi phóng viên hỏi: “Tại sao có 70 ghế đặc cách trong Quốc hội?”, Người nói: “Vì anh em Quốc dân đảng không ra ứng cử”. Phóng viên hỏi: “Sao lại trái nguyên tắc dân chủ vậy?”. Bác đáp: “Muốn đi tới dân chủ nhiều khi phải làm trái lại. Thí dụ muốn đi tới hòa bình có khi phải chiến tranh”. Cách trả lời ngắn gọn mà hết sức thuyết phục, không chỉ giải quyết ngay vấn đề các phóng viên đặt ra mà còn hàm chỉ một vấn đề khác: muốn có hòa bình, bên cạnh những cách thức hòa bình, đôi khi phải dùng đến sức mạnh của vũ lực.

Các cách thức hòa bình đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh nỗ lực thực hiện trong suốt từ sau ngày tuyên bố độc lập cho đến sát ngày toàn quốc kháng chiến. Tinh thần đó đã được thể hiện khái quát trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng”. Các biện pháp nhân nhượng có thể kể: Ta đã hòa hoãn với quân Tưởng với nhiều nhân nhượng, trong đó có việc Đảng phải tuyên bố tự giải tán, phải cho bọn Việt Quốc, Việt Cách tham gia chính quyền cách mạng; ta ký Hiệp định Sơ bộ với Pháp ngày 6/3/1946, trong đó đã nhượng bộ với Pháp, từ yêu cầu Việt Nam độc lập hoàn toàn, thành Việt Nam còn là một “quốc gia tự do” nằm trong Liên hiệp Pháp; Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sang thăm nước Pháp với tư cách là thượng khách và Người đã có nhiều cuộc đàm phán, tiếp xúc với Chính phủ Pháp nhằm cứu vãn hòa bình; khi các giải pháp không đạt kết quả như mong muốn, Người tiếp tục ký Tạm ước 14/9/1946, sự nhượng bộ cuối cùng nhằm duy trì hòa hoãn, tranh thủ đình chiến, tiếp tục làm bước “hòa” để “tiến”, nhằm tạo điều kiện cho Đảng ta chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến không thể tránh khỏi…

Khi các nỗ lực hòa bình không thành do cuồng vọng của thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh không còn con đường nào khác là phải kháng chiến. Lời kêu gọi vang lên đanh thép: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”; “Chúng ta phải đứng lên!”; “Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”; “Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước”... Người cũng nêu rõ thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến: “Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta! Việt Nam độc lập và thống nhất muôn nǎm! Kháng chiến thắng lợi muôn nǎm!”.

Như vậy, việc nổ súng là giải pháp chẳng đặng đừng. Ta không gây chiến tranh nhưng ta chấp nhận chiến tranh chỉ vì để đi đến hòa bình. Bởi trong tình thế đó, nếu không có chiến tranh thì không thể có độc lập và thống nhất, càng không thể có hòa bình.

Tinh thần hòa bình xuyên suốt trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và chủ trương, đường lối của Đảng trước, trong và sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau này, Jean Sainteny (1907 - 1978), người từng là đại diện của Chính phủ Pháp, từng ký Hiệp định Sơ bộ với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã cho xuất bản cuốn hồi ký nổi tiếng Câu chuyện về một nền hòa bình bị bỏ lỡ (năm 1954), khẳng định Chính phủ Pháp đã để vuột mất cơ hội kiến tạo nền hòa bình ở Việt Nam[1], gây nên những hậu quả nặng nề không chỉ cho các nước Đông Dương mà còn cho chính nước Pháp. Đồng thời, chiến tranh ở Đông Dương 1945 - 1954 còn để lại nhiều hệ lụy khác cho khu vực và thế giới.

Là dân tộc phải liên tục chống xâm lược trong suốt chiều dài lịch sử đất nước, khát vọng hòa bình luôn cháy bỏng trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam. Khát vọng đó tiếp tục được thể hiện rõ nét trong giai đoạn hiện nay với những nỗ lực tham gia gìn giữ hòa bình và an ninh trong khu vực, đặc biệt là luôn kìm chế trước một số hành động đe dọa chủ quyền và gây nguy cơ xung đột vũ trang.

Tổ tự vệ chợ Đồng Xuân (Hà Nội) mùa đông năm 1946. (Ảnh tư liệu) Tổ tự vệ chợ Đồng Xuân (Hà Nội) mùa đông năm 1946. (Ảnh tư liệu)

Không chỉ vậy, để hiện thực hóa khát vọng hòa bình, Đảng ta đã nâng lên một tầm cao mới cho dân tộc, đó là khơi gợi phát triển đất nước trong bối cảnh mới. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nêu khoảng 10 lần từ “khát vọng” trong các cụm từ như “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, “khát vọng vươn lên”, “khát vọng phát triển mãnh liệt”… Yếu tố khát vọng phát triển này gắn với khát vọng hòa bình ở mấy điểm chính: hòa bình luôn là mục tiêu và điều kiện để phát triển đất nước, bảo đảm hạnh phúc cho nhân dân và hùng cường cho đất nước; nếu không phát triển đất nước thì hòa bình có thể chỉ còn có ý nghĩa tương đối, bởi hòa bình là một trong nhiều mục tiêu của Đảng ta trong tiến trình lãnh đạo nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội, bên cạnh độc lập, tự do, hạnh phúc, phồn vinh…; nếu không có sự phát triển mạnh mẽ thì sẽ không đủ sức bảo vệ đất nước trước các âm mưu bá quyền, khi đó không thể có hòa bình…

Khát vọng hòa bình của Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến tiếp tục được thể hiện rõ trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc gia - dân tộc”; “kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc đi đôi với giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”… Tức là, chúng ta luôn nỗ lực duy trì hòa bình nhưng sẵn sàng và quyết tâm ứng phó với mọi tình huống để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ trong bất kỳ tình huống nào.

75 năm qua, lời khẳng định “Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!” của Bác Hồ trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chắc chắn vẫn sẽ là định hướng nhất quán của đất nước ta, dân tộc ta, của Đảng ta, Nhà nước ta về hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất. Đó vừa là mục tiêu của đất nước vừa là quyết tâm của cả dân tộc, và sẽ nỗ lực, hy sinh đến cùng để đạt được mục tiêu đó.

Nguyễn Minh Hải

___________

[1] Sainteny viết: “Tầm hiểu biết sâu rộng, trí tuệ lỗi lạc, khả năng hoạt động vô cùng lớn lao, đạo đức chí công vô tư của Chủ tịch Hồ Chí Minh khiến Người thu phục được hoàn toàn lòng dân. Đáng tiếc là nước Pháp đã không đánh giá được hết con người ấy, không hiểu được uy tín cũng như sức mạnh mà con người ấy đại diện nên đã để lại phía sau lịch sử một nền hòa bình bị bỏ lỡ”. Điều đáng chú ý là từ những năm 1946 - 1947, Sainteny đã thể hiện quan điểm ngày càng ôn hòa. Sau khi bị thương nặng ngay đêm 19/12/1946, đến tháng 3/1947, ông được gọi trở về Pháp để điều trần trước Quốc hội Pháp về vấn đề Đông Dương. Tại đây, ông đưa ra những nhận định về sự thất bại không thể tránh khỏi của Pháp tại Đông Dương. Do thái độ khác với quan điểm hiếu chiến của Chính phủ Pháp, tháng 12/1947, ông được cho nghỉ dài hạn. Khi kết thúc chiến tranh Đông dương, để nối lại quan hệ hữu nghị hai bên, ngày 15/8/1954, ông được Thủ tướng Pháp Mendes France bổ nhiệm vào chức vụ Đại diện Pháp tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 6/10, ông được nâng lên chức vụ “Tổng đại diện Chính phủ Cộng hòa Pháp bên cạnh Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo