Thứ Ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024

TPHCM: Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 89% vào năm 2030

TPHCM vừa ban hành kế hoạch phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập

(Thanhuytphcm.vn) - UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM đến năm 2030.

Theo đó, TPHCM đặt ra mục tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 87% vào năm 2025 và đạt 89% vào năm 2030; phấn đấu duy trì tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4% vào năm 2025 và đạt dưới 3% vào năm 2030; tỷ lệ thất nghiệp thanh niên thành thị ở mức thấp dưới 4%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội hàng năm đạt 7%/năm.

Đồng thời, đầu tư, phát triển giao dịch việc làm, hệ thống thông tin thị trường lao động hiện đại, đồng bộ, thống nhất và có sự liên thông giữa các hệ thống thông tin. Cụ thể, năm 2025, có 85% và năm 2030 có trên 95% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông được hướng nghiệp. Năm 2025, có 45% và năm 2030 có 50% lao động được hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm tư vấn, giới thiệu có việc làm. Đến năm 2025, hoàn thành việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các phần mềm ứng dụng, hệ thống kết nối, chia sẻ tích hợp dữ liệu và thực hiện chuyển đổi, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu về lao động. Từ năm 2026, đưa cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động vào quản lý và khai thác sử dụng, kết nối chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia khác. Đến năm 2030, hệ thống thông tin thị trường lao động được hiện đại hóa, dữ liệu được liên thông.

Để thực hiện các mục tiêu trên, TPHCM đề ra một số giải pháp như nghiên cứu, đề xuất ban hành, sửa đổi các chính sách để hạn chế thất nghiệp, nâng cao chất lượng lao động, thu hút người lao động tham gia làm việc trong khu vực chính thức để đảm bảo việc thực thi đầy đủ các chế độ, chính sách và quyền lợi cho người lao động.

Đồng thời, cung cấp các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề trước khi đi làm cho sinh viên mới tốt nghiệp; các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng cho lao động trong quá trình làm việc phù hợp với tính chất đặc thù của từng đối tượng lao động. Khuyến khích người sử dụng lao động tham gia vào quá trình giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp. Thiết kế các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lao động dựa trên các tiêu chuẩn kỹ năng nghề, ứng dụng khoa học công nghệ số; nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho các nhóm lao động đặc thù.

Mặt khác, rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng vùng để kịp thời kết nối, cung ứng lao động. Tổ chức thực hiện các biện pháp để giải quyết tình trạng thiếu lao động cục bộ, mất cân đối cung - cầu lao động; phát triển các hình thức giao dịch việc làm theo hướng hiện đại trên nền tảng công nghệ số; thu hút lao động tại chỗ, đào tạo, đào tạo lại cho lực lượng lao động đang làm việc thích ứng với những biến động bất thường.

Bên cạnh đó, thúc đẩy tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động. Trong đó, tăng cường đầu tư, phát triển các ngành kinh tế tạo nhiều việc làm bền vững; thực hiện các giải pháp để phân luồng, nâng cao chất lượng nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; tổ chức đào tạo, cung ứng kịp thời nhân lực cho các doanh nghiệp, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ; đầu tư phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động.

Ngoài ra, hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm cho người lao động.

Vân Minh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo