Phải khẳng định, từ khi được giải phóng, Sài Gòn – TPHCM trải qua nhiều mốc lịch sử và kinh nghiệm được hun đúc trong thực tế đấu tranh giải phóng dân tộc là “bệ phóng” cho TPHCM vươn lên tầm cao như định hướng của Đảng và Nhà nước: một trung tâm hàng đầu về kinh tế trong nước mang tầm cỡ khu vực.
Nhìn vào 10 năm phát triển gần đây của TPHCM, mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế của TPHCM đã và đang trở thành hiện thực. Những thành quả được thể hiện rất rõ ràng.
Tổng giá trị GRDP của TPHCM năm 2019 đạt 1.344.743 tỷ đồng, gấp 2,45 lần so với năm 2010. Tốc độ tăng trưởng giá trị GRDP bình quân giai đoạn 2010 – 2019 đạt 6,64%/năm. Đáng chú ý là ngành dịch vụ của TP tăng ấn tượng, từ 76.333 tỷ đồng năm 2010 lên 822.762 tỷ đồng năm 2019, đưa TPHCM trở thành trung tâm dịch vụ “đúng nghĩa” của khu vực phía Nam. Ở góc độ vi mô, mức sống thật của người dân TPHCM cũng tăng lên theo từng năm. Nếu GRDP năm 2015 tương đương 5.538 USD, năm 2017 tương đương gần 6.000 USD.
Trong quá trình phát triển, không thể kể hết những câu chuyện đã trở thành bài học đáng giá từ sự kiên quyết, dũng cảm của lãnh đạo Thành phố qua các thời kỳ. Nhưng có một điều phải khẳng định, giống như bài học của lịch sử dân tộc, mọi quyết định của Đảng bộ, chính quyền Thành phố cơ bản dựa trên quyền và lợi ích của người dân, bám sát chặt chẽ định hướng của Đảng, Nhà nước.
Công nhân, lao động đang làm việc tại Công ty NIKKISO ở Khu chế xuất Tân Thuận. (Ảnh: Long Hồ) Thế giới đang “phẳng”, chính xác là sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, sự đan xen quyền lợi của các dân tộc. Việt Nam có mục tiêu “hoà mình” hiệu quả vào dòng chảy thế giới với tốc độ của ngành công nghiệp 4.0. Là đầu tàu kinh tế của phía Nam, TPHCM ý thức trách nhiệm và vai trò của mình trong sứ mệnh “đi trước”, nhanh chóng đón đầu, tạo đột phá. Thành phố tạo đột phá bằng định hướng xây dựng mô hình đô thị thông minh bằng việc bước đầu xây dựng hệ thống dữ liệu chung, hình thành trung tâm điều hành thông minh ở các lĩnh vực, xây dựng khu đô thị sáng tạo phía Đông.
Để làm những điều đó, TPHCM tự tin dựa vào tiềm lực hạ tầng và con người dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền TPHCM.
Thành phố Hồ Chí Minh có quy mô dân số lớn nhất cả nước (chiếm tỷ lệ 9,35%) và hơn 50% dân số vùng Đông Nam Bộ. Tính đến ngày 1/4/2019, dân số của Thành phố đã đạt con số gần 9 triệu dân. Sau 10 năm, quy mô dân số của Thành phố tăng thêm 1,8 triệu người, tốc độ tăng dân số bình quân của Thành phố là 2,28%/năm, bình quân một năm Thành phố tăng khoảng 183 ngàn người, gần bằng dân số của một quận quy mô nhỏ của Thành phố. Đi cùng với tốc độ tăng dân số đó, TPHCM đang có một lực lượng lao động được đánh giá dồi dào năng lực và kỹ năng. Theo thống kê, năm 2018, số người trong độ tuổi lao động từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn Thành phố là 4.570.798 người, tăng 54.480 người so với năm 2017 (tương ứng tăng 1,2%). Cùng với số lượng lao động tăng, TPHCM cũng ghi nhận tỷ lệ lao động có chất lượng tăng. Cụ thể là trình độ đại học ngày càng có xu hướng tăng lên qua các năm (năm 2011 là 17%, năm 2019 là 28,27%, tăng 11,27%).
Về hạ tầng, việc hình thành tuyến metro đầu tiên tại TPHCM đang mở toang cánh cửa thông suốt giữa khu vực trung tâm TPHCM về hướng Suối Tiên (quận 9)– khu đô thị sáng tạo đầu tiên của TPHCM. Tin vui là đoàn tàu đầu tiên sẽ được đưa từ Nhật Bản về TPHCM trong quý 2/2020. Cũng trong quý 2, TPHCM cũng xúc tiến tuyến metro Bến Thành – Tham Lương, tiếp tục mở thêm 1 cánh cửa mới cho sự phát triển thông suốt của TPHCM. Có thể hình dung là các tuyến metro này chính là những “mạch máu” lan toả chính sách, định hướng của Đảng bộ TPHCM đến mọi khu vực trong Thành phố. Càng nhiều “mạch máu” giao thông, “cơ thể” Thành phố càng khoẻ mạnh và sức bật càng trở nên mạnh mẽ.
Không chỉ có vậy, một đô thị phát triển vững bền đòi hỏi sự chăm lo đời sống người dân được chu đáo, an toàn. Ý thức điều này, TPHCM tập trung đầu tư và phát triển hai lĩnh vực cơ bản là giáo dục và y tế.
Người Khuyết tật được tham gia học tập và làm việc. (Ảnh: Long Hồ) Thành phố chủ động xây dựng và duy trì thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng dược phẩm thiết yếu. Tất cả quận, huyện trên địa bàn Thành phố đều có Trung tâm y tế dự phòng, phụ trách công tác phòng chống dịch bệnh. Hệ thống này đã đem đến hiệu quả nhanh chóng khi tổ chức theo dõi, giám sát, khoanh vùng tức thời khi đối phó với dịch bệnh Covid-19. Phát triển tốt hệ thống y tế dự phòng, y tế gia đình chính là những bước đi căn cơ trong chăm sóc, bồi dưỡng nguồn nhân lực của Thành phố.
Về giáo dục, trong giai đoạn 2016-2018, qua rà soát 41 trường đại học, cao đẳng, TPHCM hiện có 20.593 giảng viên. Trong đó, có 17.229 giảng viên có trình độ sau đại học, chiếm 83,7% gồm: 163 giáo sư, 796 Phó giáo sư, 4.253 Tiến sỹ và 12.017 Thạc sỹ. Tỷ lệ trường đạt chuẩn chất lượng của Bộ GD - ĐT hoặc chuẩn khu vực và quốc tế là 22/80, đạt 27,5%, vượt 7,5% chỉ tiêu xác định tại Chương trình đột phát về Phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2016-2020. TPHCM đang định hình một chiến lược nhân lực bài bản cho tương lai phát triển khi gia tăng đào tạo những lĩnh vực thời đại như trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, kết nối vạn vật…
Sài Gòn - TPHCM đi đâu cũng thấy dấu chân lịch sử. Mỗi góc phố, con đường đều khoác lên mình quá khứ-hiện tại-tương lai. Những nét lịch sử riêng biệt của Thành phố đã tạo nên tính cách của người dân TPHCM nghĩa tình, phóng khoáng. Từ điều đó mà mỗi người dân dù nguồn gốc khác nhau nhưng một khi đã sống, đã yêu, đã quý TPHCM thì đương nhiên được xem như là một phần của thành phố.
Quá trình phát triển của TPHCM không chỉ chứng kiến những thành tựu mà trong đó cũng còn có không ít nỗi đau. Có những nỗi đau chỉ thoáng qua nhưng cũng có những nỗi niềm mà chỉ có những giải pháp hợp tình, hợp lý mới xoá đi phần nào suy tư, trăn trở. Điều đó càng nhắc nhở, “dạy” cán bộ, công chức TPHCM về cách trọng dân, lo toan cho dân là nền tảng cốt lõi của mọi thắng lợi cả về kinh tế lẫn uy tín cá nhân.
TPHCM đang vươn mình để xây dựng một thương hiệu “đô thị tương lai”. Ở vị trí đó, áp lực của một trung tâm đi đầu trong cả nước sẽ đặt gánh nặng không nhỏ lên “vai” của lãnh đạo và nhân dân TPHCM.
Xây dựng hài hoà mối quan hệ giữa Đảng – Nhà nước – Nhân dân, hiểu và biết phát huy lợi thế của một trung tâm kinh tế, sáng tạo đột phá vào lĩnh vực mới chính là động lực để Thành phố tiếp tục xứng đáng với sự tin tưởng, tin yêu của cả nước là mũi nhọn đột phá trong thời đại mới.