Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM Phan Công Bằng phát biểu khai mạc hội nghị(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 18/4, tại TPHCM, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) và Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) phối hợp tổ chức Hội nghị quốc tế với chủ đề “Thông tin về công tác tư vấn thực hiện các dự án đường sắt đô thị tại TPHCM và thành phố Hà Nội” với 300 đại biểu tham dự trực tiếp và khoảng 500 đại biểu tham dự trực tuyến đến từ hơn 10 quốc gia là các nhà tư vấn, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM Phan Công Bằng cho biết, hội nghị nhằm giới thiệu, trình bày về quy hoạch và kế hoạch triển khai Nghị quyết số 188 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Thành phố Hà Nội, TPHCM. Bên cạnh đó, thông tin cập nhật về tình hình cũng như kế hoạch triển khai dự kiến của Dự án tuyến Metro số 2 TPHCM (Bến Thành - Tham Lương) trong bối cảnh Thành phố đã quyết định chuyển từ nguồn vốn vay ODA sang sử dụng vốn ngân sách trong nước, trước mắt là công tác tuyển chọn Tư vấn, bao gồm: Tư vấn lập “Điều chỉnh Dự án - Thiết kế FEED và đấu thầu” và Tư vấn thẩm tra “Điều chỉnh Dự án - Thiết kế FEED”.
Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Hà Nội sẽ hoàn thành xây dựng 15 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 617km. Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, TPHCM sẽ hoàn thành xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 510km.
Thông tin tại Hội nghị, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP Bùi Anh Huấn cho biết, Chiến lược phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM với mục tiêu đến năm 2035 sẽ hoàn thành 7 tuyến (từ tuyến số 1 đến tuyến số 7) với chiều dài 355km, đáp ứng 22km/1 triệu dân và dự kiến đảm bảo đạt 40-50% nhu cầu đi lại của người dân. Tính sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 40,21 tỷ USD và chi phí vận hành khai thác khoảng 0,398 tỷ USD. Đến năm 2045, hoàn thành 3 tuyến (tuyến số 8, 9 và 10) với chiều dài 155 km; đáp ứng 26km/1 triệu dân và dự kiến đảm bảo đạt 50-60% nhu cầu đi lại của người dân.
Thông tin về quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô, đại diện Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, hiện có 3 đoạn tuyến đã được phê duyệt quy hoạch 6 đoạn/tuyến đang nghiên cứu sơ bộ về hướng tuyến và vị trí nhà ga. Trong giai đoạn 2026 - 2030, nhu cầu vốn khoảng 15,80 tỷ USD và hoàn thành thi công xây dựng 7 tuyến với chiều dài 116,84 km và năng lực vận tải đến năm 2030, đảm nhận từ 27-32% lượng hành khách công cộng. Đối với giai đoạn 2031 - 2035, nhu cầu vốn khoảng 21,37 tỷ USD, năng lực vận tải đến sau 2035, đảm nhận từ 35-40% lượng hành khách công cộng. Giai đoạn 2036 - 2045, nhu cầu vốn khoảng 18,252 tỷ USD và hoàn thành đầu tư xây dựng 600,2 km đường sắt đô thị.
Các đại biểu nghe thông tin về Chiến lược phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCMTại hội nghị, các các nhà tư vấn, các nhà đầu tư đã chia sẻ, đóng góp ý kiến về các khía cạnh quan trọng, cấp bách trong quá trình triển khai các dự án đường sắt đô thị như: Thiết kế FEED; Mô hình thực hiện dự án; Chiến lược đấu thầu; Lựa chọn hình thức hợp đồng (EPC, Design & Build...), Chiến lược quản lý rủi ro…
Ban tổ chức cũng tiến hành khảo sát, thu thập số liệu, kinh nghiệm của các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước về thực hiện các công việc tư vấn quan trọng khác như: khảo sát xây dựng, thiết kế FEED, lập dự án đầu tư, tư vấn đấu thầu EPC, tư vấn quản lý dự án và tư vấn giám sát cho các tuyến đường sắt đô thị trong thời gian sắp tới.